Nhà giàu Trung Quốc “câu” đối tác bằng máy bay riêng

Đưa khách hàng tiềm năng tới thăm hầm mỏ bằng phi cơ riêng đã giúp đem về vô số hợp đồng làm ăn béo bở cho một ông chủ mỏ ở Trung Quốc.

Khi ý tưởng về những chiếc máy bay tư nhân bắt đầu phổ biến ở Trung Quốc cách đây 1 thập kỷ, hàng không xa xỉ được xem là "không thể với tới" đối với đại bộ phận dân cư. Cho tới thời điểm này, máy bay riêng đang dần trở thành biểu tượng của giới nhà giàu mới nổi Trung Quốc. Tuy nhiên, nhiều người vẫn còn đặt câu hỏi về mục đích sở hữu một thứ đắt tiền đến vậy.

 

Trong nỗ lực tìm kiếm câu trả lời, Nhật báo Tuổi trẻ Bắc Kinh đã thực hiện cuộc phỏng vấn với một nhóm đặc biệt - những người giàu có sở hữu máy bay riêng.

 

Jason Liao, Chủ tịch kiêm CEO Tập đoàn China Business Aviation, là một trong những người đầu tiên ở Trung Quốc bán máy bay riêng. Năm 1991, ông đặt chân vào lĩnh vực kinh doanh đầy thử thách này.

 

Liao cho biết, sau đại dịch SARS bùng nổ năm 2002-2003, phân khúc cho thuê máy bay riêng bắt đầu thời kỳ hưng thịnh. Rất nhiều doanh nhân giàu có do lo sợ bị nhiễm virus SARS trên các chuyến bay đông đúc nên không tiếc tiền thuê máy bay riêng.

 

Bên trong một công ty máy bay tư nhân ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông.
Bên trong một công ty máy bay tư nhân ở Chu Hải, tỉnh Quảng Đông.

 

Vào khoảng năm 2008-2009, những thay đổi cơ bản diễn ra trên thị trường hàng không Trung Quốc, ngay sau thời điểm khủng hoảng kinh tế toàn cầu khởi phát và lan rộng. Kết quả là nhiều hãng hàng không chịu ảnh hưởng nghiêm trọng, dẫn tới làm ăn thua lỗ và giá máy bay thương gia sụt giảm một nửa.

 

Nhưng cũng thời điểm đó, nhiều người Trung Quốc bứt phá khỏi tầng lớp trung lưu, trở thành nhóm nhà giàu mới nổi. Một vài người trong số học bắt đầu mua máy bay riêng khi đồng nhân dân tệ tiếp tục tăng giá. Từ năm 2009, thị trường hàng không Trung Quốc trải qua thời kỳ thịnh vượng với mức tăng trưởng hàng năm lên tới 100%.

 

Tờ Nhật báo Tuổi trẻ Bắc Kinh trích lời một ông chủ hầm mỏ - người đã chi 10 triệu USD để mua một chiếc máy bay phục vụ công chuyện làm ăn - cho biết, máy bay được sử dụng để chuyên chở các khách hàng tiềm năng tới khu mỏ của. Kết quả là hàng tá đơn đặt hàng trị giá nhiều tỷ nhân dân tệ đã tới tấp đổ về công ty.

 

Ngày càng nhiều doanh nhân quyết định mua máy bay riêng vì nhận thấy tác dụng của nó trong việc khẳng định sức mạnh tài chính và thể hiện sự thành công trong kinh doanh.

 

Trên thực tế, doanh nhân Trung Quốc thường dành nhiều thời gian thiết lập quan hệ làm ăn với khách hàng tiềm năng thông qua các bữa ăn nhà hàng, quán karaoke, phòng hội nghị… Một cuộc gặp “kín” và đẳng cấp được cho là rất phù hợp khi diễn ra trên máy bay riêng.

 

Để đáp ứng nhu cầu tăng cao từ nhóm khách hàng VIP, đa phần các công ty cung cấp dịch vụ máy bay thương gia đều tân trang các mẫu máy bay sao cho nội thất mang tính Trung Hoa nhất.

 

Máy bay riêng được doanh nhân giàu có Trung Quốc sử dụng như một cách để câu kéo đối tác tiềm năng.
Máy bay riêng được doanh nhân giàu có Trung Quốc sử dụng như một cách để câu kéo đối tác tiềm năng.

 

Zhau Jiahua, Chủ tịch Tập đoàn China Stem Cell Health, là doanh nhân đầu tiên mua một chiếc máy bay riêng ở nước này.

 

 Năm 2001, Zhai, khi đó 41 tuổi, được tạp chí Forbes bình chọn trong danh sách “100 người giàu nhất Trung Quốc đại lục” với tài sản trị giá 850 triệu nhân dân tệ.

 

Ông sở hữu 300 bệnh viện khắp đất nước và 4.000 nhân viên. Chiếc máy bay Zhai mua mang tên Hawker 800.

 

Hiện tại, ông chủ danh tiếng đã có trong bộ sưu tập của mình 2 chiếc máy bay Bombardier và còn dự định tậu thêm 3 chiếc nữa. Zhai cho biết: “Máy bay riêng của tôi thực sự chỉ để phục vụ mục đích công việc mà thôi”.

 

Số liệu thống kê cho thấy ngành kinh doanh máy bay riêng ở Trung Quốc có khoảng 150.000 khách hàng tiềm năng. Họ chủ yếu chọn mua máy bay trực thăng và máy bay phản lực.

 

Dự kiến, Trung Quốc sẽ qua mặt Mỹ về số lượng người sở hữu máy bay riêng lớn nhất thế giới trong vòng 10 năm nữa.

 

Theo Huyền Trang

VTCNews/Beijing Youth Daily