Nhà đầu tư Nhật Bản hứng thú với M&A bất động sản tại Việt Nam

(Dân trí) - Theo báo cáo mới nhất từ JLL cho thấy, yếu tố tích cực thúc đẩy hoạt động M&A ở Việt Nam chính là triển vọng phát triển kinh tế khi tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao, 70% dân số trong độ tuổi 15-64, thu nhập khả dụng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh và tỷ suất sinh lợi hấp dẫn.

(Ảnh minh hoạ).
(Ảnh minh hoạ).

Theo báo cáo của các công ty nghiên cứu thị trường tại Diễn đàn M&A 2016 diễn ra hôm 18/8, bất động sản tiếp tục là một trong số những ngành chiếm tỷ trọng lớn trong các thương vụ M&A tại Việt Nam. Đây cũng là những lĩnh vực thu hút sự quan tâm của các nhà đầu tư nước ngoài cũng như các nhà đầu tư có tiềm lực trong nước.

Theo các chuyên gia, sự tăng trưởng nóng của bất động sản trong vài năm qua dẫn đến sự khan hiếm các vị trí đẹp tại các khu vực trung tâm, đặc biệt là Hà Nội, TPHCM, Đà Nẵng và cả những khu vực đang được đẩy mạnh du lịch như Phú Quốc, Nha Trang…, nên các thương vụ chuyển nhượng sẽ tiếp tục diễn ra và người mua là những nhà đầu tư có tiềm lực và thực sự quyết tâm.

Đáng lưu ý, ông Masataka Yoshida, Giám đốc điều hành cao cấp Recof Corporation cho biết, nhà đầu tư Nhật Bản ngày càng quan tâm hơn đến ngành xây dựng và bất động sản tại Việt Nam. “Chúng tôi đã nhận được số lượng ủy thác ngày càng lớn và vẫn thường tập trung vào các lĩnh vực liên quan đến người tiêu dùng”, ông Yoshida cho biết.

Còn theo ông Stephen Wyatt, Tổng giám đốc Công ty JLL Việt Nam cho biết, ngoài các nhà đầu tư đến từ Nhật Bản, thì các nhà đầu tư từ Hàn Quốc, HongKong, Singapore cũng đang tích cực tìm kiếm để sở hữu dự án bất động sản tại Việt Nam. Thông qua JLL, nhiều quỹ đầu tư nước ngoài đã “đánh tiếng” muốn gia tăng sự hiện diện tại Việt Nam dưới hình thức mua lại các dự án sẵn có, đặc biệt là các dự án đã sinh lời.

Báo cáo về M&A trong lĩnh vực bất động sản của JLL Việt Nam cũng cho thấy, yếu tố tích cực thúc đẩy hoạt động M&A ở Việt Nam chính là triển vọng phát triển kinh tế khi tăng trưởng GDP được duy trì ở mức cao, đạt mức 5,6% so với các nước trong khu vực. Mô hình nhân chủng học ở Việt Nam với 70% dân số trong độ tuổi 15-64, thu nhập khả dụng gia tăng, tốc độ đô thị hóa nhanh đặc biệt ở Hà Nội và TPHCM càng tăng tính hấp dẫn đối với thị trường này.

Quan trọng hơn hết, tỷ suất sinh lợi hấp dẫn ở một thị trường mới nổi như Việt Nam là một trong những yếu tố quan trọng trong các quyết định đầu tư.

Báo cáo JLL chỉ ra rằng, kể từ năm 2015 đến nay, khi giá thuê và công suất cho thuê của các tòa nhà văn phòng được cải thiện, đặc biệt với các tòa nhà văn phòng hạng A có chất lượng tốt, công suất cho thuê cao, vị trí đắc địa, đã tạo nên sự khan hiếm cho thị trường. Gần đây, có rất nhiều nhà đầu tư Nhật Bản tìm kiếm cơ hội đầu tư tương tự và chấp nhận tỷ suất sinh lợi dưới mức 8% nhưng vẫn rất hạn chế các tài sản phù hợp.​

Trong quý 1/2016, một nhà đầu tư Nhật Bản đã thực hiện nhận chuyển nhượng 70% cổ phần tòa nhà văn phòng A&B Tower (quận 1, TPHCM) với giá trị tương đương 47 triệu USD. Tiếp đó, trong quý 2/2016, Mapletree Investments đã mua lại khu phức hợp Kumho Asiana Plaza tại quận 1, TPHCM từ liên doanh Hàn Quốc là Kumho Industrial và Asiana Airlines với mức tỷ suất vốn hóa ước tính khoảng 9% cho toàn khu.

Tuy nhiên, theo JLL, phần lớn các nhà đầu tư nước ngoài vào thị trường Việt Nam muốn tìm kiếm các bất động sản đầu tư có dòng thu nhập ổn định, nhưng có rất ít cơ hội phù hợp. Nguyên nhân chủ yếu khan hiếm nguồn cung do các chủ đầu tư tòa nhà thường đang rất hài lòng với dòng thu nhập mang lại nên không muốn đưa tài sản chào bán kể cả khi nhà đầu tư sẵn sàng đưa ra một mức tỷ suất sinh lợi rất thấp để sở hữu tài sản.

Đối với các bất động sản dự án nhà ở, khu dân cư, thương mại, nhà đầu tư nước ngoài thường tìm kiếm các quỹ đất “sạch” (đất đã đền bù, giải phóng mặt bằng, tiền sử dụng đất đã được thanh toán hoặc xác định nghĩa vụ tài chính, quyền sử dụng đất được xác lập, quy hoạch rõ ràng). Tuy nhiên, các quỹ đất như yêu cầu này thường rất hạn chế do thị trường bất động sản của Việt Nam còn khá non trẻ.

Ngoài ra, hầu hết các bất động sản chào bán trên thị trường thường không công bố rộng rãi và chính thức dẫn đến khả năng tiếp cận các tài sản tốt là rất hạn chế, thường thông qua các đơn vị tư vấn.

Phương Dung