1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

Nhiều phàn nàn về Dự thảo Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt

(Dân trí) - Ngày 1/8, Dự thảo Luật thuế tiêu thụ đặc biệt và Nghị định quy định chi tiết thực hiện Luật đã được các Bộ, ngành liên quan đưa ra lấy ý kiến đóng góp. Có khá nhiều lời phàn nàn về Dự thảo từ luật gia, chuyên gia thuế, đại diện doanh nghiệp…

Thuế tiêu thụ đặc biệt được áp dụng theo cái gì?

Theo ông Vũ Văn Trường, Vụ Chính sách Thuế (Bộ Tài chính), Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) hiện chưa bao quát hết các trường hợp thuộc diện cần điều tiết bằng thuế TTĐB cũng như các trường hợp không thuộc diện chịu thuế.

Do đó, Dự thảo có bổ sung một số nội dung vào Luật Thuế TTĐB như: bổ sung ô tô dưới 24 chỗ ngồi thiết kế vừa chở người vừa chở hàng, các chế phẩm từ thuốc lá, mô tô có dung tích xi lanh từ 175 phân khối trở lên, máy bay và du thuyền (trừ tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch) vào đối tượng chịu thuế TTĐB.

Mức thuế suất đối với xe ô tô sẽ đánh theo dung tích xi lanh và số chỗ ngồi. Ô tô dưới 10 chỗ ngồi có dung tích từ 2.000cc trở xuống sẽ áp mức thuế TTĐB 50%, dung tích trên 2.000cc đến 3.000cc sẽ áp mức thuế 60%, dung tích trên 3.000cc sẽ áp mức thuế 70%.

Xe từ 10 chỗ ngồi đến dưới 16 chỗ ngồi và xe từ 16 chỗ đến dưới 24 chỗ ngồi được giữ nguyên mức thuế suất, với các mức tương ứng 30% và 15%. Mô tô có dung tích 175 phân khối trở lên, tàu bay, du thuyền sẽ áp mức thuế 20%, để điều tiết thu nhập, hướng dẫn tiên dùng…

Dịch vụ kinh doanh casino, trò chơi điện tử có thưởng, kinh doanh mặt hàng đặt cược được điều chỉnh mức thuế từ 25% hiện nay lên 30%; kinh doanh sân gôn điều chỉnh từ 10% lên 15%.

Riêng đối với mặt hàng rượu, bia: Dự thảo đề nghị mức thuế suất đối với rượu từ 20 độ trở xuống và rượu thuốc là 20%, rượu từ 20 độ trở lên là 55%; áp dụng mức thuế suất 50% cho các loại bia. Thay vì áp dụng từ tháng 4/2009, Dự thảo cho rằng “để đảm bảo có đủ thời gian cho các doanh nghiệp thực hiện điều chỉnh sản xuất, thời hạn áp dụng sẽ được lùi lại vào ngày 1/1/2010”.

Đánh giá về Dự thảo Luật Thuế TTĐB, Luật gia Vũ Xuân Tiền, Tổng Giám đốc Công ty CP tư vấn quản lý và đào tạo VFAM Việt Nam cho rằng: “Với tên gọi của luật, đây là loại thuế đánh vào hành vi tiêu thụ và đó phải là tiêu thụ đặc biệt. Song, rất tiếc, văn bản luật hoàn toàn không có khái niệm về thuế TTĐB, không có điều khoản giải thích về từ ngữ và mặc nhiên ấn định về những hàng hóa, dịch vụ là đối tượng chịu thuế TTĐB”.

Bà Nguyễn Thị Cúc, nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng cục Thuế, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế bày tỏ ý kiến về việc đưa mô tô có dung tích từ 175 phân khối trở lên vào diện chịu thuế là hợp lý. Tuy nhiên, bà Cúc đề nghị: Nên cân nhắc việc đưa tàu bay, du thuyền vào diện chịu thuế, vì phần không chịu thuế quy định tại dự luật là chưa rõ ràng (tàu bay, du thuyền sử dụng cho mục đích kinh doanh, vận chuyển hàng hóa, hành khách, khách du lịch không chịu thuế).

