Nhìn thẳng vào... vàng!

Ở thời điểm này nhiều người tự hỏi: không còn sàn vàng, không còn vàng tài khoản ở nước ngoài, ngân hàng không còn huy động vàng, không còn cho vay vàng… Vậy tại sao giá vàng trong nước vẫn cao hơn giá vàng quốc tế hàng mấy triệu đồng/lượng?

Khi Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Văn Bình nhậm chức, ông đã chủ động bắt tay ngay vào việc giải tỏa ngăn sông cấm chợ các luồng tiền, điều hòa vốn chảy và hạ lãi suất.

 

Tuy nhiên thị trường tiền tệ không chỉ có tiền đồng, mà còn vàng, ngoại tệ. Sau lãi suất tiền đồng, đã đến lúc tháo gỡ thị trường vàng vì đó chính là một trong những cơ sở giải quyết vấn đề tỷ giá và ổn định giá trị đồng nội tệ.

 

Bao vây chợ bằng ngăn sông

 

Cách đây hai năm lúc giá vàng trong nước “nhảy” lên gần 30 triệu đồng/lượng, công việc quản lý vàng của NHNN mới “thức tỉnh”. Thị trường vàng từ chỗ bị buông lỏng, chợ (sàn vàng) được lập khắp nơi, buôn bán nhộn nhịp, chuyển sang bị thắt chặt toàn diện. Từ cấm sàn vàng, đến cấm huy động và cho vay vàng, NHNN đã đi những bước thái quá, siết chặt thị trường. Cung cầu thị trường vàng lại không được đặt lên bàn cân để mổ xẻ kỹ lưỡng.

 

Việt Nam không phải là nước sản xuất vàng, nguồn cung nội địa không có, tất cả cung vàng phụ thuộc vào nhập khẩu. Trong khi đó cầu về vàng lúc nào cũng có, nó có thể thăng, có thể trầm, nhưng chưa bao giờ người dân Việt Nam, giống như người dân các nước châu Á khác, từ bỏ sự tích lũy, bảo toàn tài sản bằng vàng.

 

Kết quả của những động thái cấm của NHNN là đặt những rào cản trên thị trường vàng. Từ chỗ liên thông với thị trường quốc tế qua hai cửa vàng tài khoản và vàng vật chất nhập khẩu, nay thị trường vàng nội địa chỉ còn một cửa để “ra vào” thị trường thế giới là nhập vàng. Đã thế, cửa này lại hẹp vì nhập khẩu vàng tiêu tốn ngoại tệ. NHNN mới đây cho nhập 5 tấn, rồi thông báo cấp hạn ngạch thêm nữa, nhưng không bù lại kịp với sức mua vàng của dân. Khoảng 20 tấn vàng đã được các công ty kinh doanh vàng, bạc, đá quý bán ra những ngày qua minh chứng điều đó.

 

Rào cản thứ hai vững chãi hơn: cấm ngân hàng huy động và cho vay vàng. Hệ lụy là vàng ngân hàng huy động còn lại trước kia và vàng người dân đem gửi ngân hàng giữ hộ nằm bất động trong kho. Bên ngoài, thị trường vàng cứ “nóng”, nhu cầu được nhập vàng cứ tăng. Bên trong vàng vật chất lạnh lẽo trong két sắt các tổ chức tín dụng. Mà không phải ít. Theo số liệu của NHNN, hơn 3 triệu lượng vàng tương đương 112 tấn vàng đang được ngân hàng “giam giữ”.

 

Vòng quay của vàng ở Việt Nam, nhìn lại, như sau: vàng thỏi nhập khẩu chính thức và vàng lậu được đưa vào dập thành vàng miếng, phân phối cho các công ty, cửa hàng vàng mua bán, người dân mua bán, mang vàng gửi ngân hàng giữ hộ, vàng vào kho các tổ chức tín dụng, rồi nằm yên tại đó, kết thúc chu trình dịch chuyển. Cửa ra đóng lại, vàng ứ. Cửa vào nhiều người vẫn xếp hàng mua. Quốc gia là người thiệt hại vì phải xuất ngoại tệ nhập vàng và vàng không được sử dụng cho nền kinh tế.

 

Giải pháp lâu dài và giá trị  đồng tiền Việt qua giá vàng

 

Chủ trương của NHNN huy động vàng trong dân thông qua các ngân hàng thương mại, sử dụng số vàng đó đưa vào dự trữ ngoại hối, đồng thời dùng nó để can thiệp bán ra khi thị trường “sốt nóng”, mua vào khi thị trường “cảm lạnh”, liên thông với thị trường thế giới bằng chính tài khoản giao dịch vàng ở nước ngoài của cơ quan quản lý, là chủ trương đúng, đã được Chính phủ bật đèn xanh. Vì sao NHNN chậm trễ thực hiện? Phải chăng đó là thứ “vũ khí” quá mới và chúng ta chưa biết sức công phá của nó đến đâu? Phải chăng đó là điều mà các bộ của Chính phủ còn cân nhắc trước khi thống nhất ban hành nghị định về quản lý vàng?

