1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Nhiều ngân hàng có khả năng phải rút vốn?

Tương tự như cú “nước rút” giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất trong năm 2011, nhiều ngân hàng có khả năng phải hồi vốn, nếu chính sách đang bàn thảo được ban hành.

Nhiều ngân hàng có khả năng phải rút vốn?
Nếu áp trở lại quy định về tỷ lệ LDR 80% và 85%, những trường hợp đã cho vay quá tay buộc phải mở rộng mẫu số so sánh (tổng tiền gửi) hoặc phải rút bớt dư nợ về.
 
Bản dự thảo thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 13/2010/TT-NHNN về các tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động của tổ chức tín dụng đã được công bố.

 

Như những thông tin được đề cập vừa qua, một nội dung quan trọng dự kiến thay đổi là chuyển nhóm tài sản có hệ số rủi ro từ 250% xuống nhóm 150%. Đây là những tài sản thuộc hoạt động cho vay, đầu tư kinh doanh bất động sản, chứng khoán. Nếu như vậy sẽ giảm tải áp lực hệ số an toàn vốn (CAR), tạo điều kiện nhất định để các ngân hàng có thể mở rộng cho vay trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng chật vật từ đầu năm.

 

Theo ban soạn thảo dự thảo, lý do để điều chỉnh hệ số trên là do tình hình thị trường chứng khoán, bất động sản hiện nay có nhiều khó khăn, các tổ chức tín dụng đã ý thức được mức độ rủi ro đối với các hoạt động này, đồng thời đây là những hoạt động thuộc danh mục Ngân hàng Nhà nước không khuyến khích và yêu cầu phải giảm tỷ lệ xuống dưới 20% trong năm 2011, cũng như áp giới hạn tỷ trọng tối đa 16% trong năm 2012.

 

Điểm sửa đổi quan trọng thứ hai là tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi (LDR). Bản thân việc tái áp tỷ lệ này đã là một tác động lớn đối với việc sử dụng vốn của các ngân hàng; thêm nữa, dự thảo còn đưa ra một số thay đổi về việc xác định các cấu phần để tính LDR.

 

Trước đó, với Thông tư 13, việc áp tỷ lệ LDR đã được xác định là 80% và 85% (đối với ngân hàng thương mại và công ty tài chính). Sau đó, Ngân hàng Nhà nước đã sửa đổi bằng Thông tư 19 với những thay đổi đáng kể. Và cuối cùng là sự gỡ bỏ.

 

Hiện dự thảo trên đang được đưa ra lấy ý kiến các thành viên trong hệ thống, và nếu ban hành thì một lần nữa quy định về LDR được “tái sinh” và có tác động lớn tới nguồn vốn các nhà băng, thậm chí có thể tạo sức ép với yêu cầu phải rút vốn để đảm bảo các giới hạn quy định.

 

Theo nội dung dự thảo, quy định và yêu cầu về tỷ lệ LDR sẽ được tái lập và giữ nguyên như trong Thông tư 13; tức tỷ lệ cho vay so với tổng tiền gửi của các tổ chức tín dụng chỉ được 80% và 85% thay vì “thả nổi” như hiện nay. Cũng có một hướng khác là sẽ nâng lên là 95% và 100% (nới lỏng hơn). Và một điểm quan trọng khác dự tính là dư nợ cho vay và tiền gửi sẽ chỉ được tính trên thị trường 1.

 

Với những dự kiến sửa đổi và bổ sung trên, một khả năng đang đặt ra là nếu chính thức ban hành thì nhiều ngân hàng sẽ đứng trước áp lực phải rút vốn.

 

Thứ nhất, với việc áp trở lại quy định về tỷ lệ LDR 80% và 85%, những trường hợp đã cho vay quá tay buộc phải mở rộng mẫu số so sánh (tổng tiền gửi) hoặc phải rút bớt dư nợ về; đáng chú ý là theo dự thảo, dư nợ sẽ bao gồm cả các khoản đầu tư vào trái phiếu doanh nghiệp và ủy thác đầu tư. Đây là một áp lực đáng kể khi dữ liệu của một cơ quan chuyên trách công bố mới đây cho hay tỷ lệ LDR của hệ thống thời gian gần đây đã vượt trên 100%.

