1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhìn lại tăng trưởng GDP năm 2011

Mặc dù tốc độ tăng trưởng tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2011 chỉ đạt khoảng 5,9%, thấp hơn năm 2010 và thấp hơn chỉ tiêu kế hoạch, nhưng đã có những chuyển biến tích cực cần được ghi nhận.

Thứ nhất, tốc độ tăng trưởng GDP cao lên qua các quý. Đà tăng lên này không chỉ là đặc điểm của nền kinh tế, mà còn gắn với sự cải thiện của tình hình chung (lạm phát chậm lại, tốc độ tăng của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng cao lên từ tháng 10 so với các tháng trước đó, xuất khẩu tiếp tục duy trì tốc độ tăng cao, đầu tư cho sản xuất hàng hóa phục vụ nhu cầu cao hơn vào cuối năm…).

 

Thứ hai, tăng trưởng GDP đạt được ở cả 3 nhóm ngành. Nhóm ngành nông, lâm nghiệp - thủy sản đã vượt qua nhiều khó khăn, thách thức, đạt được kết quả tích cực (giá trị sản xuất toàn ngành tăng 5,2%, cao hơn tốc độ tăng 4,7% của năm trước; giá trị tăng thêm đạt 2,3%).

 

Đáng lưu ý, nông, lâm nghiệp - thủy sản đã góp phần giải quyết công ăn, việc làm cho các doanh nghiệp, làng nghề, tạo sự ổn định ở trong nước, ứng phó với bất ổn ở bên ngoài.

 

Nhóm ngành công nghiệp - sản xuất có tỷ trọng lớn nhất trong GDP và có tốc độ tăng giá trị tăng thêm 6,8%. Tỷ lệ này dù thấp hơn tốc độ tăng của năm 2010 (7,7%), nhưng cao hơn tốc độ chung, nên tiếp tục là động lực và đầu tàu của tăng trưởng kinh tế. Nhóm ngành dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn thứ hai trong GDP và có tốc độ tăng giá trị tăng thêm 6,4%, mặc dù thấp hơn tốc độ tăng của năm trước (7,52%), nhưng cao hơn tốc độ tăng chung.

 

Thứ ba, tăng trưởng GDP là kết quả đáng khích lệ trong điều kiện nền kinh tế năm 2011 so với năm 2010 gặp khó khăn, thách thức ở cả đầu vào và đầu ra. Ở đầu vào, tỷ lệ vốn đầu tư/GDP thấp hơn nhiều (dưới 38% so với 41,9%), chi phí điện, xăng dầu, nguyên vật liệu nhập khẩu tăng cao do sự điều chỉnh tăng với tốc độ cao vào đầu năm, tốc độ tăng dư nợ tín dụng và tổng phương tiện thanh toán chỉ bằng 1/3 năm trước, lãi suất vay ngân hàng cao, doanh nghiệp khó tiếp cận vốn vay… Ở đầu ra, tiêu thụ trong nước (biểu hiện chủ yếu ở tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng), nếu loại trừ yếu tố giá, đã tăng thấp hơn nhiều so với năm trước (ước tăng 4,1% so với 14%) và chậm lại nhanh so với đầu năm; tồn kho tăng cao (của toàn ngành công nghiệp chế biến tăng tới 21,5%, một số ngành và sản phẩm còn tăng cao hơn).

 

Thứ tư, tư duy về tăng trưởng đã có sự chuyển đổi quan trọng, đó là không chạy theo tăng trưởng bằng mọi giá, tăng trưởng “ảo”.

 

Từ quá trình phát triển của Việt Nam cho thấy, đã đến lúc phải chuyển đổi mô hình tăng trưởng từ số lượng, theo chiều rộng sang chất lượng, theo chiều sâu, không tăng trưởng bằng mọi giá. Kết quả năm 2011 là tiền đề để đề ra mục tiêu và thực hiện mục tiêu tăng trưởng hợp lý của năm 2012.

 

Theo Minh Nhung
Đầu tư

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm