Nhà báo có nên đầu tư cổ phiếu?

Ở Thái Lan, theo một nhà báo Thái trong số hơn 7.000 thông tin báo chí về thị trường chứng khoán, có 7% vi phạm luật chống thao túng thị trường chứng khoán. Ở Việt Nam, thị trường chứng khoán đang có nhiều khoảng trống luật pháp. Đã có những đề cập về việc nhà báo tham gia làm giá chứng khoán.

Bài viết riêng này của một nhà báo tài chính Pháp, có nhiều năm kinh nghiệm ở Thái Lan, như một gợi ý suy nghĩ về mối quan tâm này.

Mục tiêu chính của một phóng viên, và điều này đúng cho bất kỳ phóng viên nào, là mô tả sự thật và làm việc đó một cách thành thực và độc lập. Nhưng vấn đề đáng lo ngại nhất đối với một phóng viên, nhất là khi bạn là phóng viên phụ trách lĩnh vực tài chính, là giữ tính trung lập bằng cách né tránh những xung đột về lợi ích.

Từ những gì tôi đã trải qua, tôi tin rằng phóng viên nhất thiết phải hiểu rất rõ về những vấn đề mà anh ta viết để có thể trình bày những bài báo trung thực đến công chúng và để tránh bị sử dụng như một công cụ của những kẻ không có nguyên tắc đạo đức, luôn muốn đạt được lợi ích cho họ mà không quan tâm đến sự thật.

Laurent Malespine, một nhà báo quốc tịch Pháp đã làm việc 12 năm qua cho các tổ chức báo chí kinh tế địa phương và quốc tế tại Thái Lan, gồm có Bisnews, Bridge News, Nation Channel, Dow Jones Newswires và Bloomberg News.

Tôi trở thành một phóng viên theo dõi lĩnh vực tài chính tại Thái Lan nhờ khả năng hiểu tiếng Thái và viết tiếng Anh của tôi. Thế nhưng, vì tôi chưa bao giờ học kinh tế, kế toán hay tài chính, tôi đã phải đọc rất nhiều xung quanh những đề tài đó để có thể hiểu các báo cáo tài chính công ty, các dữ liệu kinh tế hoặc thị trường chứng khoán.

Tôi cũng phải học những văn bản pháp lý liên quan đến lĩnh vực mà mình phụ trách và tôn trọng những nguyên tắc đạo đức và làm việc đối với các phóng viên cũng như những người tham gia vào thị trường chứng khoán.

Được trang bị những kiến thức như thế, một phóng viên sẽ chuẩn bị tốt hơn để xử lý những dữ liệu về doanh nghiệp hoặc đối phó với những lãnh đạo doanh nghiệp sử dụng thông tin  chