1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân
  3. VNDirect bị tấn công
  4. Lùm xùm nợ thẻ Eximbank 8,8 tỷ đồng

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh:

Nhà đầu tư chiến lược đóng góp thực sự vào việc đổi mới, quản trị doanh nghiệp

Sau thương vụ thoái vốn ế gần một nửa cổ phần Vinamilk (VNM) mới đây, giới chuyên gia cho rằng có nhiều bài học cần rút ra để các đợt thoái vốn tại doanh nghiệp Nhà nước lớn của Việt Nam đạt hiệu quả ở mức cao nhất. Ông Lê Đăng Doanh, chuyên gia kinh tế đã có cuộc trao đổi với phóng viên về vấn đề này.


Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Nhà đầu tư chiến lược đóng góp thực sự vào việc đổi mới, quản trị doanh nghiệp

Chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh: Nhà đầu tư chiến lược đóng góp thực sự vào việc đổi mới, quản trị doanh nghiệp

Thủ tướng Chính phủ đã truyền đi thông điệp thoái vốn quyết liệt tại những doanh nghiệp (DN) mà Nhà nước không cần nắm giữ. Ông có nhận xét gì về tiến trình thoái vốn của các doanh nghiệp lớn gần đây?

-Thoái vốn Nhà nước từ trước đến nay diễn biến chậm bởi quá trình này tùy thuộc nhiều vào cơ quan chủ quản, những người lãnh đạo lớn nhất trong các cơ quan ấy và nhiều khi có dấu hiệu lợi ích nhóm rõ rệt. Đơn cử ngay như việc chuyển vốn về SCIC rất chậm, nhiều Bộ, Tỉnh không muốn chuyển giao vốn vì họ có đại diện vốn ở đó. Có quyền sở hữu vốn ở doanh nghiệp thì họ có quyền can thiệp nhiều thứ, chẳng hạn như chỉ định doanh nghiệp phải hợp tác với doanh nghiệp này, kia…

Thủ tướng đã quyết định phải thoái vốn tại các doanh nghiệp Nhà nước, đặc biệt các doanh nghiệp thương mại phải thoái vốn gần như hết, tạo ra sân chơi bình đẳng và thu hút được nhà đầu tư chiến lược. Nếu nhà đầu tư chỉ góp phần vốn nhỏ vào DN mà không có quyền vào HĐQT thì doanh nghiệp vẫn theo các phương thức quản lý như cũ. Phải thay đổi điều đó mới cải thiện được hiệu quả hoạt động của DN.

Ông có nhận xét gì về thương vụ thoái vốn Nhà nước vừa qua tại Vinamilk?

-Vừa rồi như VNM do tỷ lệ bán ít quá nên những nhà đầu tư chiến lược không muốn vào. Nếu Nhà nước bán tỷ lệ cao hơn, chẳng hạn trên 13%, nhà đầu tư có thể tham gia vào HĐQT và họ sẽ được thu hút nhiều hơn. Họ là nhà đầu tư lớn lại bắt họ “chầu rìa”, xem người khác “làm xiếc” thì đời nào họ chịu. Phải rút kinh nghiệm về việc đó, việc thoái vốn doanh nghiệp lớn cần có nhóm tư vấn cho Chính phủ, bàn bạc góp ý theo đúng thông lệ quốc tế, phải công khai minh bạch, phải tôn trọng nhà đầu tư chiến lược. Người ta góp vốn thì phải cho người ta có tiếng nói, chứ cho người ta góp vốn mà lại không cho người ta nói gì, can thiệp gì thì ai sẽ mạo hiểm với đồng vốn mình bỏ vào DN.

Gần đây có những thương vụ đang gặp khúc mắc như trường hợp Carlsberg và Habeco. Có những e ngại về việc bán cổ phần cho nhà đầu tư nước ngoài sẽ mất thương hiệu Việt và mất doanh nghiệp làm ăn tốt. Ông nghĩ sao?

-Dĩ nhiên, nhà đầu tư phải bỏ vốn vào DN làm ăn tốt. Còn việc nhà đầu tư có thay đổi được thương hiệu hay không thì phải theo luật. Mình phải quy định rõ công ty này nhà đầu tư phải giữ thương hiệu, nếu họ thay đổi, các cổ đông có quyền kiện ra tòa và tòa có thể can thiệp được. Điều đó có quy định trong Luật Doanh nghiệp 2015. Không nên có sự e ngại một cách quá đáng mà phải xem xét trên các lợi ích kinh tế và các thông lệ quốc tế.

Bộ Công Thương trước đây đã ký hợp đồng dành quyền ưu tiên mua cho Carlsberg trong trường hợp Nhà nước thoái vốn tại doanh nghiệp này. Nay Bộ Công Thương có thể thay đổi những cam kết trước đây đã ký hay không?

-Theo thông lệ chúng ta phải tôn trọng những gì đã ký kết, nếu không nhà đầu tư có thể kiện ra tòa. Mình phải tôn trọng quy trình tư pháp tức là cho họ quyền ưu tiên. Phải tuân theo hợp đồng đã ký kết.

Có những ý kiến nói rằng với các doanh nghiệp lớn, làm ăn hiệu quả, không nhất thiết cần nhà đầu tư chiến lược như Sabeco, Habeco chẳng hạn?

-Không nên có quan niệm như vậy vì nhà đầu tư chiến lược đóng góp thực sự vào việc đổi mới, quản trị doanh nghiệp. Phải nhìn một cách công bằng và khách quan các yếu tố phát triển của doanh nghiệp. Việc doanh nghiệp hoạt động có hiệu quả có nhiều yếu tố ảnh hưởng, có thể trong đó là yếu tố thị trường, nhưng cũng còn có yếu tố quản trị nữa. Có nhà đầu tư chiến lược vào doanh nghiệp, thì chắc chắn quản trị sẽ tốt lên, tăng sự công khai, minh bạch.

Giáng Vân (thực hiện)