Nhật Bản gặp khó khi cố gắng cắt giảm nợ
(Dân trí) - Cho đến nay, các nhà đầu cơ trái phiếu vẫn tỏ ra khá lạc quan về những khoản nợ khổng lồ của Chính phủ Nhật. Nhưng niềm tin của họ sẽ phải đối mặt với thử thách trong vòng 3 tháng tới.
Tuy nhiên chính phủ của thủ tướng Yukio Hatoyama lo ngại rằng tăng thuế có thể ảnh hưởng mạnh tới chi tiêu tiêu dùng và khiến kinh tế nước này lâm vào suy thoái trở lại.
Mặc dù vậy, Nhật Bản bắt buộc phải làm điều gì đó để hạn chế nợ công vốn đã lên đến gấp đôi GDP. Các nhà phân tích đặt câu hỏi liệu quốc gia này còn có thể tiếp tục đi vay bao lâu nữa mà không dẫn đến chi phí lãi vay tăng đột biến, hoặc tệ hơn nữa là vỡ nợ.
Nhiều chuyên gia cho rằng khủng hoảng nợ sẽ xảy ra ở Nhật Bản, và họ đã bắt đầu nói bóng gió về một đợt bán tháo trái phiếu chính phủ Nhật.
Tháng 1 vừa qua, Standard & Poor's tuyên bố có thể hạ tín nhiệm nợ của nước này xuống dưới cả Chile. Moody’s cũng đe dọa đánh tụt hạng tín nhiệm của Nhật nếu không đưa ra được một kế hoạch cắt giảm nợ thuyết phục.
Tokyo đã cam kết sẽ hoàn thành một “bộ khung cho hoạt động tài khóa trung hạn” trong tháng 6 cho thấy rõ quan điểm của họ về thu nhập và chi tiêu ngân sách trong những năm tới. Từ cuối tháng 1, một ủy ban gồm các nhà làm luật và các nhà kinh tế độc lập đã được tổ chức họp định kỳ hai tuần một lần để soạn thảo bộ khung trên.
Trước sức ép từ nợ công, thủ tướng Hatoyama đã buộc phải quay lưng lại với những lời hứa hẹn trong chiến dịch tranh cử của mình như bãi bỏ lệ phí đường cao tốc hay học phí trung học.
Chính phủ của ông cũng tăng sức ép lên Ngân hàng trung ương Nhật Bản, buộc họ phải quyết liệt hơn trong cuộc chiến chống giảm phát - vấn đề được coi là nguyên nhân chính dẫn đến hai thập kỷ trì trệ của kinh tế Nhật.
Trong khi đó, Bộ trưởng tài chính Naoto Kan vừa bắt đầu cân nhắc về việc tăng thuế doanh thu. Tuy nhiên, nó sẽ dẫn đến một loạt hệ lụy kèm theo khi chính phủ đã nhiều lần hứa trong chiến dịch tranh cử rằng sẽ không tăng thuế cho đến năm 2013.
Vì thế, hành động này có thể gây bất lợi cho đảng của thủ tướng Hatoyama trong các cuộc bầu cử tiếp theo, bao gồm cả cuộc bầu cử thượng viện dự kiến vào tháng 7 tới.
Đa số cử tri, đặc biệt là những người về hưu, sẽ không ủng hộ chính sách này. Trái lại, những người ủng hộ lập luận tăng thuế là biện pháp hiệu quả nhất để chống thâm hụt và duy trì khả năng trang trải cho quỹ lương hưu ngày càng phình to cũng như chi phí chăm sóc sức khỏe.
Các chuyên gia đều nhất trí tăng thuế là điều không thể tránh khỏi, nhưng vấn đề ở chỗ nó sẽ được tiến hành như thế nào. Một số cho rằng nên tiến hành tăng dần dần và không nên bắt đầu trước khi xác định rõ hậu quả của nó đối với nền kinh tế.
Năm 1997, Nhật Bản đã phải lãnh hậu quả sau khi thực hiện chính sách tăng thuế làm cho tiêu dùng sụt giảm mạnh. Đây được coi là nguyên nhân đẩy nền kinh tế nước này vào suy thoái và giảm phát sau đó.
Một số thành viên trong chính phủ cũng không đồng ý với biện pháp này. Ngoại trưởng Kazuhiro Haraguchi nói: “Tôi cho rằng tăng thêm gánh nặng thuế trong lúc nền kinh tế đang kiệt sức như thế này sẽ chỉ khiến cho doanh thu thuế giảm đi mà thôi”.
Tuy nhiên, có những ý kiến khác cho rằng nếu thực hiện xác đáng thì việc tăng thuế sẽ không ảnh hưởng gì đến hồi phục kinh tế. Ví dụ như, giáo sư Toshihiro Nishibori của đại học Tokyo khuyến nghị chính phủ nên nâng mức thuế ngay từ bây giờ, nhưng trải dài trong 10 năm và mỗi năm chỉ tăng 1%.
Giáo sư giải thích phương pháp này không chỉ giảm nhẹ ảnh hưởng đối với người tiêu dùng mà còn hạn chế giảm phát bằng cách tạo ra lạm phát kỳ vọng.
Theo logic, người tiêu dùng sẽ cắt giảm chi tiêu nếu như thuế đột nhiên tăng đến 10%. Nhưng khi nó tăng từ từ và được dự báo sẽ tiếp tục tăng thì người dân vẫn chi tiêu như bình thường.
Trong hai thập niên gần đây, tài chính công của Nhật ngày càng đi xuống, trở thành một trong những nước có vấn đề tài chính đáng lo ngại nhất trong số các nền kinh tế phát triển. Theo số liệu của IMF, tổng nợ của chính phủ Nhật hiện đã lên đến 229% GDP, trong khi con số này của Mỹ là 92% và Italia là 118%.
Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng vấn đề nợ công của Nhật Bản đã bị thổi phồng quá mức.
Ông Tomoya Masanao, giám đốc quản lý quỹ tại quỹ đầu tư trái phiếu Pimco, phát biểu: “Xác suất Nhật Bản vỡ nợ là rất nhỏ và sự gia tăng đột biến của lãi suất dài hạn là rủi ro duy nhất trong vài năm tới”.
Hơn nữa, 95% nợ chính phủ của Nhật được các nhà đầu tư nội địa nắm giữ, mà đa số trong nhóm này không còn lựa chọn đầu tư nào khác. Tại Mỹ, một phần tư trái phiếu chính phủ nằm trong tay các nhà đầu tư, làm cho thị trường trái phiếu đã căng thẳng lại càng bất ổn hơn.
Hoàng Sơn (Theo WSJ)