1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhật Bản sẽ cấp vốn ODA xây dựng sân bay Long Thành?

Ông Yakabe Yoshinori, Phó Tổng lãnh sự Nhật Bản tại Thành phố Hồ Chí Minh cho biết, dự án Sân bay Quốc tế Long Thành đang được Chính phủ Nhật Bản xem xét cấp vốn ODA theo đề nghị của Lãnh sự quán Nhật Bản tại TPHCM.

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:

Tờ TTXVN đưa tin, ngày 14/2, Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai đã có buổi tiếp và làm việc với ông Yakabe Yoshinori, Phó Tổng lãnh sự Nhật Bản tại TPHCM để thảo luận các vấn đề liên quan đến việc đầu tư xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành.

Mặc dù cho biết Chính phủ Nhật đang xem xét cấp vốn ODA xây dựng sân bay Long Thành nhưng, phía Nhật Bản vẫn còn băn khoăn về một số ý kiến phản đối việc xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành và đề nghị mở rộng Sân bay Tân Sơn Nhất hoặc mở rộng Sân bay Biên Hòa.

 

Trả lời thắc mắc của đoàn Lãnh sự Nhật Bản, Phó Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Đồng Nai Trần Văn Vĩnh khẳng định đó chỉ là những ý kiến góp ý cho dự án nhằm chọn ra cách đầu tư hiệu quả nhất.

 

Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành đang được Chính phủ Nhật Bản xem xét cấp vốn ODA
Dự án Sân bay Quốc tế Long Thành đang được Chính phủ Nhật Bản xem xét cấp vốn ODA

 

Sau khi xem xét, việc đầu tư Sân bay Quốc tế Long Thành là phương án tốt nhất, nếu xét về góc độ giải phóng mặt bằng, vì khu vực này ít dân cư, ít gây tốn kém hơn so với Sân bay Tân Sơn Nhất và Biên Hòa. Đồng thời, việc kết nối Sân bay Quốc tế Long Thành với giao thông sẽ thuận lợi hơn, đáp ứng được nhu cầu phát triển của khu vực.

 

Theo quy hoạch, Sân bay Quốc tế Long Thành được xây dựng trên diện tích khoảng 5.000ha với 4 đường băng. Giai đoạn 1, dự kiến sân bay sẽ tiếp nhận khoảng 5 triệu lượt khách và 5 triệu tấn hàng hóa/năm. Khi xây dựng xong, sân bay có thể tiếp nhận được loại máy bay lớn nhất A380.

 

Ông Yakabe Yoshinori cho biết sau buổi làm việc ông sẽ chuyển ý kiến trên tới Bộ Ngoại giao Nhật Bản và đề nghị Chính phủ Nhật Bản nhanh chóng xem xét, bố trí nguồn vốn ODA xây dựng Sân bay Quốc tế Long Thành.

 

Trước đó mặc dù vẫn tồn tại nhiều ý kiến trái chiều cho rằng việc xây dựng sân bay Long Thành là không cần thiết và không khả thi về tài chính, lo ngại số tiền đầu tư quá lớn và gây lãng phí, tạo áp lực lên nợ công quốc gia, Thủ tướng Chính phủ vẫn khẳng định cần thiết phải xây dựng sân bay Long Thành để bổ sung và dần thay thế.

 

Theo lý giải của Thủ tướng, việc mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất để nâng công suất lên 30-40 triệu hành khách/năm rất tốn kém và không khả thi.

 

Thủ tướng cho biết, sân bay Tân Sơn Nhất có công suất tối đa khoảng 25 triệu hành khách/năm, nằm trong trung tâm thành phố, mật độ dân số cao, quỹ đất dành cho phát triển mở rộng sân bay không còn, không có hệ thống giao thông tiếp cận tương ứng, không thể xây dựng thêm đường cất hạ cánh theo giãn cách tối thiểu ICAO quy định (1.340 m). Do đó, việc mở rộng để nâng công suất lên 30-40 triệu hành khách/năm rất tốn kém và không khả thi.

 

Người đứng đầu Chính phủ khẳng định, Cảng hàng không quốc tế Long Thành có đủ điều kiện đáp ứng nhu cầu giao thông qua cửa ngõ TP.HCM ngày càng tăng bổ sung cho Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất khi quá tải.

 

Theo Thu Phương

Đất Việt
 
VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước