1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhiều "hệ luỵ" từ tăng giá điện

(Dân trí) - Bộ Công Thương đã có tờ trình Thủ tướng Chính phủ đề án giá điện 2009 và các năm 2010 - 2012 theo cơ chế thị trường với mức tăng dự kiến là 8,3% và trên 9% so với hiện hành. Tuy nhiên, câu chuyện về điện không chỉ là việc tăng giá.

Tăng giá vì độc quyền?

Theo đó, giá điện cho sản xuất sẽ được điều chỉnh với tỷ lệ tăng thấp so với tỷ lệ tăng cho sinh hoạt. Cụ thể, nếu chấp nhận phương án giá điện tăng bình quân năm 2009 tăng 9,8% thì giá điện bình quân cho sản xuất sẽ điều chỉnh tăng từ 7 - 8% tùy theo cấp điện áp và nhóm khách hàng.

Giá điện bình quân cho sinh hoạt sẽ điều chỉnh tăng từ 13 - 17% tùy nhóm khách hàng với tùy từng bậc thang. Người nghèo, thu nhập thấp sẽ áp dụng biểu giá sinh hoạt với bậc thang đầu tiên ở mức 50kWh và giữ ở giá thấp nhất với mức bù giá bằng 50% giá thành điện đến cấp hạ thế.
 
Trong năm 2009, giá điện cho các đối tượng khách hàng được áp dụng thống nhất trong toàn quốc với mức giá bán điện bình quân là 954 đồng/kWh.

Thực tế, câu chuyện về tăng giá điện từ năm 2009 đã được nói đến nhiều từ tháng 10 năm ngoái và đã trở thành chủ đề nóng của dư luận sau khi xảy ra tình trạng thiếu điện, cúp điện hàng loạt gây ảnh hưởng tới đời sống của người dân và các doanh nghiệp.

Vấn đề về ngành điện đã được nhóm nghiên cứu CEPR (Trung tâm Nghiên cứu và chính sách) của Đại học Kinh tế - ĐHQGHN “mổ xẻ” trong dự án nghiên cứu “Ước lượng của tăng giá điện lên chi tiêu hộ gia đình và toàn bộ nền kinh tế” .
 
Qua nghiên cứu, phân tích, nhóm nghiên cứu đã chỉ ra rằng. ngành điện không hề thiếu vốn và lợi nhuận cũng không hề thấp, bằng chứng là EVN (đơn vị chiếm 74% sản lượng điện sản xuất, chiếm 100% về truyền tải và 94% về phân phối điện trên cả nước) vẫn có khả năng đầu tư mạnh vào những ngành thâm dụng vốn, chẳng hạn như viễn thông hay tài chính...
 
Ngành điện vừa ở vào thế độc quyền, vừa chưa có những báo cáo minh bạch về tình hình tài chính nội bộ, nên việc tăng giá điện có thể bắt nguồn chủ yếu từ sức mạnh độc quyền đặt giá, thay vì những khó khăn thật sự về tài chính như vẫn được nêu ra!
 
Đối với thực trạng, việc sản lượng không tăng đủ nhanh để đáp ứng kịp nhu cầu cũng như tốc độ mở rộng sản xuất chậm có thể bắt nguồn từ hiệu quả tổ chức - quản lý thấp do thiếu cạnh tranh trong nội bộ ngành, chứ không phải vì giá điện thấp.
 
Nhiều "hệ luỵ" từ tăng giá điện - 1
 
Điều chỉnh giá điện sẽ ảnh hưởng tới toàn xã hội.

Giảm giá - chỉ cần cải thiện năng suất

Phân tích của nhóm nghiên cứu CEPR cũng cho thấy, mức tăng giá điện phụ thuộc vào cải thiện năng suất. Nếu ngành điện phát triển tốt thì với mức cải thiện năng suất trung bình là 2%/năm thì không những không phải tăng giá mà còn có thể hạ giá thành khoảng 2%. Trong khi đó, nếu ngành phát triển một cách chậm chạp, với mức cải thiện chỉ là 0,5%/năm thì có thể tăng giá khoảng 23%.
 
"Ngành điện cũng không thể dựa vào lập luận tăng giá điện để tạo sức ép tiết kiệm điện nhằm đạt tới cân đối cung cầu. Nó như là một lý do dễ dãi để biện minh cho sự cám dỗ rất khó cưỡng lại từ vị thế độc quyền hiện nay của ngành điện. Thêm vào đó, mức tiêu thụ bình quân đầu người ở Việt Nam còn thấp hơn 20% ở Thái Lan. Như vậy, nhu cầu tiêu thụ điện ở nước ta tất yếu sẽ còn tăng mạnh trong thời gian tới" - TS Nguyễn Đức Thành, Giám đốc trung tâm nghiên cứu và Chính sách nói. 

Tại khu vực nông thôn, phân tích của nhóm nghiên cứu cho thấy, không giống như suy nghĩ của nhiều người, tỷ trọng điện lại cao ở hộ nghèo. Điều đó cho thấy ở nông thôn, điện lại có tính chất hàng hoá thiết yếu, người ta buộc phải sử dụng  một lượng nhất định mà không phụ thuộc vào thu nhập của họ.

Ngoài ra, việc tăng giá điện nông thôn và vùng sâu vùng xa, nếu không có bù đắp hay hỗ trợ thích đáng, sẽ làm giảm tiến trình điện khí hoá nông thôn, có thể gây ra những hệ luỵ khác trong quá trình phát triển tổng thể. Thậm chí khoảng cách giàu nghèo tương đối ở khu vực nông thôn lại có xu hướng tăng.

Câu chuyện tăng giá điện rốt cục cũng là vấn đề tăng năng suất, chất lượng dịch vụ cung cấp điện. Do đó, mục tiêu đúng đắn của ngành điện cũng như của Chính phủ là tăng động cơ đầu tư vào lĩnh vực này. Tuy nhiên, nhiều chuyên gia đều khẳng định: sự hấp dẫn đầu tư nằm ở lợi nhuận bền vững chứ không chỉ đơn thuần ở khả năng liên tục tăng giá bán sản phẩm.
 
Lan Hương