Nhà ở cho công nhân: Vướng đủ thứ!

(Dân trí) - Thiếu đất sạch, không có chính sách thu hút đầu tư thỏa đáng cũng như chế tài bắt buộc… là những nguyên nhân chính dẫn đến thực trạng có tới 80% công nhân trong các khu công nghiệp (KCN) đang phải thuê nhà với điều kiện ăn ở rất kém.

Chỉ đáp ứng được 13% mục tiêu

Theo số liệu từ Vụ Quản lý các khu kinh tế, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cả nước hiện có trên 260 KCN với tổng diện tích đất khoảng 72.000 ha, 170 KCN đã đi vào hoạt động và thu hút được gần 4.000 dự án có vốn đầu tư nước ngoài, 4.400 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn đăng ký xấp xỉ 54 tỷ đô la Mỹ (USD) và 336.000 tỷ đồng.

Tại hội thảo quốc gia Nhà ở công nhân – thực trạng và giải pháp được tổ chức ngày 17/10 tại thành phố Bình Bương, ông Vũ Hồng Quang, Phó Ban Chính sách – Pháp luật, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho biết:

Hiện có khoảng 1,6 triệu lao động trực tiếp đang làm việc tại các KCN và hàng triệu công nhân, lao động tại các xí nghiệp, cơ sở sản xuất quy mô lớn thuộc các cụm công nghiệp hoặc độc lập. Vì thế, nhu cầu phát triển nhà ở cho công nhân, người lao động tại các khu, cụm công nghiệp là rất lớn.

Nhất là khi, hiện nay, chỉ mới 20% công nhân có chỗ ở ổn định và khoảng 80% đang phải đi thuê nhà với mức giá từ 150.000 đến 200.000 đồng/người/tháng với điều kiện ăn ở rất kém, chi phí sinh hoạt cao trong khi thu nhập bình quân của người lao động tại các KCN chỉ khoảng 2,5 triệu đồng/tháng.
 
Nhà ở cho công nhân: Vướng đủ thứ! - 1
Khu chung cư dành cho công nhân tại xã Kim Chung, huyện Đông Anh, Hà Nội

Nhận định về hiện trạng nhà ở công nhân tại các KCN ở Hà Nội, ông Nguyễn Quốc Tuấn, Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội cho biết, phần lớn lao động nhập cư phải thuê nhà trọ, chỗ ở tạm thời quanh các KCN với chất lượng thấp, không đảm bảo điều kiện vệ sinh, môi trường và sức khỏe cho người lao động.

Với mức thu nhập thấp và điều kiện nhà ở khó khăn, công nhân lao động rất thiếu cơ hội, điều kiện để thỏa mãn nhu cầu vui chơi, giải trí, thể thao, nghỉ ngơi, học tập và giao lưu tình cảm.

“Đặc biệt, tại các KCN đông lao động nữ, vấn đề hôn nhân và gia đình trở nên bức xúc nhưng chưa được các doanh nghiệp, cơ quan và tổ chức quan tâm thỏa đáng.” – ông Tuấn nói.

Theo Quyết định 66/2009/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển nhà ở cho công nhân lao động các KCN, các địa phương đã đăng ký giai đoạn 2010-2015 với tổng số khoảng 110 dự án để đáp ứng chỗ ở cho trên 960.000 người.

Song thực tế đến nay, mới chỉ có 25 dự án được khởi công xây dựng, giải quyết chỗ ở cho khoảng 129.000 công nhân lao động, như vậy đến khi hoàn thành cũng chỉ đáp ứng được 13% số lao động mà mục tiêu đặt ra. Hiện đã có 9 dự án đã hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng nhưng chủ yếu là sử dụng nguồn vốn từ ngân sách.

Thay đổi tư duy để phát triển phù hợp

Lý giải cho sự chậm trễ trên, đại diện Tổng liên đoàn lao động Việt Nam đã chỉ ra hàng loạt những bất cập hiện nay. Thứ nhất là thiếu đất “sạch” vì trong quá trình phát triển xây dựng KCN thì chủ đầu tư và cơ quan thẩm định đã không tính đến quy hoạch đất để làm nhà ở.

Thứ hai, nhà nước không đầu tư vốn xây dựng nhà ở cho công nhân lao động trong các KCN. Trong khi đó, các chính sách ưu đãi cho các chủ đầu tư xây nhà ở cho công nhân lại chưa đủ sức thu hút. Bên cạnh đó, chúng ta cũng chưa có quy định bắt buộc các doanh nghiệp sử dụng lao động phải có trách nhiệm tham gia xây dựng nhà ở cho công nhân…

Chính vì vậy, để tháo gỡ những vướng mắc trên, đa số ý kiến tại hội thảo đều cho rằng phát triển nhà ở cho công nhân lao động, không thể thiếu sự tham gia của các doanh nghiệp cùng với sự điều tiết, quản lý điều hành của Nhà nước.

Ông Nguyễn Trần Nam, Thứ trưởng Bộ xây dựng cho hay, Bộ Xây dựng đã kiến nghị Chính phủ hình thành quỹ tiết kiệm nhà ở, quỹ tín thác đầu tư và vay vốn từ ngân hàng chính sách Trung Quốc. Đây sẽ là các kênh tài chính quan trọng, hỗ trợ và tạo nguồn lực để phát triển nhà ở cho công nhân tại các khu và cụm công nghiệp

Tiến sỹ Phạm Sỹ Liêm, Phó Chủ tịch Tổng hội Xây dựng đã đề xuất: Nhà nước cần quản lý việc phát triển, xây dựng nhà ở cho công nhân lao động; nên khuyến khích sự tham gia đầu tư của khối tư nhân thông qua mô hình hợp tác công tư (PPP) để tạo thêm nguồn lực phát triển nhà ở công nhân, thậm chí phải trích một phần từ nguồn thu thuế từ các nhà máy và khu công nghiệp.

Ngoài ra, ông Đặng Hoàng Huy, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc Công ty cổ phần bê tông và xây dựng Vinaconex Xuân Mai cũng kiến nghị, Nhà nước cần có chính sách và hướng dẫn ưu tiên cho các dự án xây dựng nhà ở công nhân. Các doanh nghiệp cần được tập huấn đào tạo để hiểu và làm đúng các chính sách ưu đãi về nhà ở xã hội. “Đặc biệt, nên sớm có cơ chế tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp đã đầu tư tiền vốn xây dựng nhà ở công nhân.” – ông Huy nói.

Lan Hương

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm