Nhận 10 triệu USD từ SMBC, tham vọng đằng sau của đơn vị sở hữu SmartPay

Tiến Thịnh

(Dân trí) - Dù khoản đầu tư 10 triệu USD từ SMBC chỉ mới là một phần của vòng gọi vốn Series A trị giá 30 triệu USD nhưng sẽ mở ra nhiều cơ hội tăng trưởng trong thời gian tới dành cho SmartNet - đơn vị sở hữu SmartPay.

Theo số liệu của Ngân hàng Nhà nước, trong 6 tháng đầu năm 2022, giao dịch thanh toán không dùng tiền mặt tăng 77,2% về số lượng và 29,8% về giá trị. Giao dịch qua Internet tăng tương ứng 63,2% và 32,3%; qua điện thoại di động tăng 98,3 và 84,3%; qua QR code tăng 86% và 127% (so với cùng kỳ năm 2021). Khoảng 68% người Việt Nam trưởng thành đã có tài khoản ngân hàng; 5,5 triệu tài khoản và khoảng 8,9 triệu thẻ ngân hàng được mở bằng phương thức điện tử (eKYC).

Trong bối cảnh Covid-19, nhận thức và hành vi tiêu dùng của khách hàng đã có sự thay đổi lớn. Theo đó, khách hàng có xu hướng tiếp cận dịch vụ thanh toán thông qua các phương thức không dùng tiền mặt bằng cách sử dụng các ứng dụng ngân hàng số trên điện thoại thông minh hay quét mã QR.

Các chuyên gia của Kantar - đơn vị nghiên cứu, tư vấn toàn cầu cho biết, thói quen thanh toán của người tiêu dùng thay đổi đặt ra yêu cầu phải chuyển đổi cách thức phục vụ của người bán hàng. Không nằm ngoài cuộc, thương nhân chợ truyền thống cũng nhanh chóng thích nghi và tận dụng nhiều hình thức bán hàng, thanh toán để làm phong phú, đa dạng phương thức kinh doanh. Từ đó giúp họ bắt kịp với xu thế chung của thị trường và góp phần hiện đại hóa các hoạt động thương mại.

Nhận 10 triệu USD từ SMBC, tham vọng đằng sau của đơn vị sở hữu SmartPay - 1

Ông Marek Forysiak - Chủ tịch và Nhà sáng lập SmartPay.

Nắm bắt rõ điều này, SmartNet - đơn vị sở hữu SmartPay đã chọn hướng đi đồng hành cùng hàng triệu tiểu thương Việt Nam trong suốt 3 năm qua. Công ty đã liên tục cho ra đời nhiều tiện ích, giúp tiểu thương quản lý hoạt động kinh doanh, kiểm soát thu chi, quảng bá, tiếp cận khách hàng,… Cho đến nay, SmartPay là một trong những đơn vị đầu tư và hỗ trợ cho các nhà bán hàng nhỏ lẻ - nhóm khách hàng dễ bị bỏ quên trong quá trình số hóa.

SmartPay đã nhanh chóng hợp tác với các đối tác hàng đầu như MasterCard, VISA, NAPAS cho ra đời thiết bị SmartPOS - thiết bị chấp nhận thanh toán từ mọi loại thẻ của hầu hết ngân hàng trong nước và quốc tế. Đồng thời tích hợp mọi phương thức thanh toán hiện đại nhất trên thị trường như: Thanh toán qua ví điện tử, quét mã QR, thanh toán một chạm. Điều này giúp nhà bán hàng phục vụ nhu cầu đa dạng của khách mua, quản lý thu chi dễ dàng chỉ với 1 thiết bị duy nhất. Ngoài ra cũng giúp các nhà bán hàng gia tăng doanh thu nhờ việc cung cấp cho khách hàng các dịch vụ cộng thêm như thanh toán hóa đơn (điện, nước, internet,…), nạp thẻ điện thoại, bảo hiểm, thanh toán khoản vay, trả góp 0%, mua trước trả sau được cung cấp bởi SmartPay.

