Những cổ phiếu bị khối ngoại bán mạnh khi VN-Index tăng 22 điểm

Mai Chi

(Dân trí) - Chứng khoán hồi phục mạnh mẽ với mức tăng hơn 22 điểm của VN-Index, song thanh khoản lại rất thấp và khối ngoại bán ròng.

Chứng khoán hôm nay (6/8) hồi sinh ngoạn mục sau phiên bán tháo. VN-Index lấy lại mốc 1.200 điểm đầy thuyết phục, tăng 22,21 điểm tương ứng 1,87%, đóng cửa tại 1.210,28 điểm. Mặc dù vậy, phiên hồi phục này cũng mới chỉ giúp chỉ số lấy lại chưa tới một nửa điểm số đã đánh mất hôm qua.

VN30-Index tăng 20,7 điểm tương ứng 1,68%; HNX-Index tăng 3,75 điểm tương ứng 1,68% và UPCoM-Index tăng 1,43 điểm tương ứng 1,58%.

Những cổ phiếu bị khối ngoại bán mạnh khi VN-Index tăng 22 điểm - 1

Thanh khoản giảm mạnh so với phiên hôm qua (Nguồn: VNDS).

Điểm số có chuyển biến tích cực nhưng thanh khoản lại là điểm trừ. Áp lực bán đã giảm đáng kể, dù vậy, sự phục hồi diễn ra trong nghi ngờ khi mà giá trị giao dịch khiêm tốn.

Toàn sàn HoSE chỉ có 688,83 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng giá trị giao dịch đạt 16.355,89 tỷ đồng; HNX có 57,42 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 1.036,8 tỷ đồng và sàn UPCom có 32,89 triệu cổ phiếu giao dịch tương ứng 465,75 tỷ đồng.

Độ rộng thị trường nghiêng hẳn về phía các mã tăng giá. Có 383 mã tăng trên HoSE, gấp hơn 6 lần so với số mã giảm giá; HNX có 128 mã tăng, hơn gấp đôi số mã giảm và UPCoM có 186 mã tăng so với 95 mã giảm.

Sắc xanh chiếm ưu thế nhưng số lượng mã tăng trần lại không nhiều. Sàn HoSE chỉ có 6 mã tăng trần, HNX có 7 mã tăng trần và UPCoM có 16 mã tăng trần. Tổng cộng 29 mã tăng trần, 697 mã tăng giá. Như vậy, lực mua vào của giới đầu tư không quyết liệt.

Những cổ phiếu bị khối ngoại bán mạnh khi VN-Index tăng 22 điểm - 2

Top cổ phiếu được khối ngoại mua ròng và bán ròng mạnh nhất phiên (Nguồn: VNDS).

Cổ phiếu VN30 phát huy rất tốt vai trò dẫn dắt thị trường của nhóm cổ phiếu đầu ngành. Không một mã nào trong rổ này giảm giá, có 28 mã tăng và 2 mã đứng tham chiếu. Đáng chú ý, 10 cổ phiếu có ảnh hưởng mạnh nhất đến VN-Index mang về 8,89 điểm cho chỉ số này.

Những mã tăng giá mạnh nhất và có ảnh hưởng tích cực nhất đến VN-Index có thể kể đến BCM tăng 5,2%; VNM tăng 4,8%; STB tăng 4,4%; GVR tăng 4,2%; MSN tăng 3,8%; SSI tăng 3,4%... Trong đó, VNM đóng góp 1,69 điểm; GVR đóng góp 1,22 điểm và MSN đóng góp 0,95 điểm.

Cổ phiếu "vua" đồng loạt tăng, một số có thanh khoản tốt như MBB tăng 2% và khớp lệnh xấp xỉ 17 triệu đơn vị; SHB tăng1,9% và khớp lệnh 19,1 triệu đơn vị.

Cổ phiếu bất động sản hồi phục mạnh mẽ: TCH tăng trần với khớp lệnh gần 13 triệu đơn vị, trắng lệnh bán; AGG tăng 6,7%; DXG tăng 5,7%; BCM tăng 5,2%; NVL tăng 3,2%. Đặc biệt, LDG tăng kịch biên độ, khớp lệnh xấp xỉ 7 triệu cổ phiếu và có dư mua lên tới 10 triệu cổ phiếu ở mức giá trần.

Nhóm xây dựng và vật liệu cũng được mua vào khá quyết liệt, trong đó, ACC tăng trần; PHC tăng 5,7%; HBC tăng 5,7%; DPG tăng 4,7%; CII tăng 4,4%. Cổ phiếu ngành tài nguyên cơ bản có DLG tăng trần sau chuỗi lao dốc; HSG tăng 4,8%, khớp lệnh 9,9 triệu đơn vị; KSB tăng 4,3%.

Trong ngành thực phẩm và đồ uống, HNG tăng trần lên 3.900 đồng; VNM tăng 4,8% với khớp lệnh 13,5 triệu đơn vị; BAF tăng 4%; MSN tăng 3,8%; SBT tăng 3,3%; DBC tăng 3,3%; PAN tăng 3,1%.

Yếu tố cần lưu ý là khối ngoại phiên này bán ròng 755 tỷ đồng trên toàn thị trường, trong đó, bán ròng 731 tỷ đồng trên HoSE. Nếu như khối này mua ròng VNM với giá trị 205 tỷ đồng thì lại bán ròng mạnh VJC với giá trị 358 tỷ đồng, FPT với 114 tỷ đồng; AGG với 113 tỷ đồng; MWG với 113 tỷ đồng và SSI với 71 tỷ đồng.