Nhà máy đạm Ninh Bình tái hoạt động, công nhân đi vòng quanh vớt xác cá
Sau thời gian đóng cửa dài ngày vì hỏng hóc, gây ô nhiễm môi trường, mới đây Nhà máy đạm Ninh Bình đã hoạt động trở lại. Tuy nhiên, chỉ sau 1 ngày vận hành, nhà máy tiếp tục có dấu hiệu gây ô nhiễm môi trường, công nhân phải đi vớt xác cá quanh nhà máy.
Cá chết khi nhà máy tái khởi động
Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Vũ Văn Nhẫn – Tổng giám đốc (TGĐ) Nhà máy Đạm Ninh Bình cho biết, dây chuyền sản xuất của nhà máy dừng hoạt động từ cuối tháng 3/2016. Đến ngày 1/6, Ban giám đốc phát lệnh triệu tập công nhân trở lại làm việc. Sau vài ngày tập huấn, tới ngày 5/6 nhà máy đốt lò tái khởi động dây chuyền sản xuất.
Cùng ngày, nhà máy có cuộc họp yêu cầu thanh tra, kiểm tra các vấn đề còn tồn tại. Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Công Thương - Trần Tuấn Anh yêu cầu Thanh tra Bộ phối hợp với Tập đoàn Hoá chất Việt Nam sớm quyết toán khâu đầu tư của dự án, báo cáo kịp thời để tìm hướng giải quyết, khắc phục. Kể từ đó tới ngày 18/6, Nhà máy Đạm Ninh Bình chính thức cho ra tấn urê đầu tiên sau thời gian dài tạm dừng máy móc để đại tu, sửa chữa, bảo dưỡng theo quy định.
Ông Vũ Văn Nhẫn cũng cho biết, việc vận hành lại nhà máy đến khi ra sản phẩm đã tiêu tốn cả chục tỷ đồng. Còn theo báo cáo của Nhà máy Đạm Ninh Bình, lỗ lũy kế tới nay lên tới trên 2.000 tỷ đồng. Hiện công tác vận hành, sản xuất của Nhà máy Đạm Ninh Bình bắt đầu đi vào ổn định với khoảng 60% công suất, tương đương 1.300 tấn urê/ngày.
Điều đáng nói, chỉ sau ít ngày khởi động trở lại, Nhà máy Đạm Ninh Bình có dấu hiệu tiếp tục gây ô nhiễm môi trường, khi xuất hiện hiện tượng cá chết hàng loạt trên kênh điều hoà bao quanh nhà máy. Công nhân đã được huy động đi vớt xác cá. Cho rằng Nhà máy Đạm Ninh Bình là nguyên nhân gây ô nhiễm, người dân xã Khánh Phú, Yên Khánh đã tố cáo vụ việc đến cơ quan chức năng và phản ánh đến báo chí.
Trước đó, vụ cá của nhiều hộ dân xã Khánh Phú bị chết vào cuối tháng 4 đầu tháng 5/2016, thủ phạm được xác định là Cty TNHH Công nghiệp Chia Chen (sản xuất ốc vít - Đài Loan) và Cty Cổ phần Bình Điền Ninh Bình (sản xuất phân lân), song đến nay cơ quan chức năng chưa công bố rõ nguyên nhân, mức độ ô nhiễm khiến người dân hoang mang, lo lắng.
Ông Lê Văn Chính ở xã Khánh Phú nói: “Việc các Cty xả thải gây ô nhiễm không khí, nguồn nước và tiếng ồn khiến người dân ăn không ngon ngủ không yên.
Theo ông Chính hiện gia đình có khoan giếng nhưng không dám dùng vì sợ chất độc ngấm xuống mạch nước ngầm. Việc ô nhiễm xảy ra thường xuyên khiến người dân phải lập facebook chụp ảnh, quay clip để tố cáo”.
Giá đạm thế giới tăng cao mới có lãi
Ông Nguyễn Văn Minh - Phó TGĐ Nhà máy Đạm Ninh Bình cho biết, thời gian tới, bên cạnh việc tập trung cho thị trường chính, chủ lực là miền Bắc và miền Trung, Đạm Ninh Bình bắt đầu đưa sản phẩm vào khu vực Tây Nguyên, Đông Nam Bộ và ĐBSCL…từng bước tháo gỡ dần các khó khăn, thách thức đang gặp phải.
Số liệu từ Cục Quản lý giá (Bộ Công thương) thấy, giá phân đạm thế giới quý I/2016 ở mức 194 - 255 USD/tấn, giảm 69 USD/tấn so với quý I/2015. Do giá đạm thế giới thấp, nên lượng phân đạm nhập khẩu vào Việt Nam tăng nhanh.
Tính từ đầu năm 2016 đến ngày 15/5/2016, đã có 165.875 tấn urea được nhập khẩu, trong khi cùng kỳ năm 2015 chỉ có 59.845 tấn urea được nhập khẩu.
Năng lực sản lượng phân đạm của Nhà máy Đạm Phú Mỹ, Đạm Cà Mau, Đạm Ninh Bình và Đạm Hà Bắc hiện là 2,66 triệu tấn, cao hơn nhu cầu 2,2 - 2,3 triệu tấn urea tiêu thụ hằng năm. Do đó, lượng phân đạm sản xuất trong nước đã vượt so với nhu cầu tiêu dùng.
Giá urea thế giới tháng 4/2016 bình quân là 235 USD/tấn, nhưng sang tháng 5/2016 đã nhích lên mức 246 USD/tấn. Nếu giá đạm thế giới tăng lên trên 300 USD/tấn, thì sản xuất của Đạm Ninh Bình mới có lãi và có thể nhanh chóng xóa khoản lỗ lũy kế – ông Chu Văn Tuấn (Phó Tổng giám đốc Tập đoàn Hoá chất VN) nhận định.
Nhà máy đạm Ninh Bình khởi công năm 2008 với vốn đầu tư 647 triệu USD. Ngay năm đầu hoạt động 2012, nhà máy lỗ 75 tỷ đồng, năm 2013 lỗ 759 tỷ, năm 2014 và 2015 lần lượt lỗ 500 tỷ và 370 tỷ. Tương tự, Nhà máy đạm Hà Bắc khởi công dự án cải tạo và mở rộng năm 2010, tổng mức đầu tư hơn 568 triệu USD. Dự án hoàn thành và đi vào hoạt động năm 2015, ngay năm này, nhà máy báo lỗ 665 tỷ đồng. Theo kế hoạch, kể từ năm 2017 nhà máy này mới có lãi và đến năm 2019 mới cắt lỗ lũy kế.
Theo Minh Đức
Tiền Phong