NHNN và các tổ chức chính trị, xã hội "tuyên chiến" với tín dụng đen
(Dân trí) - Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết, để hạn chế tín dụng đen NHNN sẽ tiếp tục chỉ đạo các tổ chức tín dụng phối hợp với các tổ chức chính trị - xã hội đẩy mạnh công tác truyền thông để người dân có thể tiếp cận các chương trình tín dụng của ngành ngân hàng.
Sáng nay 9/4, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã họp với các tổ chức chính trị - xã hội nhằm tăng cường phối hợp triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng, góp phần hạn chế tín dụng đen.
Trước tình hình tín dụng đen diễn biến phức tạp, một bộ phận người dân chưa lường hết được tác hại và vẫn đang tìm đến các hình thức cho vay nặng lãi, cùng với hoạt động của xã hội đen đã và đang gây hậu quả nghiêm trọng về nhiều mặt, ảnh hưởng xấu đến đời sống kinh tế, an ninh xã hội, Phó Thống đốc NHNN Đào Minh Tú khẳng định: Ngành ngân hàng đã và sẽ tiếp tục nỗ lực triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất và tiêu dùng nhằm hạn chế tín dụng đen.
NHNN quyết liệt đưa ra những chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi, chỉ đạo các tổ chức tín dụng, ban hành các văn bản, ký kết các chương trình phối hợp công tác với các tổ chức chính trị xã hội, đồng thời tổ chức các Hội nghị trực tuyến toàn quốc, các cuộc đối thoại, đi xuống cơ sở và tổng kết thực tiễn để kịp thời điều chỉnh các chính sách phù hợp, đạt kết quả tốt.
Tuy nhiên, để đạt được kết quả cao nhất những chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ tại Nghị định 116, bên cạnh các giải pháp của riêng ngành ngân hàng, cần có sự vào cuộc đồng bộ của các tổ chức chính trị - xã hội. Do đó, NHNN đề nghị các tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục quan tâm, phối hợp với ngành ngân hàng triển khai các giải pháp mở rộng tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, tiêu dùng, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.
Thông tin từ Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho hay, dư nợ thông qua chương trình phối hợp với tổ chức chính trị - xã hội ở địa phương đạt mức khá, tạo điều kiện cho nhiều tổ viên tiếp cận được vốn tín dụng với chi phí phù hợp; tỷ lệ nợ xấu thấp, dưới 1%. Việc tổ chức tín dụng thực hiện cho vay thông qua các tổ vay vốn, tổ tiết kiệm - vay vốn do các tổ chức chính trị - xã hội quản lý giúp tiết kiệm chi phí của tổ chức tín dụng trong quản lý vốn vay, tạo điều kiện để khách hàng được giảm lãi vay; Hỗ trợ tổ chức tín dụng trong công tác thẩm định, đánh giá khách hàng cũng như trong việc đôn đốc, thu hồi nợ vay, đặc biệt là tại những địa bàn dân cư phân bố không tập trung, điều kiện giao thông khó khăn, phương tiện liên lạc còn hạn chế; Tạo điều kiện cho người dân được vay không có tài sản bảo đảm để sản xuất kinh doanh, tiêu dùng nhằm nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống...
Thực tế cho thấy, tại những địa bàn khó khăn và kém phát triển, tổ viên các tổ chức chính trị - xã hội là những khách hàng có chất lượng tương đối tốt so với mặt bằng chung. Điều này đã góp phần quan trọng trong việc hỗ trợ người dân, đặc biệt là ở vùng nông thôn, vùng sâu, vùng xa trong việc tiếp cận vốn tín dụng phục vụ sản xuất kinh doanh, nâng cao đời sống, xóa đói giảm nghèo và hạn chế tín dụng đen.
Tại cuộc họp, đại diện các tổ chức Trung ương Hội Nông dân Việt Nam, Trung ương Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam, Trung ương Hội Cựu chiến binh, Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam, Trung ương Đoàn Thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, Tổng liên đoàn lao động Việt Nam… khẳng định hiệu quả của công tác phối hợp giữa các tổ chức chính trị - xã hội với ngành trong thời gian qua và mong muốn có thêm sự thống nhất trong chỉ đạo, cũng như tiếp tục phối hợp với ngành ngân hàng làm tốt hơn nữa các hình thức cho vay ủy thác, cho vay thông qua các tổ tiết kiệm, tổ tiết kiệm - vay vốn... đáp ứng nhu cầu vốn sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng của người dân, góp phần ngăn chặn, đẩy lùi tín dụng đen.
An Hạ