1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Những bất ngờ từ chỉ số PCI

(Dân trí) - Với mẫu điều tra trên 6.300 doanh nghiệp địa phương của 64 tỉnh, thành, chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI) 2006 vừa được công bố đã đem lại những kết quả bất ngờ không những với các địa phương mà còn gây nhiều tranh cãi cho giới chuyên gia và báo chí.

Những con số ấn tượng

Với thang điểm 100, nhóm dẫn đầu được đánh giá “rất tốt” thuộc về hai tỉnh là Bình Dương (76,23 điểm) và Đà Nẵng (75,39 điểm). Cả hai tỉnh này đều có điểm số rất cao trong tất cả các chỉ số thành phần và đặc biệt có đến ba hoặc bốn chỉ số thành phần có điểm trên 8. Đà Nẵng có chỉ số thành phần về đất đai hơi thấp, nhưng bù lại các chỉ số thành phần khác đều cao.

Tuy nhiên, thành tích đáng chú ý trong bảng xếp hạng năm nay là các địa phương: Bình Định, TPHCM, An Giang, Đồng Tháp… bởi sự “nhảy vọt” về thứ hạng.

Cụ thể, Bình Định từ thứ hạng 12 của năm 2005 đã vượt qua nhiều tỉnh khác để giành vị trí thứ ba của bảng xếp hạng 2006, An Giang từ áp chót leo lên vị trí thứ 9, trong khi TPHCM tiến 10 bậc để leo lên vị trí thứ 7.

10 chỉ số thành phần PCI: Chi phí gia nhập thị trường, Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, Tính minh bạch và tiếp cận thông tin, Chi phí thời gian để thực hiện các quy định Nhà nước, Chi phí không chính thức, Ưu đãi DN Nhà nước (môi trường cạnh tranh), Tính năng động của lãnh đạo tỉnh, Chính sách phát triển kinh tế tư nhân, Đào tạo lao động, Thiết chế pháp lý.

 

Trong đó, hai chỉ số về Tiếp cận đất đai và sự ổn định trong sử dụng đất, Tính minh bạch và tiếp cận thông tin là quan trọng nhất.

Tuy nhiên, theo kết quả xếp hạng, khá nhiều tỉnh thành bị tụt hạng quá nhanh, gây thất vọng nhất phải kể đến Hà Nội - một trong những trung tâm kinh tế trọng điểm của đất nước - từ thứ hạng 14 xuống hạng 40 và tiếp theo là Hải Phòng, từ hạng 19 xuống hạng 42.

Nối tiếp hai địa phương dẫn đầu về sự “tụt dốc” là các tỉnh  Bến Tre, Quảng Ninh, Thái Bình vốn là các địa phương có chỉ số PCI cao của năm 2005 nhưng nay lại bị xuống hạng mạnh: Bến Tre từ hạng 4 xuống hạng 26, Quảng Ninh từ hạng 7 xuống hạng 25, Thái Bình từ hạng 8 xuống hạng 37.

Đánh giá về mức độ của PCI 2006, TS. Lê Đăng Doanh nói: “Báo cáo còn phải tiếp tục cải cách, cần thêm chỉ số về khoa học công nghệ và cung cấp thông tin. Khoa học công nghệ rất quan trọng, đặc biệt là trong thời điểm hiện tại, năm nay vẫn thiếu yếu tố này. PCI còn là căn cứ để các địa phương tự đánh giá mình. Trong khoa học quản lý, người ta coi thất bại là cơ hội để hoàn thiện mình. Khen ngợi mãi sẽ không tiến lên được mà phải biết mình yếu kém ở đâu, khắc phục và tiến lên. Theo tôi, báo cáo này có ích ở chính chỗ đó”.

Tại sao Hà Nội có xếp hạng thấp?

Phải nói rằng, sự “tuột dốc” về thứ hạng của Hà Nội đã tạo ra rất nhiều thắc mắc. Theo các thành viên của nhóm nghiên cứu, lý do Hà Nội có xếp hạng thấp hơn năm ngoái rất khó lý giải, đặc biệt là khi Hà Nội mới vừa nhận được những khen ngợi đáng kể về cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, đánh giá của doanh nghiệp tư nhân về tất cả các mặt lại không khả quan như những lời khen ngợi.

Trong 10 chỉ số, Hà Nội chỉ có một chỉ số thành phần duy nhất được cải thiện là Tính minh bạch. Các chỉ số thành phần khác đều đã sụt giảm và một số còn sụt giảm đáng kể. Không những các chỉ số về Chi phí gia nhập thị trường (5,75 điểm) và Tiếp cận đất đai (4,19 điểm) đã sụt giảm do thay đổi trọng số, mà các chỉ số về Tính năng động của chính quyền cũng như Chính sách phát triển khu vực tư nhân có trọng số hầu như rất ít thay đổi, đều đạt điểm thấp (4,23 điểm).

Hà Nội cũng có điểm thấp hơn những tỉnh khác đối với hai chỉ số thành phần mới đưa vào do lòng tin của doanh nghiệp vào các thiết chế pháp lý xử lý tranh chấp không cao.

Về vấn đề này, nhóm nghiên cứu cho biết, trên thực tế, nguyên nhân của sự suy giảm điểm số và xếp hạng của Hà Nội liên quan đến nhiều đánh giá, cảm nhận của doanh nghiệp hơn là những thay đổi của phương pháp luận tạo nên.

Bên cạnh đó, tỉ lệ phản hồi của Hà Nội đã gần như không thay đổi so với năm trước, do đó có thể chỉ những doanh nghiệp có khúc mắc của thủ đô tham gia trả lời điều tra, trong khi những tỉnh khác lại có được lợi thế từ số lượng phiếu trả lời mới nhận được từ các doanh nghiệp kinh doanh thuận lợi.

Bà Phạm Chi Lan, Cố vấn đặc biệt của Thủ tướng Chính phủ thì: “Hà Nội rất cần tự xem lại mình. Có lẽ cái quan trọng không phải chỗ là thứ hạng xuống mà phải xem xét các chỉ số cụ thể, bởi trong 10 nhóm chỉ số được đưa ra để đánh giá phải nói hầu hết các nhóm chỉ số đó là Hà Nội đạt mức dưới điểm trung bình. Đó là điểm cần xem xét nhất, thứ hạng không quan trọng bằng việc các chỉ số thấp”.

Nguyễn Hiền

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm