Nhìn kinh tế phục hồi qua... “lăng kính bữa ăn”

(Dân trí) - Sự biến động của kinh tế - xã hội sẽ dẫn đến những đổi thay trong cuộc sống như ăn, mặc, ở, đi lại, học hành, giải trí…Trong đó “ăn” là quan trọng nhất. Vì thế, ngày nay, việc nạp năng lượng thế nào cho khoa học rất được quan tâm.

Đó là một trong những nội dung được đưa ra thảo luận khá sôi nổi tại Hội thảo “Kinh tế phục hồi và sự thích nghi của doanh nghiệp” diễn ra ngày 4/9 tại TP Cần Thơ.
 
Theo lý giải của ông Phan Chánh Dưỡng, Chuyên gia kinh tế, Giảng viên chương trình Fulbright, trước đây do thiếu ăn nên chúng ta vẫn cần ăn nhiều, ăn cho no và cũng rất muốn ăn bổ dưỡng.
 
Cuộc sống con người từ thời đại thiếu protein chuyển sang thời đại thừa protein, lipit và bắt đầu phát sinh bệnh tật do ăn quá nhiều chất bổ. Chính vì thế, hiện nay nhu cầu ăn bổ không được chú trọng nữa hoặc thậm chí nhiều người thấy sợ.
 
Từ vấn đề đó, cơ cấu bữa ăn làm sao cho khoa học để bảo vệ sức khỏe của con người là điều mà các doanh nghiệp phải vào cuộc. Bữa ăn có nhiều hình thức như bữa ăn bình thường, bữa ăn gia đình, bữa ăn tiệc, thậm chí là yến tiệc… Để có những bữa ăn phù hợp thì liên quan đến nguyên liệu gì, chế biến thế nào, hình thức ăn ra sao và các điều kiện mỹ thuật đi kèm…
 
Để có được tất cả những yếu tố trên, theo ông Dương, cần phải xây dựng một “cơ cấu bữa ăn khoa học” hơn.
 
Theo đó, doanh nghiệp và Nhà nước cần chung tay xây dựng các nhà hàng, quán ăn phù hợp; Các nguyên liệu làm thức ăn không sử dụng các chất tăng trưởng nào; Công nghiệp hóa với khâu đóng gói để đi xa hơn.
 
“Nếu chúng ta xây dựng vấn đề ăn uống khoa học, đảm bảo tốt sức khỏe cho con người thì một trong những ngành kinh tế phát triển là du lịch. Bởi đối với khách du lịch thì ngoài tham quan cảnh đẹp còn muốn được đến ăn ở những nhà hàng phù hợp và thưởng thức các món ăn ngon tốt cho sức khỏe”, ông Dương nhận định.
 
Huỳnh Hải