1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công

"Nhăn cả não" nghĩ cách chi tiêu để "sống sót" qua mùa dịch

(Dân trí) - Ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người buộc phải thay đổi cách chi tiêu sinh hoạt một cách tiết kiệm nhất để cầm cự. Nhiều nhà chuyển từ ăn sang, ăn chọn sang ăn đơn giản, dân giã.

Đổi cam sang tắc, thịt sang mỡ, tim sang gan

Cô bán thịt cân miếng thịt mông, báo giáo 80.000 đồng, chị Trần Ngọc Quyên (TP.HCM) lưỡng lự một lúc rồi nhờ cắt đi một nửa, rồi thêm 10.000 đồng tiền mỡ.

Chị Quyên không ngại ngần cho hay, phần thịt nhà chị ăn được một bữa, phần mỡ chỉ 10.000 đồng về làm tóp chiên mắm được một bữa nữa. Món tim heo xào trước đây, giờ chị đổi sang gan xào, từ 70 - 80.000 đồng, xuống tầm 20.000 đồng, tính ra tiết kiệm được một khoản không nhỏ. 

Nhăn cả não nghĩ cách chi tiêu để sống sót qua mùa dịch - 1

Chị Quyên là giáo viên mầm non tại một trường tư thục ở TPHCM, hai tháng rồi không còn nhận được tiền lương. Chồng chị làm việc tại một công ty điện máy, chỉ còn 50% lương cơ bản, các khoản thu nhập không còn. Chị theo đồng nghiệp buôn bán linh tinh thêm nhưng không ăn thua. Cách để gia đình 4 người nhà chị "sống sót" lúc này là tiết kiệm. 

Chưa bao giờ chị nghĩ phải tính đến cả cốc nước cam hai con uống hằng ngày, nhưng bây giờ là một khoản phải xem lại. Thế là chị mua tắc ( mua 1kg tắc (quất) chỉ 12.000 đồng pha cho con uống, cứ 2 ngày uống nước tắc, chanh thì 1 ngày cam xen kẽ. 
 
"Chi tiêu cơ bản trong nhà tôi trước đây khoảng 12 - 14 triệu đồng/tháng, bây giờ chỉ được trong mức 5 - 6 triệu đồng nên không còn cách nào khác ngoài tiết kiệm, cắt giảm. Tôi tính toán đến nhăn cả não", người mẹ nói. 
Nhăn cả não nghĩ cách chi tiêu để sống sót qua mùa dịch - 2

Các bà nội trợ tính toán, cân nhắc với từng miếng thịt, bữa ăn trong gia đình trước ảnh hưởng của dịch bệnh 

Ảnh hưởng của dịch bệnh, nhiều người buộc phải thay đổi cách chi tiêu sinh hoạt một cách tiết kiệm nhất để cầm cự. Nhiều nhà chuyển từ ăn sang, ăn chọn sang ăn đơn giản, dân giã. 

"Trước nhà tôi thường xuyên ăn cá bớp, cá thu, tôm... thì giờ những món này giảm đi, lâu lâu mới ăn một bữa. Thay vào đó đổi sang những thực phẩm cùng loại nhưng giá mềm hơn như cá nục, các ngân, tép, cá cơm... Trái cây cũng vậy, ưu tiên những loại có giá mềm hơn", chị Lê Nhung, ở Quận 12 (TP.HCM) nói.  

Vợ chồng chị Nhung đều bị giảm thu nhập, đã phải dùng đến khoản tiền dự trữ để "ăn" trong thời gian qua nên không thể chi tiêu như trước đây.

Tăng cường ăn "độn", tối giản mọi thứ

Nhu cầu của nhiều gia đình giờ đây gói gọn trong việc ăn uống. Thế nên mọi tiết kiệm cũng tập trung vào đây. Các bà nội trợ vắt óc nghĩ nghĩ đủ cách làm sao để vừa đảm bảo đời sống ở mức tối đa với mức chi thấp nhất. 

Nhăn cả não nghĩ cách chi tiêu để sống sót qua mùa dịch - 3

Chị Nguyễn Anh Thư, nhà ở Linh Đông, Thủ Đức (TP.HCM) kể chị có đủ chiêu để chi phí thấp nhất mà vẫn đảm bảo đời sống gia đình. Như kho thịt các, chị tăng cường kho độn cùng măng, lạc, đậu hũ, củ cải, dưa chua... giúp lượng thịt cá giảm đi đáng kể. 

Chị cũng tăng cường tự làm dưa mắm, cà... tăng thêm trong bữa ăn kết hợp với các thực phẩm khác giúp chi phí bữa ăn thấp hơn mà vẫn ngon miệng, no bụng. Nhiều hôm, bữa tối gia đình chị là vài củ khoai lang luộc, sau ăn trái cây, hay chỉ là bánh mỳ chấm sữa đặc. 

Anh Lê Anh Dũng, ở Bình Thạnh cho biết, bữa ăn gia đình anh bây giờ rất đơn giản, thanh đạm. Thức ăn mặn, đến nửa bữa là hết, vợ anh sẽ đưa ra hũ muối vừng, lạc rang...  để cả gia đình ăn bổ sung. 

"Trước mỗi bữa nhà tôi 3 - 4 món, có mặn, rau, canh, giờ thường chỉ hai món gồm một mặn và rau thì chủ yếu luộc để lấy nước làm canh luôn", ông bố nói và cho biết cả gia đình cũng động viên nhau tiết kiệm điện nước một cách tối đa, tháng rồi cắt hẳn việc sử dụng điều hòa chuyển qua dùng quạt.  

Nhăn cả não nghĩ cách chi tiêu để sống sót qua mùa dịch - 4

Nhiều gia đình tối giản bữa ăn, tăng cường ăn độn, ăn kèm để giảm áp lực về tài chính trong mùa dịch 

Theo anh, tình hình này kéo dài, một lúc nào đó vợ chồng anh có thể phải nhờ đến sự trợ giúp từ người thân. Và nhiều người, không phải đối tượng nghèo cũng sẽ cực kỳ khó khăn. Họ có thể chưa phải ra các cây "ATM gạo", chưa phải đến các quán ăn miễn phí.. nhưng chưa hình dung sắp tới sẽ thế nào, khi thu nhập giảm, hoặc thậm chí không còn thu nhập kéo dài, trong khi vẫn phải chi tiêu, thanh toán các hóa đơn. 

Nhất là nhiều người, nếu chưa từng học bài toán về tiết kiệm ngay khi đủ đầy, từng quá hoang phí với tiền bạc kiếm được, không xoay mình kịp trước ảnh hưởng của dịch bệnh sẽ còn liêu xiêu, chênh vênh hơn nữa. 

Hoài Nam