1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhiều "ông lớn" thủy sản cũng bị đối tác ngoại "quỵt tiền", "gài bẫy"

(Dân trí) - Từ tháng 6/2015, một công ty Ai Cập có tên là Al-Reda đã mua hàng cá tra phile đông lạnh của Vĩnh Hoàn với tổng trị giá đơn hàng là 58.881,60 USD (sau khi đã trừ 10% đặt cọc 6.542,4 USD), song cho đến nay, Vĩnh Hoàn vẫn chưa đòi được số tiền trên.

Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp lão luyện trong xuất khẩu cá tra song vẫn bị dính lừa đảo trong giao dịch quốc tế
Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp "lão luyện" trong xuất khẩu cá tra song vẫn bị dính lừa đảo trong giao dịch quốc tế

Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản Việt Nam (VASEP) vừa có thông báo cảnh báo về một doanh nghiệp Ai Cập là Công ty Al-Reda.

Cảnh báo này xuất phát từ việc Al-Reda có mua hàng cá tra phile đông lạnh của Công ty Cổ phần Vĩnh Hoàn (VHC) từ tháng 6/2015 với tổng trị giá đơn hàng là 58.881,60 USD (sau khi đã trừ 10% đặt cọc 6.542,4 USD).

Tuy nhiên, cho đến nay, Vĩnh Hoàn vẫn chưa đòi được số tiền trên từ Công ty Al-Reda (Công ty này có tên đầy đủ là Al-Reda Group For Trading and Development, người đại diện là Hussam Eldein). Mặc dù trước đó, Vĩnh Hoàn cho biết, đã gửi thư yêu cầu thanh toán nhiều lần từ tháng 7/2015 đến tháng 12/2016 nhưng Al-Reda luôn tránh việc thanh toán với nhiều lý do.

Để tránh trường hợp không được thanh toán tiền hàng như Vĩnh Hoàn, VASEP cảnh báo tới các doanh nghiệp hội viên khi giao dịch với khách hàng này và cẩn trọng hơn khi kinh doanh với đối tác nước ngoài nhằm tránh rủi ro trong việc thanh toán.

Vĩnh Hoàn là doanh nghiệp hàng đầu trong lĩnh vực chế biến, xuất khẩu thủy sản của Việt Nam với mặt hàng chủ chốt là cá tra. Năm 2016, Vĩnh Hoàn ước đạt 7.214 tỷ đồng doanh thu thuần, hoàn thành 94% kế hoạch nhưng tăng 11% so với năm trước, lợi nhuận sau thuế của cổ đông công ty mẹ ước đạt 550 tỷ đồng, tăng 70% so với cùng kỳ.

Trong giao dịch thương mại quốc tế gần đây, không chỉ Vĩnh Hoàn mà nhiều doanh nghiệp Việt Nam cũng rơi vào tình trạng bị "gài bẫy", "quỵt tiền".

Mới đây, trước tình trạng lừa đảo gia tăng trong giao dịch xuất khẩu thủy sản, hiệp hội VASEP đã phải phát cảnh báo và dẫn chứng: một vài doanh nghiệp thủy sản đã bị lừa đảo và có nguy cơ mất hàng trăm nghìn USD với khách hàng Canada tên là Echopack Inc.

Các doanh nghiệp được khuyến cáo cần ưu tiên hàng đầu việc tìm hiểu thị trường, kiểm tra đánh giá, xếp hạng rủi ro tín dụng, kinh doanh của các đối tác nước ngoài, đặc biệt các đối tác với giao dịch, đối tác tìm được qua kênh trung gian.

Việc thực hiện thẩm tra có thể qua các nguồn tin công khai, mua dịch vụ từ các công ty chuyên cung cấp dịch vụ thẩm tra (như các tổ chức cung cấp thông tin uy tín hay như Trung tâm Thông tin tín dụng Quốc gia Việt Nam CIC – Ngân hàng Nhà nước Việt Nam), qua kênh của Hiệp hội tại các nước nhập khẩu, cơ quan đại diện ngoại giao…

Vì hợp đồng mua bán luôn là cơ sở để giải quyết các tranh chấp giữa các bên, doanh nghiệp cần quy định chặt chẽ các điều khoản bảo vệ quyền lợi của mình (đặc biệt là điều khoản về cơ quan giải quyết tranh chấp, khiếu nại), tránh các trường hợp bất lợi cho doanh nghiệp khi phát sinh tranh chấp.

Đối với khâu thanh toán, doanh nghiệp được lưu ý phải tìm hiểu nguyên tắc, thông lệ quốc tế để nắm rõ vai trò, trách nhiệm của các bên liên quan, qua đó xem xét lựa chọn các phương thức và điều kiện thanh toán hợp lý, đảm bảo lợi ích cho doanh nghiệp.

Trong quá trình thực hiện giao dịch, doanh nghiệp có thể cân nhắc việc sử dụng các dịch vụ của ngân hàng (như xác nhận thư tín dụng, chiết khấu miễn truy đòi, bao thanh toán xuất khẩu…) để có thêm sự đảm bảo cho khả năng đòi tiền từ phía ngân hàng cung cấp dịch vụ, cũng như hỗ trợ doanh nghiệp tìm hiểu đánh giá các thông tin về nhà nhập khẩu, đơn vị phát hành thư tín dụng.

Bích Diệp

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm