Nhiều lo lắng về những chiếc "ô tô xách tay”

(Dân trí) - Giới kinh doanh, nhập khẩu ô tô vẫn đang khá bức xúc với dự thảo Nghị định quy định về điều kiện sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô mà Bộ Công Thương vừa đưa ra.

Từ tháng 11/2016, Quốc hội đã chính thức bổ sung ngành nghề sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu ô tô vào danh lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, bắt đầu có hiệu lực từ 1/7/2017. Đầu tháng 5/2017, Bộ Công Thương đã đưa ra dự thảo Nghị định quy định về điều kiện kinh doanh sản xuất lắp ráp, nhập khẩu và bảo hành, bảo dưỡng ô tô để lấy ý kiến góp ý rộng rãi trước khi trình Thủ tướng thông qua. Tới nay, chưa đầy 01 tháng nữa tới thời hạn thực thi, nhưng nhiều nội dung trong dự thảo còn nhận được những ý kiến trái chiều trong giới kinh doanh, người dùng và dư luận…


Dự thảo Nghị định mới của Bộ Công Thương về điều kiện sản xuất, lắp ráp...ô tô đang gây nhiều tranh cãi

Dự thảo Nghị định mới của Bộ Công Thương về điều kiện sản xuất, lắp ráp...ô tô đang gây nhiều tranh cãi

Dự thảo đã “cởi trói” hay “siết chặt”?

Nhiều năm qua, Thông tư 20/2011/TT-BTC (kể cả Thông tư 04/2017/TT-BCT về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư 20/2011/TT-BCT) luôn bị các thương nhân kêu ca vì quy định khi làm thủ tục nhập khẩu phải nộp Giấy chỉ định hoặc Giấy ủy quyền là nhà nhập khẩu, nhà phân phối của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó hoặc hợp đồng đại lý của chính hãng sản xuất, kinh doanh loại ô tô đó đã được cơ quan đại diện ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài hợp pháp hóa lãnh sự.

Với dự thảo mới của Bộ Công thương, các nhà nhập khẩu ô tô, nhất là loại ô tô từ 9 chỗ ngồi trở xuống sẽ được cởi bỏ các quy định về “Giấy chỉ định”, “Giấy ủy quyền” nói trên. Tuy vậy, họ cũng chưa hài lòng!.

Cụ thể, chia sẻ trên báo chí, lãnh đạo một doanh nghiệp nhập khẩu ô tô lại bức xúc cho rằng Nghị định mới dù có tiến bộ nhiều về điều kiện nhập khẩu (cần đáp ứng các điều kiện như: Có cơ sở bảo hành đạt tiêu chuẩn của Việt Nam (hoặc thuê trong 3 năm); sau tháng 7 năm 2020 phải sở hữu một cơ sở bảo hành, bảo dưỡng), nhưng lại trói buộc về các quy định không thực sự cần thiết.

Có thể kể tới nội dung tại mục B, Khoản 5, Điều 28 về Điều kiện kinh doanh cơ sở bảo hành: “Thiết bị chẩn đoán động cơ và tình trạng kỹ thuật của xe đối với ô tô có trang bị ECU điều khiển: a) Phù hợp với các loại xe cơ sở thực hiện bảo hành, bảo dưỡng; b) Phần mềm thiết bị chẩn đoán tuân thủ các qui định về sở hữu trí tuệ, được cung cấp bởi nhà sản xuất xe ô tô."

Như vậy, với các xe trang bị ECU (bộ xử lý và điều khiển điện tử trung tâm - PV), cơ sở sửa chữa, bảo hành sẽ phải có máy, thiết bị phần mềm để đọc lỗi, xác định lỗi. Thiết bị đọc phần mềm trên thị trường có giá rất cao, từ vài trăm triệu tới khoảng 01 tỉ đồng, nhưng nếu không phải là thiết bị từ nhà sản xuất (nơi giữ quyền sở hữu trí tuệ) thì không được phép sử dụng sẽ gây rất nhiều khó khăn cho nhà nhập khẩu, nhất là khi họ mua bán nhiều thương hiệu ô tô khác nhau. Nhưng nếu được phép sử dụng các thiết bị từ bên thứ 3, du luận còn hoài nghi về khả năng đảm bảo tính chính xác trong việc kiểm tra lỗi phát sinh trên phương tiện (!?)

Quyền lợi của người tiêu dùng Việt cần được đặt nặng!

Quy định đối với nhà sản xuất, lắp ráp được xem là ngày càng bị siết chặt, thậm chí bị coi là “chặt quá” nhằm bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng. Nhưng đối với nhà nhập khẩu, các điều kiện bắt buộc có đang đặt sự an toàn tính mạng, tài sản và giá trị tài sản của người mua lên trước nhất?