 

Thứ hai, nếu chỉ tính dư nợ cho vay và tiền gửi trên thị trường 1 (từ dân cư và tổ chức), áp lực đảm bảo LDR càng lớn. Bởi lâu nay tiền gửi huy động trên thị trường liên ngân hàng (thị trường 2) là một cấu phần đáng kể của nhiều ngân hàng thương mại. Nếu phần này bị “gạt” đi, mẫu số so sánh bị nhỏ đi, tỷ lệ cho vay buộc phải co lại “tương ứng”, hay có thể phải rút vốn và giảm cho vay ra để đảm bảo quy định.

 

Ở điểm thứ hai này, PV cũng đã trao đổi với một lãnh đạo chuyên trách, trực tiếp tham gia xây dựng dự thảo. Thông tin nhận được là một hướng mở: trước hết, vốn huy động trên thị trường 2 được xác định là tiền gửi; dự thảo thông tư đưa ra các quy định dự kiến, các phương án để trước mắt lấy ý kiến của các thành viên, tôn trọng thực tế hoạt động của các ngân hàng, cũng như tiếp thu các tiêu chuẩn hợp lý trên thế giới, sau đó sẽ trình Thống đốc Ngân hàng Nhà nước xem xét và quyết định.

 

Liên quan đến nguồn vốn huy động trên liên ngân hàng, ở một vấn đề khác, tổng giám đốc một ngân hàng thương mại lớn cũng từng khẳng định rằng đó là tiền gửi và chưa bao giờ là cho vay. Khẳng định này được ông nhấn mạnh khi phản ứng về việc các ngân hàng lớn đưa ra yêu cầu phải có tài sản thế chấp khi giao dịch trên thị trường này, phát sinh từ hồi tháng 10 năm ngoái…

 

Như thông tin từ thành viên tham gia xây dựng dự thảo, những quy định trên mới chỉ là dự kiến và sẽ tiếp tục hoàn thiện, nhưng giả sử được chốt lại và ban hành, những ngân hàng có tỷ lệ LDR vượt mức (nhất là nếu không tính vốn huy động liên ngân hàng vào tổng tiền gửi) sẽ buộc phải rút vốn về, cùng với đó là khả năng phải tăng cường huy động để nâng cao hơn tổng tiền gửi và điều này khiến lãi suất sẽ căng thẳng thêm, giảm lãi suất cho vay lại thêm một trở ngại.

 

Tất nhiên, trong trường hợp những quy định dự kiến trên được ban hành, Ngân hàng Nhà nước có lẽ sẽ đặt ra một lộ trình hợp lý, tạo điều kiện để các ngân hàng cân đối lại nguồn vốn, tránh “cuộc đua nước rút” như từng có trong năm 2011 về thực hiện giảm tỷ trọng tín dụng phi sản xuất.

 

Hiệu lực của thông tư đang dự thảo đưa ra thời điểm dự kiến có hiệu lực là từ ngày 1/6/2012; và trong vòng 45 ngày kể từ khi ký ban hành, trường hợp không đảm bảo được các tỷ lệ yêu cầu sẽ không được tiếp tục cấp tín dụng, góp vốn, mua cổ phần… và phải có phương án xử lý để đảm bảo yêu cầu.

 

Đặt trong trường hợp những ngân hàng phải rút vốn về đảm bảo tỷ lệ LDR nói trên, áp lực có lẽ cũng không hẳn quá lớn, khi chính sách tín dụng nhìn chung trong vài năm trở lại đây chủ yếu là các khoản cho vay ngắn hạn, có thể sớm hồi vốn; tỷ lệ LDR quy định như trên cũng không quá thấp, thậm chí có thể được nâng lên 95% và 100%.

 

Mặt khác, theo xác định trong dự thảo thông tư, tiền gửi của cá nhân và tổ chức là được chấp nhận toàn bộ tiền gửi có kỳ hạn và không kỳ hạn, nới hơn so với trước đây là lượng tiền gửi không kỳ hạn của các tổ chức chỉ được tính vào là 25%.

 

Ngoài ra, như đề cập ở trên, việc chuyển các tài sản có hệ số rủi ro 250% xuống nhóm 150% cũng là một sự nới lỏng nhất định có lợi cho việc sử dụng vốn của các tổ chức tín dụng.

 

Theo Minh Đức

VnEconomy

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm