Nhựa thông rớt giá, người dân bỏ canh tác tìm nghề mới mưu sinh

Nguyễn Tú

(Dân trí) - Trong thời gian gần đây, nhựa thông rớt giá sâu khiến cuộc sống của người dân gặp không ít khó khăn. Nhiều lao động chuyên khai thác nhựa thông phải tìm công việc khác để mưu sinh.

Thời gian qua, cây thông mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân các huyện bán sơn địa ở Nghệ An. Loại thông được trồng ở đây chủ yếu là thông đuôi ngựa, có khả năng cho nhựa tốt, cung ứng cho các ngành sản xuất công nghiệp.

Nhựa thông rớt giá, người dân bỏ canh tác tìm nghề mới mưu sinh - 1

Cây thông mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân các huyện bán sơn địa ở Nghệ An.

Tuy nhiên, mấy năm gần đây, giá nhựa thông liên tục giảm mạnh khiến người dân gặp rất nhiều khó khăn và không còn mặn mà vì lợi nhuận thu vào không đủ chi phí bỏ ra. Vì vậy, người dân chỉ khai thác cầm chừng, thậm chí, nhiều người phải đi tìm việc khác để mưu sinh.

Gia đình ông Nguyễn Văn Bình, ở thôn 13, xã Đồng Thành, huyện Yên Thành nhận giao khoán trên 2 ha thông. Trước đây, giá nhựa thông ổn định khoảng 38.000 đồng/kg, nhưng từ năm 2019 đến nay giá liên tục tụt xuống, chỉ còn 17.000-25.000 đồng/kg. Sau khi tính toán, mỗi ha thông chỉ đạt trên 20 triệu đồng/năm, tiền thu vào không đủ chi phí, thuê nhân công… nên gia đình ông chỉ khai thác cầm chừng.

"Bây giờ tình hình dịch Covid-19 phức tạp, ngoài việc thầu khoán cây thông thì gia đình tôi còn làm 3 sào ruộng nhưng cũng mất mùa nên cuộc sống gặp nhiều khó khăn" - ông Nguyễn Văn Bình nói trong lo lắng.

Tương tự, gia đình ông Trần Văn Trầm (58 tuổi, ở xã Bài Sơn, huyện Đô Lương) nhận giao khoán 3,5 ha thông, những năm trước giá ổn định nên mỗi năm cho thu nhập 40-50 triệu đồng. Từ năm 2019 đến nay, giá nhựa thông rớt thê thảm nên gia đình ông cũng chẳng buồn khai thác nữa.

Nhựa thông rớt giá, người dân bỏ canh tác tìm nghề mới mưu sinh - 2

Loại thông được trồng ở đây chủ yếu là thông đuôi ngựa, có khả năng cho nhựa tốt.

"Những năm được giá, gia đình còn thuê 2-3 nhân công để đẩy mạnh khai thác. Nhưng hiện nay, thay vì lên rừng cạo nhựa thông thì tôi theo tổ thợ xây để đi phụ hồ, trung bình mỗi ngày kiếm được 200.000-250.000 đồng, chờ nhựa lên giá mới đi thu hoạch lại" - ông Trần Văn Trầm chia sẻ.

Theo ông Nguyễn Văn Tuấn, Chủ tịch UBND xã Đồng Thành, huyện Yên Thành, trên địa bàn hiện tại có hơn 50 gia đình phát triển kinh tế từ cây thông với gần 300 lao động làm việc thường xuyên. Những năm gần đây, đặc biệt là 6 tháng đầu năm nay, giá nhựa thông chạm đáy khiến cuộc sống của người lao động gặp muôn vàn khó khăn.

"Khuyến khích người lao động tìm công việc để kiếm thêm thu nhập trong giai đoạn này là một trong những giải pháp tối ưu nhất. Bên cạnh đó, thời điểm này người dân nên phát quang, phòng chống cháy rừng… để chờ thị trường tăng giá mới thu hoạch" - ông Nguyễn Văn Tuấn nêu giải pháp.

Theo ông Nguyễn Ngọc Ánh - Trưởng Ban quản lý rừng phòng hộ huyện Yên Thành, hiện đơn vị đang quản lý trên 500 ha rừng thông, giao khoán bảo vệ và khai thác nhựa cho trên 230 hộ dân theo hình thức cùng hợp tác liên doanh. Phía ban quản lý đầu tư vốn vào phát triển cây thông, người dân nhận quản lý bảo vệ, sau khi khai thác nhựa chia 50/50 lợi nhuận.

Nhựa thông rớt giá, người dân bỏ canh tác tìm nghề mới mưu sinh - 3

Ông Nguyễn Văn Bình: Giá nhựa thông rớt khiến người lao động gặp nhiều khó khăn.

Khó khăn nhất hiện nay vẫn là khâu tiêu thụ, những năm trước, người dân chỉ cần khai thác nhựa là thương lái đến tận nơi thu mua. Nhưng hiện nay, phía ban quản lý phải tự đi tìm mối. Từ đầu năm 2019, do thị trường xuất khẩu một số loại nông sản (trong đó có nhựa thông) gặp khó khăn đầu ra nên bị tồn đọng rất nhiều.

"Hàng năm, sản lượng nhựa thông trên địa bàn đạt 200 tấn/ha, nay chỉ đạt 150 tấn/ha. Việc này ảnh hưởng rất lớn đến thu nhập của người dân cũng như phía ban quản lý" - ông Nguyễn Ngọc Ánh cho biết thêm.

Toàn tỉnh Nghệ An có khoảng 30.000 ha cây thông, tập trung chủ yếu ở các huyện Nam Đàn, Yên Thành, Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu...

Hàng năm, sản lượng nhựa thông đạt 2.500-3.000 tấn/năm, đem lại nguồn thu không nhỏ cho người dân, góp phần ổn định cuộc sống cho hàng nghìn người dân.