1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nhà đầu tư “thanh lọc” cổ phiếu OTC

Sau những tháng ngày nếm đủ “vị đắng” từ thị trường OTC, giới đầu tư vào thị trường này đang bắt đầu “đãi cát tìm vàng” bởi trong số hơn 1.000 loại cổ phiếu OTC có mặt trên thị trường không ít loại chỉ là “thùng rỗng kêu to”.

Ngay cả khi thị trường niêm yết đã “xanh” liên tiếp hai tuần qua, nhiều cổ phiếu OTC vẫn không thể “ăn theo” vì thực lực quá yếu của mình...

Trước tháng 4/2007, hầu như bất kỳ công ty nào bán cổ phần dù lớn hay nhỏ, làm ăn chưa biết ra sao cũng đều được dân chơi chứng khoán tranh nhau mua vào. Đến cả quyền mua, hứa bán cũng được mua cho bằng hết.

Nhưng hiện nay cổ phiếu OTC được ưa chuộng và dễ giao dịch chỉ còn khoảng 40-50 loại và các quyền mua, lời hứa bán bằng giấy tay đã gần như hết thời. Được chuộng nhất là nhóm cổ phiếu OTC của các ngành: dầu khí, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, địa ốc và cao su.

Những cái tên như Dịch vụ kỹ thuật dầu khí, Đạm Phú Mỹ, Ngân hàng Quân đội, Emximbank, Ngân hàng Đông Á, Ngân hàng Phương Nam; chứng khoán Đại Việt, Âu Lạc, Kim Long, Hoàng Anh Gia Lai, Địa ốc Sài Gòn Thương tín, Cao su Đồng Phú... luôn là những  cổ phiếu OTC “hot” trong số 1.230 CP OTC đang được giao dịch trên thị trường.

Ông Nguyễn Ngọc Trường Chinh, trưởng bộ phận môi giới OTC của ACBS cho biết: “Chỉ có khoảng 50 loại cổ phiếu OTC trên tổng số 1.230 loại cổ phiếu OTC giao dịch dễ thành công vì gần đây các nhà đầu tư chọn lựa rất kỹ”.

Theo ông Chinh thì không chỉ các tổ chức, quỹ đầu tư mà nhiều nhà đầu tư cá nhân cũng chỉ đặt hàng các loại cổ phiếu  đã được thị trường “sàng lọc” và chứng minh có thực lực trong thời gian qua.

Nhà đầu tư đã biết tự chọn lọc

Ông Trịnh Hoàng Nam, Giám đốc môi giới công ty chứng khoán Sài Gòn (SSI) lý giải nguyên nhân nhiều loại cổ phiếu OTC bán không ai mua “sau một thời gian tranh mua tranh bán, giờ đây nhà đầu tư nhận ra không phải loại cổ phiếu nào cũng tìm được người mua khi đã lỡ ôm.

Ngay cả các cổ phiếu  của những công ty được đánh bóng như M., A., T., S... cũng khiến nhiều khách hàng dở khóc dở cười khi mua thoải mái nhưng bán mấy tháng trời không ai hỏi”.

Ngoài ra việc nhiều doanh nghiệp có cổ phiếu OTC làm “sứt mẻ” chữ tín như quá chậm giao sổ cổ đông, nhập nhằng cổ tức, liên tục tung tin “ảo”, thi nhau phát hành CP mới... đã khiến thị trường “tẩy chay” nhiều loại cổ phiếu  OTC.

Việc nhiều cổ phiếu OTC trước đây được đẩy lên cao nay trở về vị trí cũ như VINALOGIS (giá còn khoảng 25.000 đồng/cổ phiếu),VINACONEX 12 (25.000 đồng/ cổ phiếu), VIETCOM (18.000 đồng/cổ phiếu), Thủy điện Tây Bắc (26.000 đồng/ cổ phiếu), SAIGONTEL (12.000 đồng/cổ phiếu), Công trình bưu điện TPHCM (chưa đến 20.000 đồng/cổ phiếu)... đang là những dẫn chứng xác thực nhất.

Ngay cả những cổ phiếu  thuộc nhóm hút hàng như tập đoàn Sara, Alphanam, Hoàng Anh Gia Lai, Hòa Phát, Ngân hàng  Kiên Long, nhóm Sông Đà... cũng có lúc bị liệt vào dạng cần “xem xét kỹ” trước khi nhà đầu tư quyết định đầu tư.

TS Trần Hoàng Ngân, Trưởng khoa Ngân hàng - chứng khoán ĐHKT TPHCM cho rằng “đây là một tín hiệu tốt cho thấy nhà đầu tư đã tự điều chỉnh thị trường và khiến các công ty có cổ phiếu OTC phải trong sạch hoá các hoạt động của mình nếu muốn tồn tại lâu dài”.

Tại chợ chứng khoán OTC Nguyễn Công Trứ (Q.1 TPHCM), nhiều quyển danh mục dày cả trăm trang của các nhà môi giới tự do đã được cô đọng lại còn trên dưới 100 cái tên.

Bà Huỳnh Hồng Hạnh, môi giới tại đây từ 4 năm nay giải thích: “Loại cổ phiếu OTC nào tụi tui cũng kiếm được nhưng gần đây khách hàng chỉ mua bán chủ yếu những loại trong danh sách này, dân đầu cơ cũng ngại ôm xô bồ như trước nên anh đừng mua mấy loại cổ phiếu OTC không tên tuổi, khó bán lắm”.

Trong khi UBCKNN đang loay hoay tìm cách quản lý tốt, chặt nhất thị trường OTC sao cho thị trường này vẫn sôi động thì nhà đầu tư đã tự “đãi cát tìm vàng” vì chính túi tiền của họ. Nhiều cổ phiếu OTC nhảy vào thị trường “chụp giựt” dần dần đã bị nhận diện chân tướng và đang tự đào thải.

Nhà đầu tư lão làng Trần Công Nam (sàn SSI TPHCM) ví von: “Thị trường OTC cũng có quy luật của nó đấy dù chẳng ai quản nổi, quy luật đó là hàng chất lượng thấp dùng lâu ngày rồi sẽ lòi ra và chẳng ai dùng nữa thôi”.

Theo Hà Phan
Báo Tiền phong