Nhiều mặt hàng trên đà tăng giá từ 5 - 20%

Vụ Thị trường trong nước (Bộ Công Thương) cho biết, mặc dù thời điểm này chưa có sự đột biến về giá, song nhiều mặt hàng tiêu dùng thiết yếu, đặc biệt là thực phẩm đang trên đà tăng giá từ 5 - 20%.

Nhiều mặt hàng trên đà tăng giá từ 5 - 20% - 1
Dự báo từ nay đến tết Nguyên đán, giá thực phẩm còn tăng.
 
Hiện tại trên thị trường, giá nguyên liệu bánh kẹo tiếp tục tăng, trong đó giá đường tăng hơn hai lần so cùng kỳ; nha làm nguyên liệu chính sản xuất kẹo tăng 20% so tháng 11/2009.

Giá thịt lợn, thịt gà, thịt bò tăng từ 5.000 - 10.000 đồng/kg. Giá bia cũng tăng thêm 10.000 - 15.000 đồng/két. Vissan đã áp dụng giá mới cho 13 mặt hàng đồ nguội, 7 mặt hàng giò và 13 mặt hàng đồ hộp, với mức giá tăng khoảng 500 - 5.000 đồng/hộp hoặc gói...

Giá dầu thực vật tăng 20% nhưng các doanh nghiệp sẽ cố gắng điều chỉnh, tiết kiệm chi phí sản xuất để giá thành không bị đội lên quá cao, giá bán chỉ nhích lên khoảng 5 đến 10% so với Tết năm ngoái.

Theo Bộ Công Thương, thị trường Tết Nguyên đán 2010 sẽ diễn ra sôi động trên cả nước với nhu cầu mua sắm dự kiến tăng từ 20 - 40% so với bình thường. Do tác động của một số yếu tố như nguồn cung hạn chế, giá nguyên liệu một số loại hàng tăng cao nên giá một số mặt hàng thực phẩm sẽ có xu hướng tăng trong dịp Tết.

Để bình ổn giá, Ban Chỉ đạo 127/TW đã yêu cầu Ban Chỉ đạo 127 các tỉnh, thành phố tăng cường các giải pháp kiềm chế tăng giá, đặc biệt đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ tiêu dùng trong dịp Tết Nguyên đán.

Bên cạnh đó, Bộ Công Thương đã giao cho Cục Quản lý thị trường phối hợp với cơ quan quản lý giá tăng cường thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thiết yếu phục vụ Tết, trong đó có mặt hàng đường. Những đơn vị nào kinh doanh, niêm yết giá đường trái quy định sẽ bị xử lý nghiêm.

Ngay từ cuối năm 2009, toàn ngành Công Thương và các doanh nghiệp đã có kế hoạch dự trữ hàng hóa để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân trong dịp Tết Nguyên đán.

Để chuẩn bị nguồn hàng, thành phố Hà Nội đã có Quyết định ngày 3/12/2009 tạm ứng Quỹ dự trữ tài chính thành phố với số tiền 250 tỷ đồng trong thời hạn 5 tháng với lãi suất 0% cho 12 doanh nghiệp thực hiện dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết.

Tại TPHCM, dự kiến nhu cầu mua sắm sẽ tăng khoảng 30 - 40% so với ngày thường và tập trung vào các mặt hàng lương thực, thực phẩm, hoa cây cảnh và đồ uống… Thành phố cũng cho vay dự trữ hàng Tết, trong đó ứng 422 tỷ đồng từ ngân sách thành phố giao cho 13 doanh nghiệp trên địa bàn, ưu đãi trong vòng 6 tháng với lãi suất 0% để mua hàng hóa dự trữ dịp Tết.

Các tỉnh, thành trên cả nước cũng đã triển khai kế hoạch dự trữ hàng hóa Tết. Trong đó, Quảng Ninh trích 10,5 tỷ đồng cho 7 doanh nghiệp vay để dự trữ hàng hóa thiết yếu phục vụ Tết. Đà Nẵng đã có kế hoạch dự trữ 18 mặt hàng thực phẩm tiêu dùng thiết yếu với tổng giá trị khoảng 1 tỷ đồng.

Theo Uyên Hương
Vietnam+

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm