1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhà thầu Trung Quốc và những dự án quốc tế tai tiếng

(Dân Trí) - Không chỉ bê bối trong các dự án tại Việt Nam, nhà thầu Trung Quốc thời gian qua đã có nhiều dự án tai tiếng khắp nơi trên thế giới. Ngân hàng thế giới World Bank thậm chí đã “cấm cửa” hàng chục công ty xây dựng của nước này.

Ba Lan muối mặt vì nhà thầu Trung Quốc

Để chuẩn bị cho sự kiện Euro 2012, năm 2009 chính phủ Ba Lan tiến hành mở thầu dự án đường cao tốc A2 dài 49km, nối thủ đô Vac-xa-va với Berlin, Đức. Dự án được yêu cầu phải hoàn thành trước tháng 6/2012 để kịp phục vụ cho ngày hội bóng đá châu Âu mà Ba Lan là đồng chủ nhà. Thế nhưng chính phủ nước này đã phải muối mặt khi ham giá rẻ và chọn các nhà thầu Trung Quốc.

Công trường đường cao tốc A2 của Ba Lan (Ảnh: Internet)
Công trường đường cao tốc A2 của Ba Lan (Ảnh: Internet)

Cụ thể, Ba Lan đã chấp thuận trao quyền thi công cho Tập đoàn kỹ thuật quốc tế Trung Quốc (COVEC), một công ty con của Tổng công ty kỹ thuật đường sắt Trung Quốc. Trước khi trúng thầu COVEC đã nhiều lần thất bại trong việc đấu thầu thi công sân vận động và đường tàu điện ngậm ở Ba Lan. Dự án duy nhất họ thực hiện là 1 khách sạn 6 tầng.

Để thắng thầu, COVEC dùng 1 chiêu truyền thống của các công ty xây dựng Trung Quốc đó là bỏ thầu với mức giá thấp khó tin: 450 triệu USD, chỉ bằng một nửa dự toán của chính phủ Ba Lan lúc bấy giờ. Đề nghị của COVEC càng trở nên hấp dẫn khi một mình họ đứng ra “bao sân” từ thiết kế, tìm vốn tài trợ đến thi công.

Giá chào thầu của COVEC thấp đến nỗi sau đó các công ty của Ba Lan đã đệ đơn kiện phá giá lên Ủy ban châu Âu EC. Tuy nhiên đơn kiện này bị bác bỏ. Đến khi bắt tay vào thi công, những yếu kém về quản lý, chuyên môn kỹ thuật, khả năng dự toán tài chính cùng nhận thức mơ hồ về các quy định trong xây dựng của châu Âu nhanh chóng hạ gục COVEC cùng các thầu phụ Trung Quốc.

Một minh chứng điển hình là việc các kỹ sư của COVEC ngỡ ngàng trước quy định đường cao tốc phải có những ống cống cao 91,4 cm ngầm phía dưới để cho ếch và các loài động vật tương tự có thể băng qua một cách an toàn. Đây là tiêu chuẩn áp dụng cho đường cao tốc toàn châu Âu thế nhưng, theo Wall Street Journal, trong chuyến thị sát công trường năm 2010, các lãnh đạo hàng đầu COVEC và cả đại sứ Trung Quốc đã ngỡ ngàng.

Ngoài ra còn rất nhiều quy định khác liên quan đến kỹ thuật, môi trường, an toàn lao động mà các công ty của Trung Quốc vốn thường phớt lờ nay bị buộc phải tuân thủ khiến chi phí đội lên chóng mặt. “Họ nghĩ rằng Ba Lan cũng là châu Phi”, Marek Frydrych, một kỹ sư tư vấn cho Covec nói.

Bị lỗ nặng sau vài tháng thi công, COVEC nợ đầm đìa các nhà cung cấp vật liệu và phải xin chính phủ Ba Lan điều chỉnh giá gói thầu tăng thêm 70%. Nhưng họ không hiểu rằng EU có quy định cấm điều chỉnh kinh phí các dự án công. Hậu quả là sau nhiều lần tạm ngừng thi công, ngày 13/6/2011 COVEC bị chính quyền Ba Lan “tống khứ” kèm theo án phạt hơn 200 triệu USD vì vi phạm hợp đồng.

