Nhiều tổ chức tài chính quốc tế tiếp sức cho ngân hàng Việt, doanh nghiệp vừa và nhỏ
(Dân trí) - Các ngân hàng xây dựng chính sách ưu đãi, danh mục ưu tiên dựa trên nguồn vốn nội sinh cũng như nguồn tín dụng từ các tổ chức quốc tế nhằm giúp doanh nghiệp tiếp cận vốn vay, ổn định hoạt động sản xuất kinh doanh vượt qua giai đoạn khó khăn hiện tại.
Huy động mọi nguồn lực
Hệ thống ngân hàng nắm giữ tới 80% nguồn vốn đầu tư cho cả nền kinh tế. Trong bối cảnh dịch Covid-19 tạo áp lực lớn cho cộng đồng doanh nghiệp như hiện nay, một trong những yêu cầu được Ngân hàng Nhà nước đặt ra với hệ thống các tổ chức tín dụng là giúp cho doanh nghiệp có vốn, kết hợp với nguồn vốn của mình để có thể vượt qua khó khăn cũng như có những chính sách hỗ trợ cho cộng đồng doanh nghiệp. Với yêu cầu cấp thiết được đặt ra, các ngân hàng đã huy động mọi nguồn lực để đưa ra những chính sách, giải pháp tài chính kịp thời, tối ưu.
Trên thực tế, cùng với nguồn vốn nội sinh, nhiều ngân hàng gần đây được các tổ chức tài chính quốc tế "rót" vốn, tiếp sức giúp họ có thể hỗ trợ nhiều hơn nữa các doanh nghiệp, nhất là DNVVN trong giai đoạn khó khăn này.
Mới đây, để hỗ trợ và giúp DNVVN phục hồi bền vững sau đại dịch Covid-19, Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) - một thành viên của nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG), đã cung cấp khoản vay 40 triệu USD cho Ngân hàng SeABank. Được biết, đây là hợp phần đầu tiên của gói tài trợ lên đến 150 triệu USD nhằm giúp mở rộng cho vay cho DNVVN, đặc biệt doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, gia tăng cơ hội tiếp cận tài chính khí hậu, và thúc đẩy thương mại quốc tế.
Ông Kyle Kelhofer, Giám đốc Quốc gia của IFC tại Việt Nam, Campuchia và Lào cho biết: "Khoản đầu tư này thể hiện sự tin tưởng của IFC vào SeABank và định hướng chiến lược của ngân hàng trong việc gia tăng tài trợ cho DNVVN cũng như các dự án thân thiện với môi trường, thúc đẩy tăng trưởng xanh và bao trùm, hỗ trợ Việt Nam phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ hơn nữa sau đại dịch Covid-19".
Trước đó, SeABank cũng vừa được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nâng hạn mức bảo lãnh thực hiện các giao dịch thương mại với tổng giá trị giao dịch tại một thời điểm lên đến 30 triệu USD, đồng thời tiếp tục cấp hạn mức 5 triệu USD vay tuần hoàn kỳ hạn 6 tháng cho.
Cùng với SeABank, một số ngân hàng khác cũng được IFC tài trợ hàng trăm triệu USD với mục tiêu giúp ngân hàng nâng cao năng lực đảm bảo rủi ro thanh toán trong tài trợ thương mại cho các doanh nghiệp trong nước, chủ yếu là DNVVN.
Theo một vị lãnh đạo ngân hàng, để cấp khoản vay hay nâng hạn mức bảo lãnh cho ngân hàng, các tổ chức tài chính quốc tế dựa vào các yếu tố như: Uy tín, sự minh bạch, lành mạnh cũng như hiệu quả sử dụng nguồn vốn của ngân hàng, quản trị rủi ro tốt, thông tin minh bạch, định hướng phát triển rõ ràng, đội ngũ lãnh đạo có tầm nhìn chiến lược…
Chia nhỏ đối tượng hỗ trợ
Nhờ vào nguồn vốn huy động được, các ngân hàng có thêm dư địa để hỗ trợ nhiều hơn nữa cho doanh nghiệp, đồng thời tập trung vào phân khúc khách hàng mục tiêu của mình. Bà Lê Thu Thủy - Tổng Giám đốc SeABank cho hay: "Khoản tài trợ dài hạn và tư vấn kỹ thuật của IFC sẽ cho phép SeABank tập trung vào hai phân khúc chiến lược - DNVVN, doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và tài trợ khí hậu - và định vị ngân hàng trở thành ngân hàng được lựa chọn của các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ và các dự án thân thiện với môi trường trong 5 năm tới. Nhìn rộng hơn, những khoản tài trợ kịp thời của các tổ chức tài chính quốc tế hàng đầu như IFC, ADB cho phép SeABank mở rộng hỗ trợ cho nhiều doanh nghiệp hơn vào thời điểm quan trọng này giúp họ có thêm nguồn vốn để vượt qua dịch Covid-19, đón đầu cơ hội phát triển mới, đồng thời góp phần cho sự ổn định của thị trường tài chính Việt Nam nói chung".
