Vụ tài khoản trống vẫn rút được 2,6 tỷ đồng:
Những ai phải chịu trách nhiệm?
(Dân trí) - Đoàn Luật sư Thành phố Hà Nội đã đưa ra những nhận định của mình về vụ thẻ trống vẫn rút được 2,6 tỷ vừa xảy ra tại Eximbank…
Trao đổi với Dân trí, phó giáo sư, tiến sĩ, luật sư Phạm Hồng Hải cho biết: Thẻ ATM là dịch vụ mới của ngân hàng để phục vụ nhu cầu tiêu dùng, qua đó có thể rút tiền bất kỳ ở nơi nào. Vì là loại hình mới nên bước đầu nó cũng bộc lộ những bấp cập từ phía người quản lý cũng như về mặt kỹ thuật.
Trong trường hợp vừa qua của Eximbank, mặc dù thẻ hết tiền nhưng vẫn rút được nhiều lần và rút được 2,6 tỷ thì hành vi đó có thể xem là vi phạm pháp luật. Bởi bản thân anh biết thẻ hết tiền nhưng vẫn cố tình chiếm đoạt tài sản ngân hàng thì hành vi đó là vi phạm pháp luật, và có thể coi đó là một tội phạm.
Trong trường hợp này, theo tôi nghĩ thì có yếu tố lén lút, vì không cho người khác biết, mặc dù người rút tiền biết thẻ không có tiền nhưng vẫn dùng thẻ để chiếm đoạt tiền có thể coi đó là việc trộm cắp và người đó có thể truy cứu về mặt hình sự.
Bên cạnh đó, từ giác độ xã hội cũng phải xem xét nếu như sự cố vừa qua xuất phát từ cung cách quản lý thì cần phải chấn chỉnh, nhất là đối với đội ngũ cán bộ ngân hàng.
Giải thích của Eximbanh cho rằng do nhân viên đã nhập sai mã code, tức biến thẻ thường thành thẻ VIP. Và thẻ VIP thì không hạn chế mức rút tiền. Ông có bình luận gì về điều này?
Trong trường hợp này thì có thể quy kết nhân viên ngân hàng thiếu trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng. Vì thiếu trách nhiệm nên dẫn đến sai lầm để cho khách rút tiền của ngân hàng.
Bao nhiêu tiền thì được coi là gây hậu quả nghiêm trọng, thưa ông?
Số tiền được rút là 2,6 tỷ đồng được xem là rất nghiêm trọng.
Trong trường hợp này, Eximbank cũng “đổ lỗi” cho phía Techcombank vì ngân hàng này đã chậm trễ trong việc thông báo lại các giao dịch trong liên minh thẻ?
Điều này còn phải xem lại quy chế hợp tác giữa liên ngân hàng vì họ là những người hợp tác với nhau trên cơ sở một biên bản thoả thuận.
Biên bản thoả thuận đó như thế nào thì tôi chưa được xem. Tuy nhiên, ở đây Techcombank cũng phải chịu một phần trách nhiệm.
Cụ thể trách nhiệm của Techcombank trong trường hợp này được quy định như thế nào, thưa ông?
Việc Techcombank chậm báo cáo không phải là nguyên nhân dẫn đến chuyện mất tiền, do đó Techcombank chỉ chịu trách nhiệm hành chính.
Trong trường hợp này thì bên nhập mã số sai phải chịu trách nhiệm, còn bên có chức năng, nhiệm vụ cập nhật thông tin báo cho phía đối tác biết chỉ là vi phạm, sai sót hành chính.
Nhưng việc Techcombank chậm báo cáo có được xem là một trong những nguyên nhân dẫn đến số tiền bị rút?
Nó không phải là nguyên nhân dẫn đến việc khách hàng chiếm đoạt tiền.
Với hệ thống ATM như hiện nay, ông có thấy yên tâm không nếu ông là chủ thẻ. Trong trường hợp tiền người khác rút nhưng lại trừ vào tài khoản của ông?
Cũng giống như điện thoại, ai đó gọi đi nước ngoài nhưng có khi mình lại phải thanh toán, cũng có thể ai đó rút tiền nhưng lại bị tính vào tài khoản của tôi. Cái gọi là quýt làm cam chịu cũng thường xảy ra.
Xin cảm ơn ông!
Trần Hưng (thực hiện)