Ông Nguyễn Đình Nghĩa, Giám đốc kênh POS của SmartPay chia sẻ: "SmartPOS là sản phẩm được SmartPay nghiên cứu và phát triển với mong muốn đem lại giải pháp thiết thực, giúp nhà bán hàng kinh doanh hiệu quả thông qua việc thanh toán nhanh, tiện lợi và an toàn. SmartPOS được thiết kế nhỏ gọn, phù hợp cho nhà bán hàng thuộc các ngành nghề khác nhau. Bên cạnh đó, SmartPay cung cấp các dịch vụ liên tục, chú trọng công tác hỗ trợ bảo trì, bảo dưỡng để giúp cho việc bán hàng và thanh toán của nhà bán hàng không bị gián đoạn".

Mới đây, để đa dạng hình thức thanh toán, tạo sự tiện lợi cho tài xế và nhà bán hàng cũng như các khách hàng, SmartPay đã "bắt tay" cùng nền tảng đa dịch vụ Be hướng đến mục tiêu trang bị 24.000 thiết bị SmartPOS cho dịch vụ beCar và beFood.

Bên cạnh việc phát triển SmartPOS, SmartPay còn mở ra cơ hội cho tiểu thương tiếp cận với nguồn vốn mà không cần tài sản đảm bảo, từ các đối tác lớn như VP Bank, FE Credit, CIMB. Ngoài ra, nhằm hỗ trợ tiểu thương Việt tiếp cận được nhiều nguồn vốn hơn nữa, SmartPay sẽ triển khai hợp tác chiến lược với Kasikorn Bank (ngân hàng thương mại hàng đầu Thái Lan).

SmartPay cũng đã phát triển rất nhiều tính năng hữu ích như chạm - thanh toán, mua sắm thông minh,... nhằm hoàn thiện hệ sinh thái mua sắm - thanh toán cho toàn bộ người dùng Ví điện tử SmartPay.

Với hệ sinh thái dành riêng cho tiểu thương trong 3 năm qua, tính đến hiện tại, GMV (tổng giá trị hàng hóa) qua SmartPay đã đạt 4,5 tỷ USD kể từ khi thành lập vào năm 2019. Riêng trong năm 2022, doanh thu ước tính đạt 16 triệu USD, tăng 71% so với năm 2021. Cuối tháng 12, SMBC - Ngân hàng hàng đầu Nhật Bản đã đầu tư 10 triệu USD vào SmartNet (đơn vị sở hữu SmartPay).

Chia sẻ về tham vọng chiếm lĩnh thị trường của SmartPay, ông Marek Forysiak - Chủ tịch và nhà sáng lập SmartPay cho biết: "Mục tiêu của SmartPay trong 3 năm tới là đạt hơn 8 tỷ USD tổng giá trị giao dịch thông qua việc cung cấp các sản phẩm và dịch vụ tài chính đa kênh. SmartPay kỳ vọng sẽ mở rộng đến 2,4 triệu điểm chấp nhận thanh toán, qua đó giúp cho hơn 50% dân số cả nước có thể dễ dàng tiếp cận với các dịch vụ tài chính toàn diện. Để làm được điều này, chúng tôi luôn chú trọng vào việc cải tiến những sản phẩm, dịch vụ mang tính đột phá và đem lại giá trị vượt trội cho nhà bán hàng như SmartPOS - một thiết bị thanh toán đa năng chính thức ra mắt vào tháng 9/2022 với mục tiêu đáp ứng nhu cầu cho hơn 325.000 tiểu thương trong vòng 3 năm tới".

Khoản đầu tư của SMBC là một phần của vòng gọi vốn Series A trị giá 30 triệu USD của SmartPay. Công ty kỳ vọng khoản đầu tư này sẽ là đòn bẩy, hỗ trợ chiến lược dài hạn của SmartPay nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh doanh của các tiểu thương. Trước mắt, đến cuối năm 2023, SmartPay dự kiến sẽ cung ứng khoảng 160.000 SmartPOS ra thị trường và sau đó đặt mục tiêu trở thành nhà cung cấp dịch vụ thanh toán số 1 tại Việt Nam dành riêng cho các tiểu thương, nhà bán hàng.