Nhà giàu Trung Quốc chơi ngông, ăn thịt cọp mới sang!
Những trại nuôi cọp mọc lên, đáp ứng nhu cầu uống rượu cọp ngâm và ăn thịt cọp mới sang của nhà giàu Trung Quốc chơi ngông, đẩy loài “mèo hoang” này vào nguy cơ tuyệt chủng, khi lâm tặc săn cọp khắp châu Á để đáp ứng chuyện “giải quyết khâu oai” này.
Trại chủ yếu phục vụ nhà giàu Trung Quốc chơi ngông bằng cách cung cấp các “đặc sản hạng sang” như thịt cọp, rượu cọp ngâm, da cọp làm thảm trưng trong nhà để khoe phú quý.
Trại có tổ chức “show” diễn chuyện dạy cọp 2 suất/ngày trong một sân khấu 1.000 chỗ nhưng hoang tàn, xuống cấp.
Trại tư nhân Xiongshen được lập năm 1993, bởi Zhou Weisen, một cựu nông dân nuôi vịt và rắn hổ. Ông nhận được sự đầu tư của Tổng cục lâm nghiệp TQ (SFA).
Đây là cuộc cạnh tranh với một trại nuôi cọp quốc doanh ở tỉnh Hắc Long Giang (bắc TQ) đã được lập từ năm 1986.
Hai nhà báo Washington Post ghi nhận vào một ngày nọ, chỉ có 5 du khách đến đây, mỗi người chi khoảng 7 USD mua vé vào cổng.
Trại Xiongshen nuôi 1.000 cọp (du khách chỉ trông thấy khoảng 200 con) và 500 gấu được nuôi hợp pháp để trích lấy mật làm rượu mật gấu.
Trong một tòa nhà, mặt hàng chính của trại được bày bán: các chai rượu hình con cọp, nêu những thành phần là “xương của các thú quý” và sư tử châu Phi.
Ngay cả cái tên “rượu hổ cốt” cũng cho thấy việc muốn cho người tiêu dùng biết đó là rượu cọp ngâm dù không nói ra.
Trong thành phố Guilin cũng có nhiều tiệm bán lẻ, rao rằng chai rượu hình cọp có chứa rượu xương cọp ngâm.
Một chai rượu này thường được ủ 3 năm, bán giá 80 USD, có chai ủ 6 năm giá 155 USD và chai ngâm 8 năm có giá 290 USD.
Năm 2006, một nhà điều tra Quỹ quốc tế bảo vệ thú hoang (IFAW) vào được xưởng rượu của trại Xiongshen ở thị trấn Pingnan. Tay quản đốc khoe 400 thùng ngâm rượu, nói mỗi thùng ngâm nguyên một bộ cốt cọp.
Tay này còn nói một thùng dành riêng cho một cán bộ lãnh đạo địa phương.
Đó là những sản vật được săn lùng để giới nhà giàu khoe mẽ. Trò khoe giàu này khiến việc săn cọp trở thành một chuyện làm ăn béo bở khắp châu Á, vì bắn chết một con cọp và buôn lậu da cọp và các bộ phận cơ thể cọp qua biên giới, thì rẻ tiền hơn là nuôi cọp bắt sống, và người tiêu dùng cũng thích ăn thịt cọp.
Bà Debbie Banks của Ủy ban điều tra môi trường (EIA) nói: “Ngành nuôi cọp viện lẽ rằng các sản vật từ cọp sẽ đáp ứng thị trường, làm giảm sức ép lên cọp hoang. Đấy là một lý lẽ kỳ quái và trở thành một thảm họa cho loài cọp”.
Hiện số cọp toàn thế giới tạm ổn định trong vài năm gần đây, nhưng vẫn thấp đến khủng khiếp. Và cọp hoang chết rất nhiều ở Ấn (vùng cư trú chính của chúng) do lâm tặc bắn cọp để đáp ứng nguồn cầu ở TQ.
Trước sức ép của thế giới, TQ cấm mua bán xương cọp và sừng tê giác từ năm 1993. Các lương y của ngành y học dân tộc TQ đã loại những bộ phận cơ thể cọp khỏi danh mục thuốc của họ.
Các nhà bảo vệ môi trường nói những động thái này đã làm giảm nguồn cầu, giúp ổn định số cọp Siberia ở vùng Bắc Á.
Nhưng từ đó, ngành nuôi cọp bắt đầu cất cánh.
Cọp dễ nuôi trong tình trạng bị bắt, số cọp tăng từ vài trăm lên vài ngàn con. Nay có khoảng 5.000 đến 6.000 cọp trong 200 trại tại TQ, chủ yếu là cọp chào đời trong tình trạng bị bắt.
Từ khi lập các trại nuôi cọp, các quan chức bảo vệ thú hoang TQ vận động quốc tế dỡ bỏ lệnh cấm sử dụng xương cốt cọp, với lý lẽ rằng “TQ có quyền sử dụng nguồn tài nguyên thiên nhiên nội địa”.
Họ còn khẳng định rượu cọp ngâm (rượu gạo ngâm xương cọp, đang bán chạy) có tính năng trị bệnh và là một phần trong văn hóa Trung Hoa.
Họ nói việc mua bán có thể quản lý hiệu quả, nhằm làm giảm nguồn cầu bộ phận cơ thể cọp hoang.
Dù đa phần thế giới không đồng ý với những “luận chứng” trên, xem ra TQ cứ làm tới. Nhiều cuộc điều tra trong 10 năm qua của EIA và IFAW, cùng điều tra riêng của báo Washington Post cho thấy: ngành rượu cọp ngâm đang bùng nổ, với sự ủng hộ của SFA.
Theo Trần Trí