Nhận lương qua ATM: Bớt vui, thêm phiền phức

(Dân trí) - Công chức lần đầu rút lương qua thẻ tiếc không khí “tiền tươi thóc thật” ngày cả cơ quan lĩnh lương hàng tháng. Nhiều cụ hưu trí thì muốn trả lại thẻ vì quá ít điểm rút tiền… Nhiều bất tiện khiến phương thức trả lương mới kém “xôm” so với hình dung.

Đứng nửa tiếng để rút được mấy triệu đồng

Công chức Hà Nội nhìn chung đều phát biểu nên trả lương qua hình thức này, dù có nhiều bỡ ngỡ, bất tiện ban đầu. Nhiều giáo viên, bác sĩ, cán bộ cho biết cơ quan mới làm thẻ, chưa kịp rút tháng lương đầu tiên được chi trả bằng thẻ ATM nhưng đã có tài khoản riêng, thẻ cá nhân dùng thành thục từ lâu.

Đảo qua các điểm đặt máy rút tiền tự động, không khí giao dịch vẫn diễn ra đều đều, chưa thấy cảnh “ách tắc” nào. Tuy nhiên, hiện tượng máy báo lỗi, hết tiền, khách hàng phải chạy dài hết phố này qua phố khác, từ quận nọ sang quận kia để kiếm điểm đặt máy vẫn diễn ra như cơm bữa.

Chị Hoàng Minh Tuyến, cán bộ Công ty Dược thú y - Sở Y tế Hà Nội thẳng thắn nói không thích hình thức trả - nhận lương qua tài khoản vì nhiều rắc rối so với cách làm truyền thống. Chị Tuyến cho biết, lương chị mỗi tháng khá thất thường, tùy thuộc vào lượng hàng bán ra nên khó kiểm soát được thu nhập khi khoản tiền trong tài khoản tháng nọ chồng tháng kia.

Cuối năm, mùa bán hàng, thu nhập lên tới chục triệu, việc cần chi cũng lớn; thế mà cuối giờ chiều hôm trước, chị cùng người bạn đứng đến hơn nửa giờ đồng hồ bên lề đường mới rút được mấy triệu đồng. Thẻ của Ngân hàng Kỹ thương (Techcombank) mỗi lần chỉ rút được tối đa 1,5 triệu đồng, sau 6 lần đút vào, rút ra mới được 9,5 triệu thì máy đã báo hết tiền, không thể phục vụ tiếp. Vậy là chị lỡ việc.

Một lý do nữa khiến chị Tuyến không thích nhận lương qua tài khoản là vì thấy thiếu hẳn không khí rất vui vẻ ở cơ quan ngày nhận lương, mỗi người đếm đếm, khoe khoe xấp “tiền tươi thóc thật” từ tay kế toán. Vì không phải quá chờ đợi vào tiền lương để chi tiêu nên chị cũng không mấy “mặn lòng” với tài khoản.

Trong khi đó, với nhiều người làm công ăn lương, số tiền nhận được không dư giả gì, hình thức trả lương này lại mang tới tiện ích đầu tiên là “kìm chế chi tiêu, tiết kiệm được”. Anh Vũ Anh Tuấn - Công ty Mỹ thuật TƯ - tỏ ra khá hào hứng với công dụng này của chiếc thẻ ATM.

Hai người phụ nữ đang lúi húi rút tiền ở cây rút của Ngân hàng Ngoại thương (Vietcombank) đặt gần trung tâm kinh doanh hàng miễn thuế - Giảng Võ gần như thốt lên mừng rỡ vì cuối cùng, chiếc máy thứ 4 mà họ “viếng thăm” cuối cùng đã chịu “nhả” ra những tờ tiền óng ả. Trước đó, các chị đã đi qua 3 điểm đặt máy khác khác nhau mà điểm thì máy hỏng, điểm thì mất điện.

Tương tự, chị Phạm Thúy Hà (Công ty Phụ gia dầu mỏ) kể, hồi đầu tuần, chị đã phải làm một hành trình từ khu Giảng Võ xuống tận Thanh Xuân, qua rất nhiều điểm đặt máy của Vietcombank mà vẫn không được phục vụ. Cuối cùng, chị phải lên tận Hai Bà Trưng mới rút được mấy trăm nghìn.

Nhiều bất tiện và rủi ro

 

Nhận lương qua ATM: Bớt vui, thêm phiền phức - 1
 

Hiện tượng "ách tắc" chưa diễn ra, nhưng

 người rút tiền cũng đã gặp nhiều trở ngại.

 

Đối với các cụ hưu trí, việc nhận lương qua tài khoản xem chừng có nhiều nan giải. Không chỉ ở vấn đề thao tác trên máy phức tạp, ít điểm đặt máy,...

