Nhìn Israel mà ... xót cho nông nghiệp Việt Nam

(Dân trí) - "Sang nhiều nước như Israel thấy nước họ thiên nhiên không được ưu đãi mà ngành nông nghiệp của họ phát triển rất rực rỡ. Nếu vụ hạn hán ở Ninh Thuận chúng ta cảm thấy chịu thiệt hại, khó khăn như thế nào thì ở người ta mơ được điều kiện như Ninh Thuận mà không được. Nhìn họ mà xót cho nguồn lực của Việt Nam".

Ông Nguyễn Văn Bình, Uỷ viên Bộ Chính trị, Trưởng Ban Kinh tế Trung ương (KTTƯ) chia sẻ tại Diễn đàn Phát triển Doanh nghiệp nông nghiệp trong tiến trình tái cơ cấu nông nghiệp gắn với xây dựng nông thôn mới được tổ chức sáng nay (8/9) tại Hà Nội.

Nhiều nước mơ như Việt Nam mà không được

Trưởng ban KTTƯ chia sẻ, vấn đề nông nghiệp đã được quan tâm rất nhiều trong thời gian vừa qua. "Khi tôi còn làm Thống đốc Ngân hàng Nhà nước tín dụng cho nông nghiệp luôn tăng. Chúng tôi sang rất nhiều nước để học hỏi mô hình làm nông nghiệp của họ để tư vấn cho doanh nghiệp (DN). Sang Thụy Sỹ nhìn đất nước chẳng thấy người đâu, toàn bò và năng lượng gió.


Diễn đàn phát triển doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Diễn đàn phát triển doanh nghiệp nông nghiệp Việt Nam

Hiện nay, nông nghiệp của Việt Nam không chỉ cho Việt Nam mà còn cho thế giới, nó đóng vai trò quan trọng trên trường quốc tế. Từ năm 1995 đến năm 2000 - 2005, tháng nào tôi cũng có mặt ở Hà Lan. Năm 2014 chúng tôi lại sang Hà Lan 1 lần nữa theo Thủ tướng, thấy nông nghiệp Hà Lan đóng góp 40% cho GDP. Ai bảo Hà Lan lạc hậu vì làm nông nghiệp?", ông Bình kể.

Theo ông Bình, tỷ lệ lao động trong ngành nông nghiệp của Hà Lan hiện chỉ 2 - 4% nhưng sản xuất nông nghiệp của họ tạo ra 40% GDP. Trong khi đó, Việt Nam có hơn 70% dân làm nông nghiệp, nhưng chỉ đóng 17% GDP.

"Thay đổi nhận thức, chỉ động viên DN thì không ổn mà các bộ ngành trung ương vào cuộc thực chất. Hiện có nhiều DN nói rằng, làm theo mô hình a, b hay c, nhưng họ lo lắm bởi vì người nông dân không thống nhất hợp đồng, 10 năm sau họ thay đổi thì chúng em chết, tài sản trôi sông đổ biển. Như thế, có thể thấy, điều đầu tiên chúng ta phải có chủ trương chính sách đảm bảo tích tụ ruộng đất tốt", ông Bình nói.

Theo ông Bình, kinh tế hợp tác, kinh tế tập thể ngày xưa vẫn ớn tới tận xương sống. Nay có Luật Hợp tác xã mới đã tốt hơn, dù cần bổ sung thêm, đó là một bước tiến quan trọng. Nhà cửa đất đai, sản phẩm, quy trình thống nhất, tham gia vào được tất cả mọi thứ. "Nhà nông cứ nuôi lợn, nhưng hãy bán sản phẩm, tuân thủ quy trình sản xuất, tiêm thuốc, thức ăn của DN và cho DN thì không ai không làm được cả", ông Bình nói.

Theo Trưởng Ban KTTƯ, muốn thu hút DN đầu tư vào làm nông nghiệp, cần chính sách hỗ trợ tập trung, thực chất. "Chúng ta kêu gọi DN vào làm nông nghiệp nhưng lại đè họ ra thu thuế, điều này có nên không? Chúng ta phải miễn thuế cho DN từ 5 - 10 năm hoặc lâu hơn nữa. Mặc dù trước mắt có thể mất tiền thuế thực thu nhưng đổi lại chúng ta có thương hiệu thực phẩm sạch, được giá trị gia tăng, được thuế xuất khẩu. Đâu cũng vào đấy, nhưng cách đánh thuế gián tiếp là khôn ngoan hơn, có lợi hơn.... đây là 1 cái khuyến khích cho nông nghiệp cần phát huy".

DN ăn dày, nhà nông chia lợi mỏng

Ở góc độ liên kết chuỗi giá trị của DN và người nông dân, Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Đặng Huy Đông chỉ rõ thực trạng: Hiện người nông dân có lợi mỏng, nhưng các DN lại ăn quá dày, do đó chuỗi giá trị này cần xem lại nếu muốn phát triển nền nông nghiệp bền vững.

Ông Đông phân tích: "Trong báo cáo nghiên cứu của tổ chức Oxfam và Viện Nông nghiệp Việt Nam chỉ ra rằng, chỉ 2 sản phẩm cây lúa và cá tra, thì những người chăn nuôi và trồng lúa nước chịu tỷ lệ rủi ro 70%, nhưng nhận giá trị gia tăng 20 - 30%. Trái lại, những DN tham gia mua bán và phân phối sản phẩm nông nghiệp lại thu lợi quá lớn. Họ bỏ ra chỉ từ 2 - 3% chi phí giá trị nhưng gặt hái được 70% lợi nhuận. Như vậy, tăng trưởng là thiếu bền vững và lợi nhuận đang bị phân bố rất lệch".

Theo ông Đông, để phát triển các nguồn lực của nền nông nghiệp Việt Nam hiện nay, rất cần có sự hỗ trợ trọng tâm, trọng điểm. Ông Đông khẳng định: "Bản chất của thị trường là cạnh tranh, nhưng cạnh tranh phải có quy mô, nếu bé thì không ăn thua. Chúng ta phải làm cách nào để hỗ trợ người nông dân, những người có sáng kiến trong ngành nông nghiệp thu lượm những giá trị gia tăng cho mình".

Đánh giá về thực trạng ngành nông nghiệp Việt Nam hiện nay, TS. Võ Trí Thành, nguyên Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế trung ương (CIEM) cho hay, sản xuất nông nghiệp rất rủi ro bởi chu kỳ lên xuống rất cao.

"Chúng ta có hết các chủ trương, khuyến khích nhưng phần triển khai nó vào cuộc sống là khâu còn rất yếu. Tôi rất buồn vì nhiều đại gia nói làm nông nghiệp chỉ là vì yêu nước chứ không có lợi nhuận... tôi buồn thật. Tại sao lại để nông nghiệp rơi vào tình trạng đó? Nông nghiệp chu kỳ lên xuống, được mùa lại mất giá, đại gia chỉ ăn nổi 2 con gà chứ đâu ăn được 10 con gà một lúc, rồi lại thời tiết rủi ro... Chữa căn bệnh trầm kha của nông nghiệp phải bằng công nghệ để tăng giá trị gia tăng, để thu hẹp khoảng cách", ông Thành nêu ý kiến.

Nguyễn Tuyền