Cũng theo bà Thủy, sự hỗ trợ của ngân hàng sẽ căn cứ theo đặc thù ngành nghề, chia nhỏ nhóm đối tượng, từ đó có các gói chính sách cụ thể giúp doanh nghiệp tối ưu hóa nguồn vốn. Điều này hoàn toàn phù hợp với mong muốn của doanh nghiệp bởi mỗi nhóm doanh nghiệp cần giải pháp tài chính khác nhau. Ví dụ như đối với doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ, SeABank sẽ được IFC tư vấn xây dựng chiến lược ngân hàng dành cho phụ nữ bằng cách thu thập dữ liệu phân tách theo giới và xem xét giới là một phần quan trọng trong quá trình sàng lọc đầu tư và thẩm định… qua đó giúp thu hẹp mức thiếu hụt tài chính, đảm bảo sự phát triển bền vững của DNVVN do phụ nữ làm chủ.
Bên cạnh việc xây dựng chính sách phù hợp, các ngân hàng cũng hướng tới nâng cao hiệu quả kiểm tra, giám sát sử dụng vốn vay của doanh nghiệp sau khi giải ngân; tăng cường quản lý rủi ro, quản lý nợ xấu… đồng thời, phân tích và đánh giá chính xác mức sinh lời của doanh nghiệp để từ đó xác định mức lãi suất cho vay hợp lý, đảm bảo đôi bên cùng phát triển.
Song song với những ưu đãi đặc thù, các ngân hàng gần đây đồng loạt công bố điều chỉnh lãi suất cho vay cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, tập trung vào một số ngành như vận tải kho bãi, dịch vụ lưu trú và ăn uống, giáo dục và đào tạo, y tế… Đơn cử như SeABank giảm lãi suất tối đa một %/năm so với mức lãi suất cho vay đang áp dụng đối với khoản vay cũ còn dư nợ của khách hàng hiện hữu;
Bên cạnh đó, SeABank đang triển khai Chương trình "Lãi suất giảm sốc - Giải ngân siêu tốc" hỗ trợ dành riêng cho khách hàng doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 với hạn mức 2.000 tỷ đồng, lãi suất dao động 6,5 - 8%/năm, áp dụng đến hết ngày 31/12/2021. SeABank cũng áp dụng lãi suất ưu đãi cho doanh nghiệp có hoạt động xuất nhập khẩu với mức vay ưu đãi 5,6 - 6,4%/năm đối với đồng Việt Nam, 2,6 - 3%/năm đối với USD. Không chỉ giảm lãi suất cho vay với khoản vay hiện hữu, nhiều ngân hàng dành tín dụng vay ưu đãi cho khoản vay mới.
Rõ ràng, những nỗ lực của hệ thống ngân hàng trong việc huy động nguồn vốn, chia sẻ khó khăn với cộng đồng doanh nghiệp là rất đáng ghi nhận. Sẽ có nhiều DNVVN được tiếp sức, được ưu tiên, từ đó nhanh chóng khôi phục hoạt động kinh doanh, góp phần thúc đẩy quá trình phục hồi nền kinh tế.
Hiện tại, dịch Covid-19 vẫn đang có những diễn biến phức tạp và được dự báo sẽ còn tác động tiêu cực đến cộng đồng doanh nghiệp Việt Nam nhiều hơn nữa. Vì vậy, các ngân hàng cũng đang rà soát, điều chỉnh các chương trình cho vay phù hợp với tình hình thực tế và tiếp tục thực thi các chính sách ưu đãi nhằm tạo điều kiện cho doanh nghiệp tiếp cận vốn thuận lợi hơn.