COVEC bị sa thải nhưng vấn đề lớn hơn mà Ba Lan phải chịu đó là con đường cao tốc A2 huyết mạch để phục vụ Euro 2012 đã không thể kịp hoàn thành. Việc tổ chức đấu thầu lại sau đó nhiều lần không thành công do chi phí sau 3 năm đã đội lên rất nhiều so với ban đầu.

Bị "cấm cửa" vì hối lộ, nợ nhà cung cấp, quỵt lương công nhân

Với người dân TP.HCM, có lẽ không ai xa lạ gì với cái tên Tổng công ty xây dựng Trung Quốc (CSCEC). Là đơn vị trúng thấu gói dự án cải tạo kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè năm 2003 và được yêu cầu hoàn thành trong năm 2007 thế nhưng sự yếu kém và chây ì của CSCEC khiến dự án bị chậm tiến độ đến 4 năm. Chính quyền TP.HCM đã nhiều năm có văn bản hối thúc, xử phạt nhưng tất cả đều không khiến dự án nhúc nhích.

CSCEC khiến dự án kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trì trệ nhiều năm (Ảnh: Internet)
CSCEC khiến dự án kênh Nhiêu Lộc – Thị Nghè trì trệ nhiều năm (Ảnh: Internet)

Chỉ đến khi ngân hàng thế giới (WB), đơn vị tài trợ vốn ODA chính cho dự án tuyên bố “cấm cửa” CSCEC, nhà thầu này mới chịu rời đi, bỏ lại hiện trường ngổn ngang với những hạng mục khó thi công.

Nguyên nhân WB đưa CSCEC vào “danh sách đen” là do công ty này đã bị phát hiện có hành vi tham nhũng tại Dự án Cải tạo và quản lý đường bộ quốc gia giai đoạn 1 của Philippines (NRIMP 1), với 150 triệu USD vốn do WB tài trợ . Theo thông cáo báo chí ngày 14/1/2009 của WB, CSCEC cùng 3 công ty của Trung Quốc khác đã bắt tay với những tập đoàn lớn ở địa phương và quốc tế để can thiệp vào quá trình đấu thầu.

Do đó công ty này cùng các bên liên quan đã bị WB đưa vào “danh sách đen”, cấm tham gia toàn bộ các dự án trên thế giới do WB tài trợ trong vòng từ 5 đến 8 năm. Theo website của WB, đến ngày 12/1/2015 án phạt với CSCEC mới mãn hạn. Vậy nhưng thật lạ là sau hàng loạt tai tiếng như trên, CSCEC vẫn trúng thầu nhiều dự án tại Việt Nam trong đó có khu đô thị Mỗ Lao (Hà Nội).

Trên đây là những vụ việc đã qua. Mới đây hơn, vào tháng 5/2012, chính phủ Zimbabwe đã quyết định mở cuộc điều tra các doanh nghiệp xây dựng Trung Quốc với nghi vấn ngược đãi người lao động địa phương.

“Tôi đã nhận được rất nhiều báo cáo về việc các chủ sử dụng lao động người Trung Quốc đang ngược đãi công nhân và với tư cách một Bộ của chính phủ, chúng tôi đã thành lập một nhóm điều tra bao gồm các quan chức của Cơ quan an ninh xã hội quốc gia cùng nhiều công ty xây dựng khác”, Bộ trưởng Lao động và dịch vụ xã hội Zimbabwe, bà Paurina Mpariwa tuyên bố trước báo giới.

Cuộc điều tra này xuất phát từ những phản ánh của công nhân tại dự án xây dựng đại học quốc phòng Zimbabwe do công ty Anhui Foreign Economic Construction Company (AFECC) của Trung Quốc thi công. Theo tờ Mail Guardian tại Zimbabwe, các lao động ở đây cho biết họ bị buộc phải làm việc 14 tiếng mỗi ngày, thường xuyên bị đánh đập.

Trên công trường này có khoảng 600 lao động bản địa cùng 300 lao động và khoảng 50 quản lý người Trung Quốc. Các công nhân cho biết họ phải thức dậy từ 4giờ sáng, bắt đầu làm việc từ 7 giờ sáng đến 9 giờ đêm nhưng chỉ được ăn đồ ăn thừa sau khi các công nhân và quản lý Trung Quốc ăn xong.

