Nhiều cơ hội khi thuê thương hiệu

"Nếu các bạn đã, đang hoặc sẽ có ý định kinh doanh nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, tiếp tục phát triển như thế nào, thì nhượng quyền kinh doanh thương hiệu (franchise) là câu trả lời cho sự đầu tư khôn ngoan và sinh lợi nhất" - đó là thông điệp mà Thương vụ Đại sứ quán Mỹ tại Việt Nam vừa đưa ra.

80% thành công

"Nhượng quyền kinh doanh thương hiệu (NQKDTH) gần giống như hình thức hợp tác liên doanh. Tuy nhiên trong khi có đến khoảng 80% cuộc liên doanh trên thế giới thất bại thì trong NQKDTH, tỷ lệ thành công lên đến 80%"- ông Miguel Pardo de Zela, Tham tán Thương mại Đại sứ quán Mỹ tại VN cho biết.

NQKDTH được định nghĩa như một sự liên kết hợp đồng giữa phía chuyển giao (nhà sản xuất, người bán sỉ hoặc tổ chức dịch vụ) với người nhận chuyển giao (người kinh doanh độc lập...).

Theo đó, người chuyển giao cho mượn thương hiệu và một hệ thống kinh doanh. Còn người nhận chuyển giao chi trả tiền thuê (thường là miễn phí cho lần đầu) để được kinh doanh với thương hiệu và hệ thống theo đúng "phong cách" của nhà chuyển giao.

Bà Nguyễn Thị Kiều Hương, chuyên viên thương mại, Thương vụ Tổng lãnh sự Mỹ ví dụ: "Chẳng hạn như McDonald's, không cần mở nhà máy ở VN nhưng họ vẫn có thể nhượng thương hiệu cho một nhà kinh doanh VN nào đấy và người này trở thành đại lý độc quyền, chuyên bán sản phẩm của McDonald's".

Cũng theo bà Hương, nếu thỏa thuận thành công, phía chuyển giao sẽ hỗ trợ người nhận chuyển giao về kỹ năng quản lý - từ việc trang trí đến những chuyện vặt vãnh như sử dụng giấy gói như thế nào...

Theo Hội Liên hiệp chuyển giao thương hiệu quốc tế (Mỹ), NQKDTH hiện mở rộng trên hơn 75 ngành nghề công nghiệp khác nhau. Ở châu Á, NQKDTH xuất hiện từ kinh doanh khách sạn đến các đại lý thức ăn nhanh... Hiện tại, lĩnh vực này tạo doanh thu hơn 50 tỉ USD hằng năm ở khu vực châu Á.

Ở Trung Quốc, lĩnh vực NQKDTH đạt được thành công lớn trong 10 năm qua. Hơn 50 ngành nghề đã áp dụng quy trình chuyển nhượng, từ ngành cung cấp thực phẩm đến cung cấp dịch vụ gia đình...

Ba năm gần đây, lượng hàng hóa tiêu thụ tại đây tăng bình quân hơn 10%/năm. Gần 50 công ty kinh doanh nhà hàng hàng đầu tại Trung Quốc, áp dụng cách kinh doanh theo kiểu chuyển nhượng và doanh thu tăng hơn...

Cơ hội cho Việt Nam?

Tại Việt Nam, Công ty Cà phê Trung Nguyên là doanh nghiệp trong nước đi tiên phong trong lĩnh vực này với tư cách là người chuyển giao và khá thành công với hàng loạt quán cà phê Trung Nguyên mở ra khắp cả nước.

Công ty TNHH quốc tế Minh Việt cũng đang thành công với thương hiệu Fujifilm; Kentucky Fried Chicken cũng đưa hàng loạt sản phẩm gà rán đến với người tiêu dùng VN thông qua NQKDTH.

Bà Hà Ngọc Anh, cán bộ thương mại, Thương vụ Đại sứ quán Mỹ tại VN nhận định: "NQKDTH chắc chắn sẽ phát triển mạnh ở Thái Lan, Malaysia; Việt Nam cũng sẽ là thị trường hấp dẫn". Thời điểm này, Việt Nam vẫn chưa có những quy định pháp luật cụ thể về chuyển nhượng thương hiệu.

Tuy nhiên, theo ông Miguel Pardo de Zela: "Dự thảo luật về nhượng quyền kinh doanh ở VN có thể ban hành trong vài tháng tới. Và tôi đánh cuộc với các bạn, hàng loạt các công ty Mỹ sẽ tìm đến Việt Nam".

Theo Đại sứ quán Mỹ tại VN, cơ sở của nhận định này là: thứ nhất, Việt Nam sẽ là thành viên của WTO và việc nhanh chóng ban hành những điều luật rõ ràng về NQKDTH chỉ còn là vấn đề thời gian. Thứ hai, lĩnh vực này rất phù hợp với Việt Nam - một quốc gia đang phát triển và có nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ muốn mở rộng hoạt động. 

Theo Thanh niên