Nhiều ngân hàng thừa USD tiền gửi

Hầu hết các ngân hàng hiện lâm vào tình trạng thừa USD tiền gửi, nhưng lại thiếu USD để bán cho doanh nghiệp (DN) có nhu cầu thanh toán cho bạn hàng nước ngoài.

Trong những ngày gần đây, giá USD niêm yết ở các NHTM luôn ở mức “kịch trần” cho phép với giá mua vào cao đúng bằng giá bán ra là 17.812 VND/USD.

Chỉ có điều, ngay cả với mức giá mà ngân hàng tưởng như không có chút lợi nhuận nào thì các DN vẫn không chịu bán USD cho ngân hàng, người dân có USD lại càng không muốn bán.

Mặc dù mức giá mua và bán mà các ngân hàng thương mại đang niêm yết hiện luôn cao kịch trần cho phép của ngân hàng Nhà nước, nhưng nó vẫn thấp hơn giá trên thị trường tự do trên 700 đồng/USD.

Chính khoảng cách chênh lệch quá lớn này đã khiến cả DN và người dân không muốn bán ngoại tệ cho các ngân hàng, bởi nếu bán cho ngân hàng với giá thấp, sau này khi có nhu cầu phải mua ngoài thị trường với giá cao sẽ bị thiệt hại lớn. Và vì vậy, tình trạng găm giữ ngoại tệ đã nảy sinh với kỳ vọng, sẽ kiếm được lời lớn khi tỷ giá tăng.

Hậu quả là, tình trạng mất cân đối cung cầu ngoại tệ diễn ra trầm trọng trong bối cảnh nền kinh tế không có dấu hiệu thiếu hụt nguồn USD. Hầu hết các ngân hàng hiện lâm vào tình trạng thừa USD tiền gửi, nhưng lại thiếu USD để bán cho DN có nhu cầu thanh toán cho bạn hàng nước ngoài.

Để khắc phục, nhiều DN phải “tự thân vận động” mua gom trên thị trường tự do với giá cao, sau đó chuyển vào tài khoản thanh toán tại ngân hàng. Cách làm này một mặt gây thiệt hại lớn cho bản thân DN, mặt khác làm cho thị trường tự do có điều kiện phát triển bất chấp lệnh cấm hành chính của Ngân hàng Nhà nước.

Một cách khắc phục nữa mới nảy sinh là, ngân hàng đứng giữa làm trung gian kết nối giữa bên mua và bên bán, khi đó ngân hàng tuy làm hợp đồng mua bán trong giá trần cho phép, nhưng hai bên DN tự thoả thuận và thanh toán chênh lệch với nhau. Đây được xem là cách làm khôn ngoan và an toàn nhất trong bối cảnh hiện nay.

Thực tế này khiến nhiều chuyên gia kinh tế một lần nữa đưa ra ý kiến rằng, Ngân hàng Nhà nước nên tính đến việc sử dụng nguồn dự trữ ngoại tệ quốc gia để can thiệp, bình ổn thị trường.

Có thể lúc đầu chúng ta sẽ bị mất một lượng ngoại tệ, nhưng về lâu dài sẽ vẫn thu được về và quan trọng hơn là ổn định được thị trường và tâm lý găm giữ ngoại tệ của DN và người dân.

Theo Mạnh Hùng
VTV.VN