“Nhà nước không nên can thiệp vào thị trường chứng khoán”
Sự phát triển nóng của chứng khoán khiến cơ quan quản lý không ngừng phát đi lời cảnh báo. Tuy nhiên, trao đổi với báo chí mới đây, Vụ trưởng Vụ Chiến lược phát triển ngân hàng (Ngân hàng Nhà nước) Lê Xuân Nghĩa khẳng định, Nhà nước sẽ không can thiệp trực tiếp vào thị trường.
Theo ông, sắp tới thị trường chứng khoán sẽ phát triển như thế nào?
Theo tôi, tương lai của thị trường chứng khoán mới nổi như Việt Nam sẽ còn phát triển mạnh hơn nữa. Chính vì vậy, một cơ quan có chức năng giám sát thị trường tài chính sẽ được hình thành nhưng chỉ được phép giám sát về mặt vĩ mô chứ không can thiệp, kìm hãm sự phát triển của thị trường này. Theo tôi, sự phát triển của thị trường ấy không có gì để phải kìm hãm.
Chính phủ sẽ chú ý hơn đến việc bảo vệ thị trường chứng khoán. Ngân hàng Trung ương sẽ xây dựng thị trường tiền tệ liên thông với thị trường vốn cũng như tiến hành những cải cách liên quan như giao dịch tự động, khớp lệnh tự động..., để đáp ứng số lượng nhà đầu tư rất lớn đang dồn dập đổ vào thị trường.
Vậy tiến trình cổ phần hoá hàng loạt ngân hàng quốc doanh sẽ mở ra cơ hội gì cho thị trường chứng khoán, thưa ông?
Trong năm 2007, khoảng 20 tập đoàn lớn sẽ cổ phần hoá, 1/3 trong số đó sẽ niêm yết. Dự báo từ tháng 7/2007 đến cuối năm nguồn cung thị trường sẽ tăng mạnh. Đặc biệt khi Ngân hàng Ngoại Thương (Vietcombank) phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng. Cuối quý 4 năm nay, Ngân hàng đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Phát triển nhà Đồng bằng Sông Cửu Long (MHB) và Ngân hàng Công thương (Incombank) cũng sẽ cổ phần hoá.
Có nhiều tập đoàn tài chính đang thăm dò thị trường Việt Nam, đó là dấu hiệu cho thấy có 1 dòng vốn lớn sắp đổ vào thị trường. Sự tăng trưởng đồng đều ở cả cung lẫn cầu sẽ khiến cho thị trường chứng khoán phát triển bền vững, không đột biến như hồi năm 2002, 2003.
Tuy vậy, hiện nay giá nhiều cổ phiếu ngân hàng chưa phản ánh đúng giá trị thực của nó. Nguyên nhân, theo tôi, là do quy định tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài chỉ được tối đa 30% khiến các nhà đầu tư ngoại không mặn mà lắm với cổ phiếu này.
Tình hình làm ăn khấm khá khiến các ngân hàng Thương mại Cổ phần chia cổ tức rất cao. Việc chia cổ tức nhiều về lâu về dài có tốt không, thưa ông ?
Cá nhân tôi nghĩ việc chia cổ tức nhiều là không tốt. Bởi tỷ lệ lãi ròng trên số vốn tự có do nhiều yếu tố cùng hình thành như tỷ lệ cổ phiếu trên tổng tài sản thấp, lương rẻ ...tạo ra cơ hội kiếm lời tốt cho các ngân hàng. Bên cạnh đó, tỷ lệ nợ xấu tính theo chuẩn Việt Nam còn thấp, lợi nhuận cao, nếu tính theo chuẩn quốc tế thì chưa chắc đã được như thế.
Tuy vậy, việc chia cổ tức cao sẽ làm giá trị cổ phiếu đội lên. Mặc dù vậy, đó chỉ là giải pháp ngắn hạn, về lâu về dài sẽ không tốt. Bởi nếu giữ lại để tái đầu tư tương lai phát triển ngân hàng sẽ phát triển tốt hơn.
Vậy việc cho phép thành lập ngân hàng 100% vốn nước ngoài tại Việt Nam vào 4/2007 theo cam kết WTO sẽ ảnh hưởng thế nào đến việc kinh doanh của các ngân hàng nội, thưa ông ?
Theo tôi, trong năm nay vẫn chưa ảnh hưởng gì nhiều. Bởi các ngân hàng ngoại sẽ nghiên cứu thật kỹ thị trường cũng như xây dựng mạng lưới tín dụng rộng khắp trước khi vào Việt Nam. Bởi tín dụng chính là hoạt động chủ yếu của các ngân hàng, mà đối tác của họ chỉ là số ít những công ty có vốn nước ngoài hoặc công ty liên doanh liên kết.
Thực tế, trong suốt 15 năm có mặt tại Việt Nam, chưa có ngân hàng ngoại nào dám cho doanh nghiệp trong nước vay vốn bởi tỷ lệ rủi ro cao cũng như họ chưa tin vào công ty Việt. Bởi vậy, họ phải có lộ trình chuẩn bị một vài năm trước khi đổ bộ vào thị trường mới. Đó chính là thời gian cho các ngân hàng nội chuẩn bị.
Theo Ánh Hồng
Vnexpress