Bác Nga (70 tuổi, khu tập thể xây dựng - Giảng Võ - Hà Nội) cho biết, tài khoản nhận lương hưu của bác được mở tại Ngân hàng NN&PTNT (Agribank). Tuy nhiên, quanh khu tập thể không có máy rút tiền nào của ngân hàng này.

Muốn nhận lương, hàng tháng mấy cụ già vẫn dắt ríu, rủ nhau đi xe buýt xuống điểm đặt máy trên đường Láng Hạ hoặc Cát Linh. Tuy nhiên, không ít lần máy ở 2 điểm gần nhất này trục trặc, có một máy khác ở đường Thái Thịnh nhưng lại không có tuyến xe buýt qua chỗ đó.

 

Bác Nga kể thêm, trong khu tập thể còn nhiều cụ tuổi đã 87-88 thì đành “chịu cứng”, làm thẻ lâu rồi mà vẫn chưa sử dụng được lần nào. Mà muốn đăng ký nhận lương lại như trước thì lại phải ra phường, lên quận làm đủ thứ thủ tục ủy quyền chi, ủy quyền nhận… Bác Nga tỏ ý muốn trả lại thẻ để nhờ tổ trưởng dân phố lĩnh lương và chi trả giúp các cụ trong xóm như trước.

Nhiều lỗi của chiếc máy đôi khi khiến cả những khách hàng trẻ, năng động nhất cũng phải “khóc thét” vì sợ… oan gia, nói gì đến người cao tuổi. Chị Thu Hương (Trung Kính, Cầu Giấy, Hà Nội) một lần rút tiền ở máy ATM của Agribank trên đường Trần Duy Hưng, nhập lệnh rút 500.000đ, máy rú lên roèn roẹt nhưng không nhả tiền. Tuy nhiên, tài khoản của chị vẫn bị trừ tiền như thường. Liên lạc, đi lại nhiều lần với ngân hàng để giải thích nỗi oan, cuối cùng 1 tuần sau Agribank mới kiểm đếm lại được lượng tiền trong máy và trả lại tài khoản cho chị 500.000đ.

Chị Nguyễn Thị Lê Loan cũng một phen gặp rắc rối với Vietcombank khi rút tiền ở máy ATM trên đường Hàng Bông. Lỗi “ấm đầu”, không chịu nhả tiền của máy làm chị tái người tưởng mất không 800.000đ. Để lấy lại được khoản tiền, công sức đi lại, làm việc với ngân hàng cả tuần cũng đủ mệt.

Ngoài ra, chiếc thẻ hiện đại được đón nhận không mấy mặn mà còn vì ngoài tính năng rút tiền, mọi giao dịch khác vẫn còn quá hạn chế. Đi mua sắm, du lịch, công tác… kết lại người sử dụng vẫn phải “thô sơ hóa” tháo tác bằng cách rút cả cục tiền mang theo người, không khác gì trả lương tận tay như bình thường.

Nhận tiền rách qua ATM

 

Nhiều cán bộ tại trường Cao đẳng Sư phạm TW đã rất ngạc nhiên vì nhiều tờ tiền rút ra từ điểm ATM Hoàng Quốc Việt bị rách.

 

Nhận lương qua ATM: Bớt vui, thêm phiền phức - 2
 

Những tờ tiền polymer rách đôi mà máy

 ATM của BIDV "nhả" cho khách hàng.

 

Chị Lê Thị Hải Hoan, công tác tại trường Cao đẳng Sư phạm TƯ (Hà Nội) cho biết, sáng 18/1, chị và một cán bộ khác của trường ra điểm đặt máy rút tiền tự động của Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) trên đường Hoàng Quốc Việt. Sau khi tiến hành các thao tác rút tiền, chị nhận được 4 tờ tiền mệnh giá 100.000đ bị rách.

 

Người cùng đi với chị Hoan là chị Nguyễn Thị Lợi cũng phải nhận 6 tờ mệnh giá 100.000đ rách.

 

Qua quan sát của PV, số tiền này bị rách ngay phía góc phải, dạng như bị vật sắc cắt đứt hẳn, sau đó được dán lại bằng băng dính không màu.

 

Qua tờ hóa đơn máy cung cấp, thời điểm chị Hoan tiến hành giao dịch là 9h45 ngày 18/1/2008; mã máy ATM là 220002.

 

Cán bộ trường Cao đẳng Sư phạm TƯ cho biết đây là tháng lương đầu tiên họ nhận qua tài khoản. Sau khi nghe tin chị Hoan và chị Lợi bị trả tiền rách, nhiều người chưa dám đi rút lương.

 

Trần Hưng

Phương Thảo - Cấn Cường