Bình Dương:
Nhờ đâu lò mỹ phẩm giả gây bỏng bị triệt phá?
(Dân trí) - “Chúng tôi luôn sẵn sàng phối hợp cùng doanh nghiệp và người tiêu dùng để đấu tranh, truy quét hàng giả, hàng nhái. Trong cuộc chiến này rất cần sự dũng cảm từ nhà sản xuất chân chính, người tiêu dùng cùng đứng ra tố cáo, cung cấp chứng cứ để xử lý”.
Chung tay chống hàng giả, hàng nhái
Đó là chia sẻ của ông Nguyễn Thành Danh - Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương sau vụ triệt phá lò mỹ phẩm giả tự chế khiến người tiêu dùng bị bỏng có cơ sở thuê tại địa chỉ 53 đường 26/3 (KP 19, phường Bình Hưng Hòa, quận Bình Tân, TP.HCM). Liên quan đến vụ việc này, lực lượng QLTT đã chuyên giao đối tượng Lâm Văn Quốc Khanh (tự “Đen”, 20 tuổi, quê Đồng Tháp) cho cơ quan CSĐT công an thị xã Thuận An để khởi tố vụ án về hành vi “Sản xuất và kinh doanh hàng giả”.
Ông Nguyễn Văn Bán - Nguyên Chi cục trưởng Chi cục QLTT Bình Dương, Chủ tịch Hội bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng tỉnh Bình Dương cho biết, nhiều doanh nghiệp (DN) chưa quan tâm đến việc bảo hộ sở hữu trí tuệ (SHTT) đối với sản phẩm của mình. Dù bị xâm phạm quyền SHTT nhưng nhiều DN lại không hợp tác với cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn vì họ e ngại người tiêu biết, tẩy chay luôn hàng thật.
“Qua vụ việc của công ty Vĩnh Tân có thể thấy đơn vị này rất có trách nhiệm với người tiêu dùng và dũng cảm đứng ra tố cáo các hành vi gian lận, làm giả, làm nhái sản phẩm của mình” – Ông Bán chia sẻ.
Cần sự dũng cảm của doanh nghiệp và người tiêu dùng
Bà Võ Thị Liễu, Giám đốc Công ty TNHH MTV mỹ phẩm Vĩnh Tân cho biết, khi sản phẩm cùng loại của công ty bị làm giả đã ảnh hưởng rất lớn về uy tín thương hiệu, doanh thu của công ty giảm hơn 50%. Người tiêu dùng không am hiểu mua nhầm hàng giả, khi sử dụng xảy ra hậu quả hư da chỉ nghĩ đến vỏ hộp Vĩnh Tân mà không hề biết đó là hàng giả.
“Chúng tôi đã thực hiện nhiều giải pháp như: Treo thưởng cho người phát hiện, tố giác hàng giả; lập ban giám sát thị trường; sử dụng tem chống hàng giả của Viện Khoa học hình sự Bộ Công an (ngay con tem này cũng bị làm giả); tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng; đổi mẫu mã… Thế nhưng hàng giả vẫn tràn ngập. Dù việc là này sẽ dễ gây hiểu lầm nhưng chúng tôi quyết không để những sản phẩm kém chất lượng kia trôi nổi trên thị trường, gây hậu quả cho người cho người tiêu dùng” – Bà Liễu bức xúc.
Lò sản xuất mỹ phẩm giả chỉ bị triệt phá khi chị Trần Thị Mỹ Hạnh ngụ khu vực Cầu Ngang, Lái Thiêu (Bình Dương, nạn nhân của mỹ phẩm giả thương hiệu Vĩnh Tân phải nhập viện cấp cứu), mạnh dạn truy đến cùng vấn đề và tích cực hợp tác với các cơ quan chức năng.
“Khi bác sĩ cảnh báo nếu tôi đến bệnh viện muộn trong vòng từ 16 đến 24 giờ, đôi mắt của tôi sẽ bị ảnh hưởng trầm trọng vì viêm, nhiễm và tôi đã quyết định đi tìm công ty sản xuất kem. Khi đưa mẫu hàng đang dùng đến công ty đối chiếu, tôi biết mình xài phải hàng giả. Tôi biết nỗi đau và sự hoảng loạn mà mình đang gánh, nếu tôi im lặng, nhiều chị em sẽ gặp phải tình trạng giống tôi, bởi nơi tôi ở, mẫu hàng này bán công khai, tràn lan, mua bao nhiêu cũng có” - Chị Hạnh kể.
Chị Mỹ Hạnh đã mạnh dạn cùng lãnh đạo Công ty TNHH MTV Mỹ phẩm Vĩnh Tân đến trình báo cơ quan chức năng. Ngày 20/9, trước sự đề nghị can thiệp của công ty, Công an thị xã Thuận An (Bình Dương) đã phối hợp và bất ngờ kiểm tra cửa hàng MA - nơi bán mỹ phẩm cho chị Mỹ Hạnh tại Lái Thiêu. Cơ quan chức năng đã phát hiện ra hơn 50 hộp kem Vĩnh Tân đang bày bán không rõ nguồn gốc.
Từ đơn trình báo khẩn cấp của Công ty TNHH MTV Mỹ phẩm Vĩnh Tân, Chi cục Quản lý thị trường tỉnh Bình Dương đã nhanh chóng hỗ trợ và phối hợp với các ban ngành liên quan. Lúc 9 giờ ngày 1/10, trong quá trình đang giao 350 hộp kem giả mang thương hiệu Mỹ phẩm Vĩnh Tân tại một quán cà phê cạnh Bến xe Lam Hồng (phường An Bình, thị xã Dĩ An), các trinh sát kinh tế, lực lượng quản lý thị trường và công an địa phương đã mật phục và bắt quả tang Lâm Văn Quốc Khanh.
Bước đầu Khanh khai báo quanh co, nói rằng mua lô hàng trên của 1 đối tượng không rõ lai lịch. Theo đó Khánh khai mua 40 ngàn đồng/hộp, bán sỉ cho các đại lý là 80 ngàn đồng/hộp, mà thực tế gia niêm yết trên hộp là 220 ngàn đồng/hộp. Tổng giá trị lô 350 hộp mỹ phẩm tương đương với hàng thật là 77 triệu đồng.
Lực lượng chức năng nhận định, Khanh “đen” không chỉ sản xuất giả mạo mỹ phẩm của công ty Vĩnh Tân mà có thể còn làm giả nhiều thương hiệu mỹ phẩm khác để bán ra thị trường.