Trung Quốc:
Nhà giàu chán quê, triệu đô mua danh phận ngoại quốc
Những nhà giàu TQ cảm thấy bất an, chán sống trong nước đang đổ hàng triệu USD để đầu tư ra nước ngoài mà mục tiêu lớn nhất chưa hẳn là kiếm lãi mà muốn có một danh phận, chỗ đứng đầy đủ pháp lý ở nước ngoài.
Mang tỷ đô ra nước ngoài
Đây là một vụ thâu tóm lớn nhất của Trung Quốc đối với một công ty của Mỹ. Shuanghui đang dần dần đổi tên Smithfield thành WH Group Ltd.
Tờ WantChinaTimes hôm 11/8 cho biết, tập đoàn giải trí và bất động Dalian Wanda của tỷ phú Trung Quốc Wang Jianlin đã công bố sẽ đầu tư 1,2 tỷ USD để xây dựng một tòa tháp lớn tại Beverly Hills, Los Angeles để thâm nhập vào thế giới giải trí kinh doanh Hollywood.
Nhà giàu mang tiền tỷ ra nước ngoài |
Tập đoàn Greenland Group Co. (Thượng Hải) gần đây cũng đã đầu tư dự án căn hộ cao cấp lớn nhất ở khu trung tâm Los Angeles (Mỹ) và một dự án căn hộ lớn khác trị giá 400 triệu USD ở trung tâm Toronto, Canada và đang chuẩn bị cho một dự án tương tự khoảng 3 tỷ USD ở Sidney, Australia.
Rất nhiều đại gia người Hoa đã đầu tư hàng tỷ USD để kinh doanh ở nước ngoài.
Theo tờ Theguardian, ông trùm BĐS Trung Quốc Zhang Xin là người dẫn đầu một nhóm đầu tư 1,4 tỷ USD để mua tòa nhà văn phòng 50 tầng của General Motors hồi năm ngoái. Công ty Fosun International Ltd's cũng mua tòa One Chase Manhattan Plaza giá 725 triệu USD từ JP Morgan Chase… Hay như trường hợp tỷ phú giàu nhất Hong Kong Li Ka Shing, ông cũng là người đã đầu tư rất nhiều dự án tại Canada.
Trong năm 2013, theo tờ South China Moring Post, tổng đầu tư của Trung Quốc vào Mỹ tăng gấp đôi so với năm liền trước và tăng gấp khoảng 15 lần so với thời kỳ trước năm 2008, lên 14 tỷ USD. Hoạt động mua lại của Trung Quốc tại Mỹ cũng đã đạt 8 tỷ USD.
Một nghiên cứu của Boston Consulting cho thấy, các cá nhân người Trung Quốc đã mang ra nước ngoài số tài sản khoảng từ 450 đến 658 tỷ USD và con số này có thể tăng lên gấp đôi trong vòng 3 năm tới. Còn theo Bnak ò China và Hurun, hơn một nửa số triệu phú người Hoa đã tìm cách ra nước ngoài.
Không chỉ đầu tư hoặc/và vào Mỹ và Canada hay Australia sinh sống, theo Reuters, các doanh nhân Trung Quốc còn hướng tới các quốc gia châu Âu như Italy, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Hy Lạp, Cyprus… Theo đó, có những vùng công nghiệp phát triển nhất của các nước này, số lượng DN Trung Quốc đăng ký hoạt động cũng như vốn đăng ký luôn ở vị trí nhất nhì.
Ở Italy, số lượng DN Trung Quốc đã tăng khoảng 1,5 lần so với năm 2008 và tập trung nhiều trong lĩnh vực dệt may, bán lẻ, khách sạn..
Mua chốn an thân
Sự hiện diện của các doanh nhân người Hoa trên các lĩnh vực và khắp nước Mỹ cũng như các nước khác khiến không ít người lo ngại. Tuy nhiên, không ít phân tích cho rằng, sự bùng nổ của dòng vốn đầu tư từ Trung Quốc sang nhiều nền kinh tế phát triển trong đó có Mỹ, Canada, Anh… là theo quy luật kinh tế.
Giới doanh nhân người Hoa thấy được cơ hội tại các thị trường phát triển, thấy được những thị trường tiềm năng và quan trọng hơn là sự ổn định tại các môi trường đầu tư kinh doanh này. Không ít người Hoa giàu có dịch chuyển dòng vốn đầu tư và khối tiền của kếch sù của mình sang Mỹ hay Canada… là bởi họ muốn đảm bảo sự phát triển lâu dài và để bảo vệ tài sản của mình.
Nhà giàu TQ ở nước ngoài |
Tất nhiên, Bắc Kinh, ở nhiều góc độ, cũng khá lo ngại về hiện tượng chảy máu ngoại tệ, chảy máu dòng vốn và “chảy máu” nhà giàu. Một trong các quy định được Bắc Kinh áp dụng từ lâu nay là hạn chế số tiền mà người dân có thể chuyển ra nước ngoài không quá 50.000 USD một năm.
Tuy vậy, việc ngăn chặn dòng tiền đầu tư cũng như dòng tiền chảy ngầm phi pháp ra nước ngoài không dễ. Ngoài các biện pháp thủ công như giấu tiền, nhờ mang tiền ra nước ngoài, giới nhà giàu Trung Quốc còn rất nhiều các biện pháp khác để mang tiền ra nước ngoài như việc nhập tịch các quốc gia như Mỹ, Canada, Australia… hay thậm chí rửa tiền qua các tác phẩm nghệ thuật… Một số người còn tìm cách trở thành công dân Hong Kong để tránh những quy định ngặt nghèo.
Có một thực tế là, giới nhà giàu Trung Quốc đang ồ ạt đầu tư ra nước ngoài vào rất nhiều các lĩnh vực với số tiền rất lớn mà hiệu quả thì chưa được kiểm định. Hồi tháng 7 vừa qua, giới nhà giàu khoảng 1.500 người Trung Quốc và Hong Kong thậm chí còn kiện chính phủ Canada và yêu cầu bồi thường 18 tỷ USD vì đã đột ngột dừng chính sách “Đầu tư để nhập cư” khiến nhiều người giàu Trung Quốc khốn đốn vì mất đường định cư ở nước này.Họ là những doanh nhân giàu có nhưng họ đã thực sự thất vọng vì quyết định này bởi họ theo đuổi nhập cư vào Canada vì tin rằng ở đây có nhiều điều kiện tốt hơn và Canada là một đất nước của tự do, công bằng và thân thiện.
Có thể thấy, xu hướng dòng vốn Trung Quốc chảy mạnh ra nước ngoài là ngày càng mạnh lên. Nó khiến không ít người e ngại những cũng không ít doanh nghiệp đang tận dụng để “săn đầu người các triệu phú Trung Quốc” như ở Australia. Sự dịch chuyển của dòng tiền trên thế giới là liên tục bởi đó chính là sự lựa chọn của con người. Các nhà đầu tư và những người giàu có luôn theo nguyên tắc tối đa hóa lợi nhuận và tối đa hóa sự tốt đẹp cho cuộc sống của mình.