Bà Cúc lấy ví dụ về trường hợp "bầu" Đức của CLB Hoàng Anh Gia Lai nhập máy bay về phục vụ cho cá nhân nhưng họ vẫn có thể giải thích là phục vụ cho mục đích kinh doanh. “Tôi đề nghị bổ sung dịch vụ chịu thuế TTĐB đối với hoạt động kinh doanh thẩm mỹ viện, chăm sóc sắc đẹp, vì trong thực tế, hoạt động này còn cao cấp hơn masage đơn thuần…”, bà Cúc kiến nghị.

Doanh nghiệp than khó

Ông Đặng Trần Kiên, đại diện của Công ty Sản xuất kinh doanh và dịch vụ Việt Hà lo lắng: Nếu dự thảo áp dụng mức thuế bia hơi lên 50%, thì hàng nghìn cơ sở sản xuất bia tại các địa phương sẽ phá sản, hàng vạn lao động tại cơ sở sản xuất và dịch vụ tiêu thụ bia có nguy cơ mất việc làm.

Theo đánh giá của ông Kiên, chỉ có bia hộp phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt vỏ hộp (vì vỏ bia chai được quay vòng), nên thuế phải nộp của 1 lít bia hộp bằng tới 150% thuế phải nộp của 1 lít bia chai trong khi bia hộp và bia chai là cùng một mẻ bia, từ một nồi nấu bia chiết ra. Ông Kiên kiến nghị, khi áp thuế suất bia chai và bia lon, không nên tính thuế vỏ bao bì.

“Sản lượng vỏ hộp kim loại dùng để đựng đồ uống, thực phẩm…ở Việt Nam là khoảng 3 tỷ vỏ nhưng chỉ có 1 tỷ vỏ đựng bia “bị đối xử phân biệt”. Số thuế TTĐB từ 1 tỷ vỏ hộp đựng bia là khoảng trên 500 tỷ đồng, việc đánh thuế TTĐB như vậy là không đúng đối tượng. Nếu tính như vậy, tôi lo rằng số ngân sách thâm hụt không còn là 1.200 tỷ đồng mà cao hơn nhiều”.

Táo bạo hơn, đại diện của Công ty cổ phần Bia Á Châu (Bắc Ninh) kiến nghị nên đặt tên bia hơi là nước giải khát hương bia và áp dụng thuế suất từ 6% - 8%, thay vì 50%.

Còn theo ông Hồ Văn Hải, Giám đốc Công ty cổ phần cồn rượu Hà Nội: "Nếu quyết định nâng thuế TTĐB vào năm 2010 thì e rằng hơi sớm và rượu giả, rượu nhái, rượu kém chất lượng, rượu nhập lậu càng có cơ hội tung hoành".

Theo số liệu của Hiệp hội Rượu bia nước giải khát, hiện tại số rượu do dân tự nấu chiếm khoảng 75% mức độ tiêu thụ trên thị trường với sản lượng khoảng 300 triệu lít, với phần lớn là trốn thuế.

Đại diện Công ty Honda Việt Nam nói: "Bản dự luật này sẽ đẩy thị trường ô tô vào vòng suy thoái, điều này sẽ là “đòn chí tử” đối với ngành công nghiệp ô tô. Những mức thuế suất được đề nghị thay đổi quá lớn và một chiều, tăng thuế TTĐB thêm 10% hoặc hơn nữa sẽ gây thiệt hại cho hoạt động kinh doanh và kế hoạch đầu tư”.

Do đó, Honda Việt Nam kiến nghị: "Nếu tăng thuế TTĐB đối với xe phân khối lớn thì nên phối hợp với việc giảm thuế đối với những xe có phân khối thấp, nhằm giữ mức tăng trưởng và cơ cấu tăng trưởng tích cực. Không nên có sự phân biệt đối xử giữa xe nguyên chiếc và xe CKD, căn cứ tính thuế cho xe nguyên chiếc nên được điều chỉnh tăng lên để tạo môi trường cạnh tranh".

An Hạ