Tại Khoản 1, Điều 21 về “Doanh nghiệp sẽ được cấp giấy phép kinh doanh nhập khẩu ô tô khi đáp ứng các điều kiện sau: a) Có ít nhất 01 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô phù hợp với loại ô tô nhập khẩu và đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này”, nhiều ý kiến cho rằng “chỉ cần có 01 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng” là quá ít ỏi.

Giả sử, nhà nhập khẩu bán hàng trên toàn lãnh thổ Việt Nam, nếu cơ sở đặt ở Hà Nội (hoặc TP.HCM) thì khách hàng ở 01 trong 02 thành phố phải di chuyển tới 2.000 km để được bảo hành bảo dưỡng; hoặc đặt ở Đà Nẵng, khách hàng ở miền Bắc, miền Nam, sản phẩm sẽ phải di chuyển qua quãng đường trên dưới 1.000 km, liệu có đủ đảm bảo về mặt thời gian bảo hành, chất lượng sửa chữa?


Các doanh nghiệp đầu tư lớn vào các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô đang đứng trước rủi ro lớn

Các doanh nghiệp đầu tư lớn vào các dây chuyền sản xuất, lắp ráp ô tô đang đứng trước rủi ro lớn

Thêm nữa, ở Khoản 2 và Khoản 3, Điều 21 với nội dung: “2. Cơ sở bảo hành, bảo dưỡng ô tô nêu tại mục a khoản 1 Điều này phải thuộc sở hữu của doanh nghiệp, hoặc do doanh nghiệp ký hợp đồng thuê hoặc hợp đồng cung cấp dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng với thời hạn tối thiểu 3 năm, hoặc thuộc hệ thống phân phối của doanh nghiệp; 3. Kể từ ngày 01/7/2020, doanh nghiệp nhập khẩu ô tô phải sở hữu tối thiểu 01 cơ sở bảo hành, bảo dưỡng đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định này” cũng gây băn khoăn. Bởi, việc nới lỏng thời gian tới 2020 sẽ tạo lỗ hổng hậu mãi tới 03 năm, không đảm bảo được quyền lợi của người tiêu dùng (?)

Nếu theo các ý kiến trên, liệu Dự thảo Nghị định cần quy định số cơ sở bảo hành bảo dưỡng của doanh nghiệp nhập khẩu ô tô tối thiểu là 03 (Hà Nội, Đà Nẵng, TP.HCM) hay 05 (đủ 05 thành phố trực thuộc trung ương), và phải “sở hữu” ngay và luôn?

Một chi tiết rất được quan tâm là vấn đề thu hồi xe bị lỗi.

Tại Mục b, Khoản 1, Điều 21 về “Điều kiện nhập khẩu ô tô” ghi: “b) Có cam kết bằng văn bản với Bộ Công Thương về việc thực hiện trách nhiệm bảo hành, bảo dưỡng, triệu hồi, thu hồi ô tô nhập khẩu theo quy định…” được xem là lỏng lẻo. Bởi, nếu không phải là nhà nhập khẩu, phân phối, là đại lý “chính hãng”, liệu các nhà nhập khẩu nhỏ lẻ có thẩm quyền triệu hồi trong trường hợp ô tô nhập khẩu bị lỗi kỹ thuật, có đảm bảo đủ điều kiện hỗ trợ kỹ thuật, cung cấp phụ tùng, linh kiện chính hãng hay không, hay khách hàng phải tự bơi như việc mua một chiếc iPhone xách tay Mỹ (giá trị, vai trò và nguy cơ khác rất xa nhau – PV)?

Đại biểu Quốc hội Lưu Đức Long (đoàn Vĩnh Phúc) đã nêu: “Ô tô là ngành đòi hỏi phải yêu cầu cao về mặt kỹ thuật, không phải là hàng hóa thông thường mà là hàng hóa đặc biệt”.

“Việc tổ chức, lắp ráp xe ôtô cần có dây chuyền hiện đại, có đội ngũ kỹ sư trình độ cao, ngành này đòi hỏi quy mô, công nghệ tiêu chuẩn chứ không phải cá nhân nào cũng làm được. Tương tự như vậy, việc nhập khẩu ôtô không phải có người, có tiền là mua một vài cái xe. Việc này cần quy trình nghiêm ngặt để bảo đảm an toàn, sức khỏe, tính mạng cho người sử dụng và cộng đồng…”, ông Long nói.

Như vậy, chưa nói đến những giá trị được nêu trong “Chiến lược phát triển ngành công nghiệp ô tô đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2035” của Chính phủ, thì trước hàng loạt những vụ tai nạn gây thiệt hại cho người dùng Việt thời gian qua do lỗi kỹ thuật (túi khí, phanh…) nhưng chỉ một phần nhỏ xe được thu hồi, khắc phục, yêu cầu phải đảm bảo an toàn về tính mạng, tài sản của người dùng đã rất cần được các nhà làm luật quan tâm, đặt lên trước nhất.

Anh Thư