Nhiều “đại gia” hàng xa xỉ vỡ mộng tại Trung Quốc
(Dân trí) - Từng háo hức đầu tư vào thị trường Trung Quốc và có nhiều năm gặt hái tăng trưởng cao, nhưng từ năm ngoái, nhiều "đại gia" hàng xa xỉ, trong đó có các thương hiệu lớn của Pháp và Ý đã chứng kiến doanh số sụt giảm và dần đánh mật sự lạc quan.
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: Nhìn lại điều hành tỷ giá 2013 Quảng cáo Tết phản cảm, đại gia bán lẻ Thái Lan bị "ném đá" Những ông chủ trẻ không chịu 'tránh bão' Tái cấu trúc Cty chứng khoán: Chặng đường còn dài phía trước |
Kinh tế Trung Quốc đang giảm tốc, chính phủ và giới truyền thông đều đang tấn công tình trạng tham nhũng và những hoạt động mua sắm đáng ngờ. Người tiêu dùng Trung Quốc vốn thường chỉ quan tâm đến thương hiệu nay dường như bắt đầu mệt mỏi với việc mua thứ gì cũng phải là đồ hiệu, từ rượu vang tới đồng hồ.
Nhưng vấn đề lớn nhất hiện tại đó là những người tiêu dùng giàu có tại Trung Quốc đang biến mất, bởi nhiều người đang xuất cảnh và mang theo tiền của xuất ngoại.
Minh chứng mới nhất đó là báo cáo kết quả kinh doanh của tập đoàn hàng xa xỉ Pháp LVMH, vốn bán mọi thứ từ những chiếc túi Louis Vuitton và Fendi tới váy Emilio Pucci và rượu sâm panh Dom Perignon.
Mặc dù doanh số toàn cầu của họ tăng trưởng cao hơn mức dự báo 7%, doanh số tại Trung Quốc chỉ tăng 5% trong năm 2013, giảm mạnh so với mức từ 10 – 20% những năm trước đó.
CEO Bernard Arnault nói một cách đơn giản: “sức tiêu thụ hàng xa xỉ tại Trung Quốc đã chậm lại”.
Salvatore Ferragamo, công ty sản xuất đồ da của Ý cũng thừa nhận đang gặp vấn đề tại Trung Quốc. Theo đó, tăng trưởng doanh thu của họ tại châu Á trong năm ngoái chỉ bằng một nửa so với mức 20% của năm 2012.
Không riêng gì Salvatore Ferragamo, một nhà sản xuất giày của Ý khác là Tod’s cũng đã phải đưa ra cảnh báo, giữa lúc giá cổ phiếu của họ sụt 7%.
“Có cảm giác như chúng ta đang ở một thời điểm cần suy ngẫm tại thị trường Trung Quốc đối với các nhà sản xuất hàng xa xỉ như Tod’s và Ferragamo, những người vốn thường có kết quả nổi trội tại thị trường chủ chốt này”, nhà phân tích Guillaume Gauville của ngân hàng Credit Suisse cho biết.
Vậy tương lai của ngành hàng xa xỉ toàn cầu sẽ ra sao? Một bản báo cáo của hãng tư vấn Boston Consulting cho biết ngành này có thể chuyển từ bán sản phẩm sang bán sự trải nghiệm, và những thị trường tăng trưởng hàng đầu rất có thể là Mỹ.
Bản báo cáo khẳng định thị trường hàng xa xỉ toàn cầu hiện được định giá ở mức khoảng 1800 tỷ USD/năm, với khoảng 1000 tỷ USD đến từ các trải nghiệm như nhà hàng, du lịch, chăm sóc sắc đẹp và tập thể dục. Chi tiêu cho các trải nghiệm đã tăng trưởng 14%/năm trong giai đoạn 2010 – 2012, trong khi chi mua vật dụng chỉ tăng 11%.
Boston kỳ vọng doanh số hàng xa xỉ sẽ tăng 6 – 7%/năm trong vòng 5 năm tới. Nhưng hãng này cho rằng giới nhà giàu tại các thị trường mới nổi, đặc biệt là Trung Quốc và Brazil sẽ chủ yếu mua sắm tại nước ngoài. Trung khi đó người tiêu dùng Mỹ lại chi 2/3 số tiền mua sắm ở trong nước.
Hãng tư vấn này cũng chỉ ra các thành phố có tăng trưởng chi tiêu hàng xa xỉ hàng đầu, bởi hoạt động tiếp thị hàng xa xỉ sẽ ngày càng phân tán và hướng tới những khu vực và thành phố cụ thể. Thậm chí trong cùng một quốc gia, khẩu vị và sức chi tiêu cũng có thể khác biệt lớn.
“Những người mua hàng xa xỉ tại Thượng Hải và Bắc Kinh giống những người mua sắm tại Paris và Tokyo hơn những người tại Chiết Giang hay Panjin”, bản báo cáo viết.
Theo CNBC