Nhà nông Việt và những “quả đắng” với tư thương Trung Quốc

(Dân trí) - Gần đây, một số tỉnh ở phía Nam lại xuất hiện tình trạng thương lái Trung Quốc thu mua ồ ạt các mặt hàng phụ phẩm nông nghiệp được xem là “dị biệt” như: lá, rễ cây ...

Hình thức mua bán của tư thương Trung Quốc dạng này phần lớn là theo đường tiểu ngạch, không có hợp đồng, giá cả trao tay và chỉ một người mua nên rất rủi ro. Chiêu thức quen thuộc của họ vẫn là lúc đầu đẩy giá mua lên rất cao sau đó khi người dân “ôm hàng” hoặc trồng số lượng lớn, họ bỏ giá rẻ hoặc "biến mất" không dấu vết. Dẫu biết vậy nhưng không ít người vẫn ngậm "quả đắng".

Nhà nông Việt và những “quả đắng” với tư thương Trung Quốc
Nhiều thương lái Trung Quốc trong những năm qua đã khiến nông dân Việt Nam ngậm trái đắng với những chiêu trò của thương lái Trung Quốc

Thả ốc bưu vàng, diệt tiểu hổ

Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
Đầu tiên phải kể đến hình thức “mua giá cao” của thương lái Trung Quốc đối với người dân Việt Nam trong vụ mua ốc bưu vàng năm 1992 - 1995. Ốc bưu vàng là sinh vật ngoại lai gây hại cho nông nghiệp, tuy nhiên vào thời điểm những năm 1992 trở đi thương lái Trung Quốc thu mua với giá cao nên người dân các tỉnh Đồng bằng sông Hồng và Sông Cửu Long đổ xô đi nuôi ốc bưu vàng tại các ao,hồ, đầm và bất cứ đâu có thể nuôi được.

Chỉ sau một thời gian, ốc bưu vàng sinh trưởng nhanh, đẻ trứng và xâm hại khắp các cánh đồng của Việt Nam. Lúc này, các thương lái Trung Quốc mua giá rẻ rồi ngừng mua khiến bao cánh đồng của người nông dân chịu đại nạn ốc bưu vàng tàn phá mùa màng.
 
Sau ốc bưu vàng, tư thương Trung Quốc lại đẩy mạnh mua móng trâu tại miền núi phía Bắc. Khi ấy, 4 móng trâu giá gần bằng 1 con trâu nên xuất hiện phong trào “giết trâu lấy móng”, “cắt móng trâu” ở nhiều vùng núi, đồng bằng khi trâu được chăn thả không người bảo vệ. Chỉ thời gian ngắn, thông tin “móng trâu” làm thuốc mà Trung Quốc mua giá cao đã đẩy bao “đầu cơ nghiệp” của người nông dân Việt Nam chết oan, số lượng trâu giảm mạnh.

Vào những năm 1997, tư thương Trung Quốc lại thúc đẩy mua mèo nhà số lượng lớn, giá cao với lý do dẹp nạn đại dịch chuột tại miền nam Trung Quốc. Theo nhiều người dân kể lại, một con mèo khi ấy giá bán bằng cả 1 chỉ vàng khiến nạn săn bắt mèo bùng phát. Người ta lùng sục khắp làng trên xóm dưới để bắt hoặc bẫy mèo nhà, mèo rừng bán sang Trung Quốc. Số lượng mèo suy giảm nghiêm trọng và rất đau lòng khi đại dịch chuột tại Việt Nam đã diễn ra chỉ sau 1 năm 1999.

Sau đó, người dân cuống cuồng đi mua thuốc diệt chuột và những chai thuốc diệt chuột có dòng chữ “Made in China” được lưu hành rộng rãi tại các vùng nông thôn của Việt Nam. Mua mèo tận gốc, bán thuốc chuột giá cao. Dân Việt lại mắc mưu của gian thương.

Ngoài các con vật nuôi trong gia đình, gần đây một số địa phương trong cả nước phát hiện thương lái Trung Quốc mua những loại con giống nông nghiệp với số lượng lớn và giá cực cao ở một thời điểm, điển hình như cá sấu, tôm nguyên liệu hòng “phá” các doanh nghiệp chế biến trong nước không có nguyên liệu để xuất khẩu.

Vặt lá cây, đào rễ - củ

Ngoài các giống vật nuôi bị mua, gần đây, xuất hiện rất nhiều chiêu trò mới của thương lái Trung Quốc như mua lá cây, rễ, củ quả của cây trồng nông nghiệp, cây dược liệu ở nhiều nông thôn, vùng hẻo lánh. Cuối năm 2012, thương lái Trung Quốc đẩy giá mua cây kim cương 1 triệu đồng/kg. Người dân ở một số xã của huyện Kon Plông – Kon Tum đổ xô vào những cánh rừng già, rừng đặc dụng đào cây kim cương để bán khiến lượng cây này sụt giảm và trở thành thực vật thuộc nhóm quý hiếm trong sách đỏ IA cần phải bảo tồn.

Cũng năm đó, tại Hậu Giang, tư thương Trung Quốc đặt mua lá sắn non không rõ mục đích với giá từ 1 – 1,5 triệu, với số lượng lớn. Người trồng sắn thay vì lấy củ bán cho các nhà máy đã bứt lá bán cho thương lái. Chỉ sau một thời gian, vùng trồng sắn tăng diện tích, lá sắn rẻ, thương lái Trung Quốc ngừng mua, sắn bị bứt lá không có củ, nhà máy không có sắn nguyên liệu.

Năm 2013, thương lái Trung Quốc đến Tây Nguyên để thu mua gốc, rễ cây hồ tiêu - một cây công nghiệp chủ lực của các tỉnh như Gia Lai, Kim Tum… với giá 40.000 đồng/kg. Thấy quá hời, nhiều người dân đã phá bớt những cây tiêu, đào trộm rễ để bán khiến nhiều diện tích tiêu bị triệt hạ.

Cũng năm 2013 – 2014, tại vựa vải thiều Bắc Giang và 1 số tỉnh phía Bắc xuất hiện tình trạng dân tuốt lá vải xanh, lá khô bán cho thương lái Trung Quốc mà không biết lý do. Khi bị báo chí, dư luận lên tiếng, nhiều nhà khoa học và cơ quan chức năng cho biết, lá các loại cây như vải không có bất kỳ công dụng làm thuốc hoặc làm thức ăn nào. Sự cảnh báo của dư luận đã ngăn chặn tình trạng bán lá vải ồ ạt như lúc trước.

Hết cây trồng đến gỗ, tại Hà Nội và các tỉnh phía Bắc năm 2013, số lượng cây gỗ sưa đỏ ở các phố và các khu rừng phía Bắc bị chặt trộm rất nhiều. Đây là cây gỗ rất quý hiếm, sinh trưởng hàng chục thậm chí hàng trăm năm. Theo những người thạo tin, thương lái Trung Quốc mua gỗ sưa về làm hương liệu, gỗ đóng đồ quý hiếm, giá mua theo kg với hàng triệu đồng khiến các cây gỗ xưa giữa thủ đô Hà Nội luôn bị “sưa tặc” nhòm ngó.

Nguyễn Tuyền
Tổng hợp
 

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”