“Chuyện đánh đập diễn ra như cơm bữa”, một thợ mộc 28 tuổi trong bộ đồ bảo hộ chia sẻ trên đường về. “Họ ngược đãi chúng tôi, mỗi khi ai đó mắc lỗi họ lập tức lao vào đánh”. Một thợ xây khác thì chia sẻ: “Chúng tôi đã cố đình công nhưng sau đó chủ lao động đánh đập và sa thải chúng tôi. Chính phủ chẳng làm gì cả dù họ biết dân đang bị đánh đập.

Tôi đã thấy họ lột quần áo nhiều công nhân và đánh họ bằng mũ bảo hiểm. Chúng tôi rất tức giận nhưng chúng tôi cần tiền nên không còn lựa chọn nào khác. Nếu bạn không làm việc ít nhất 10 giờ mỗi ngày bạn sẽ không được trả lương”. Cùng với làn sóng đổ xô tới châu Phi khai thác tài nguyên của các công ty Trung Quốc, những vụ bê bối nêu trên đang xuất hiện ngày một nhiều. 

Danh sách các công ty Trung Quốc
bị WB cấm tham gia dự án

Tên công ty

Địa chỉ

Hiệu lực

Mãn hạn

CHINA
COMMUNICATIONS
CONSTRUCTION
COMPANY
LIMITED

NO. 85,
DESHENGMENWAI
STREET,
BEIJING 10008

12/1/2009

12/1/2017

CHINA FIRST
METALLURGICAL
CONSTRUCTION
CORPORATION
(CFMCC) *57

NO. 3,
INDUSTRY
AVENUE,
QINGSHAN
DISTRICT,
WUHAN, HUBEI,
430081

26/9/2011

25/9/2014

CHINA FIRST
METALLURGICAL
GROUP CO.,
LTD. *57

NO. 3,
INDUSTRY
AVENUE,
QINGSHAN
DISTRICT,
WUHAN, HUBEI,
430081

26/9/2011

25/9/2014

CHINA
GEO-ENGINEERING
CORPORATION
*20

NO. 45B
XIWUDAOKOU,
HAIDIAN
DISTRICT, POST
CODE 100080, BEIJING

12/1/2009

12/1/2014

CHINA STATE
CONSTRUCTION
ENGINEERING
CORPORATION
(CSCEC) *22

N/A, BEIJING

12/1/2009

12/1/2015

CHINA WUYI CO.
LTD *23

 

12/1/2009

12/1/2015

DAQING
OILFIELD
HIGHWAY &
BRIDGE
ENGINEERING
CO., LTD.

NO. 19, XIJING
ROAD, RANGHULU
DISTRICT, DAQING CITY

07/3/2011

19/11/2017

HEFEI HIGHWAY
& BRIDGE
PROJECT CO.
LTD. *37

NO. 199, BLOCK
B, HAOZHOU
ROAD, HEFEI
CITY, ANHUI
PROVINCE

28/6/2011

27/6/2013

TIANJIN ALSTOM
HYDRO CO.
LTD.*97

GAOFENG ROAD,
BEICHEN
DISTRICT, TIANJIN

21/2/2012

20/2/2015

ZHEJIANG ZHEDA
INSIGMA GROUP
CO. LTD.
(INSIGMA GROUP)

212 WENER ROAD, HANGZHOU, ZHEJIANG 310007

15/9/2011

11/8/2014

ZHEJIANG ZHEDA
INSIGMA
TECHNOLOGY CO.
LTD.

NO. 226
TIANMUSHAN
ROAD, 12F, HANGZHOU, ZHEJIANG 310007

15/9/2011

11/8/2014

ZHONGHAO
OVERSEAS
CONSTRUCTION
ENG. CO.,
LTD.*106

SUITE 617 EAST
PLAZA, 5 NORTH
ROAD, WEST 4TH
RING ROAD, HAI
DIAN DISTRICT,
100195, BEIJING

30/5/2012

29/5/2014

ZHONGKE LIFE
SCIENCE &
TECHNOLOGY
CO., LTD. *40

NO. 88,
ZHIYUAN ROAD,
WUKANG TOWN,
DEQING COUNTY, ZHEJIANG 313200

26/7/2011

25/7/2014

 

Thanh Tùng
Tổng hợp