Bình Dương:
Nhiều dấu hiệu dự án xử lý chất thải vi phạm luật Đấu thầu
(Dân trí) - Hồ sơ mời thầu của gói thầu xây dựng cụm xử lý nước thải tập trung công suất 480m3/ngày (nước rỉ rác) với kinh phí đầu tư lên đến 27 tỷ đồng bằng nguồn vốn ngân sách Nhà nước bị phát hiện có nhiều dấu hiệu vi phạm luật Đấu thầu.
Gói thầu này thuộc Dự án khu liên hợp xử lý chất thải rắn Nam Bình Dương.
Nhiều sai sót trong Hồ sơ mời thầu
Gói thầu xây dựng cụm xử lý nước thải tập trung công suất 480m3/ngày (nước rỉ rác) được phát hành ngày 16/2/2009 và được mở vào 14h ngày 6/3/2009 do Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương làm chủ đầu tư.
Cụ thể, quy định của luật Đấu thầu tại điều 12, khoản 5 về các hành vi bị cấm: “Nêu yêu cầu về nhãn hiệu, xuất xứ hàng hoá cụ thể trong hồ sơ mời thầu đối với gói thầu mua sắm hàng hoá, xây lắp hoặc gói thầu EPC”.
Thế nhưng tại các trang 101 đến 106, từ trang 113 đến trang 119, từ trang 143 đến trang 145 Hồ sơ mời thầu đã nêu các xuất xứ và thiết bị máy móc để yêu cầu nhà thầu cung cấp, như vậy là vi phạm những điều cấm trong luật Đấu thầu.
Cũng theo Hồ sơ mời thầu, gói thầu nêu trên được đấu thầu rộng rãi khiến các nhà thầu hiểu là đấu thầu rộng rãi trong nước và nhà thầu nước ngoài không được tham dự đối với gói thầu trên.
Tuy nhiên các nhà thầu trong nước đã “ngớ người” khi đơn vị trúng thầu là Công ty công nghệ môi trường SFC (Cộng hoà Áo) (?!). Có lẽ do hồ sơ mời thầu “Nhà thầu phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực môi trường” nên Công ty CP SFC Việt Nam (mới thành lập tháng 2/2008) đã liên danh với Công ty công nghệ môi trường SFC để dự thầu.
Các nhà thầu trong nước không “ngớ người” sao được khi gói thầu này không nằm trong phạm vi điều chỉnh của điều 13 (quy định Đấu thầu quốc tế) luật Đấu thầu vì vậy nó đương nhiên là đấu thầu trong nước theo khoản 5 điều 4 luật này.
Như vậy với việc chủ đầu tư chấp nhận cho công ty nước ngoài cùng tham gia đấu thầu gói thầu trong nước và chấm thắng thầu là trái với quy định của luật Đấu thầu.
Nhận lỗi đánh máy và xin rút kinh nghiệm
Tại buổi làm việc với báo chí mới đây (và các văn bản trả lời nhà thầu) đại diện Công ty TNHH một thành viên Cấp thoát nước - Môi trường Bình Dương, bà Nguyễn Thị Thu Vân, Phó ban quản lý và ông Nguyễn Thế Song, Chuyên viên phụ trách về kỹ thuật, thừa nhận trong hồ sơ mời thầu có sai sót nhưng chỉ do… đánh máy.
Trả lời câu hỏi: Công ty Cổ phần SFC Việt Nam đã có những công trình nào hoàn thành để xem xét kinh nghiệm nhà thầu theo điều 28 Hồ sơ mời thầu “Nhà thầu phải có ít nhất 5 năm kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực môi trường…”. Đại diện chủ đầu tư không thể tìm ra doanh nghiệp này có công trình nào đã hoàn thành như trong hồ sơ mời thầu quy định.
Còn về vấn đề hồ sơ mời thầu của chủ đầu tư vi phạm khoản 5, điều 12 luật Đấu thầu, trong Công văn số 176/2009/Wase, Công ty CP Tư vấn cấp thoát nước & Môi trường (Wase - đơn vị tư vấn lập hồ sơ mời thầu) sau một hồi lòng vòng giải thích không vi phạm luật Đấu thầu thì chủ quan nhận định “điều này không ảnh hướng đến tính cạnh tranh trong đấu thầu” rồi mới thừa nhận “có thể gây những hiểu lầm cho các nhà thầu và xin rút kinh nghiệm”. (?!)
Về vấn đề Hồ sơ mời thầu vi phạm luật Đấu thầu, trao đổi với báo chí ngày 2/4, ông Nguyễn Hoàng Sơn, Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương cho biết: “Đã giao cho các cơ quan chức năng của tỉnh xem xét. Sẽ xử lý nghiêm những sai phạm nếu có”.
Đại diện 1 nhà thầu trong nước cho biết: “Xử lý nước rò rỉ bãi rác là một vấn đề phức tạp không những tại Việt Nam, mà còn đối với cả các chuyên gia hàng đầu về công nghệ môi trường của các nước phát triển. Do đó, việc tổ chức đấu thầu trong việc cung cấp thiết bị và công nghệ cho trạm xử lý nước rỉ càng phải đặc biệt thận trọng. Vậy mà, Công ty TNHH cấp thoát nước môi trường Bình Dương đã ngang nhiên vi phạm luật Đấu thầu”. |