 

Nếu giải pháp căn cơ và lâu dài còn cần thêm thời gian để cân nhắc, thì có thể áp dụng giải pháp tạm thời bởi “cơn sốt” vàng kéo dài, hiện tượng chênh lệch giá vàng nội - ngoại ngày càng lớn sẽ càng gây áp lực lên tỷ giá cũng như giá trị tiền đồng. Nói chênh lệch giá vàng trong nước - ngoài nước là chúng ta đang tính giá vàng nhập khẩu theo tỷ giá niêm yết của ngân hàng hoặc theo tỷ giá thị trường tự do.

 

Phải có một cách nhìn khác hơn: thị trường tài chính quốc tế đang nhận thấy đồng tiền Việt Nam mất giá nghiêm trọng so với vàng và so với USD thông qua giá vàng. Khi giá vàng thế giới dao động quanh 1.630 USD/ounce, giá vàng trong nước vẫn 45 triệu đồng/lượng. Nếu ta lấy mặt bằng giá vàng quốc tế và trong nước ngang nhau, tỷ giá hối đoái khi ấy dịch chuyển lên mức 22.900 đồng/USD. Đây mới là điểm mà thế giới nhìn nhận về giá trị đồng tiền Việt Nam, chứ họ không nhìn vào giá vàng ở nước ta để đo lường, so sánh!

 

Giải pháp tạm thời

 

Giá vàng thế giới biến động từng giờ, thậm chí từng phút và giá vàng trong nước cũng không đứng yên. Do đó phải có giải pháp tạm thời, chuyển tiếp cho thị trường chờ nghị định về vàng được ban hành và có hiệu lực.

 

Khả năng can thiệp thị trường bằng cách cấp hạn ngạch nhập vàng, rõ ràng, không giải quyết tận gốc vấn đề. Với nhu cầu mua của dân hiện nay, không thể cứ mãi nhập vàng khi dự trữ ngoại hối có hạn. Chỉ trong tuần qua, nguồn tin của chúng tôi cho biết, NHNN đã bán ra 150 triệu USD để ổn định tỷ giá. Con số thậm hụt thương mại tháng 9/2011 có khả năng giảm hàng trăm triệu USD nếu không tính nhập vàng.

 

Trước mắt chúng ta cần một cơ chế “thổi sức sống” vào quỹ vàng 3 triệu lượng trong két các ngân hàng. Cơ chế đó là cho phép các ngân hàng bán vàng ra thị trường để dập tắt các “cơn sốt”, sau đó thị trường ổn định, các ngân hàng mua dần lại vàng để cân bằng. NHNN là nơi cấp hạn ngạch “bán vàng trong nước” với tổng số, theo chúng tôi, khoảng 500.000 lượng, tức khoảng 17-18% số vàng ngân hàng đang nắm giữ. Nửa triệu lượng là hợp lý và đủ sức hạ nhiệt “cơn sốt” ở quy mô rộng (“sốt” ở đây là giá trong nước cao hơn quốc tế).

 

Những ngân hàng được chọn bán vàng cần đảm bảo tiêu chí có lượng vàng huy động lớn, doanh số mua bán vàng lớn. Mức độ tham gia của các ngân hàng phụ thuộc vào hai số liệu trên. Để tránh rủi ro, ngân hàng còn số dư huy động vàng nhiều, thì mới được phép bán ra nhiều.

 

Khi cấp hạn ngạch bán vàng trong nước, NHNN căn cứ trên số vàng đã bán để cho phép ngân hàng đó được mở tài khoản vàng ở nước ngoài nhằm mua lại vàng tài khoản bảo hiểm có giá trị tương đương. Vì đây là giải pháp tạm thời, nên thời hạn mở tài khoản vàng nước ngoài phải được giới hạn nhất định.

 

Chúng ta hoàn toàn có thể ổn định thị trường vàng bằng chính nguồn lực vàng trong dân gửi ở ngân hàng. Đừng để vàng “chết” ở cuối chợ mà đầu chợ vẫn phải lo mua vàng từ nước ngoài. Giải tỏa ngăn sông cấm chợ vàng là chuyện có thể thực thi, chỉ cần nhìn thẳng vào nó!

 

Theo Hải Lý
TBKTSG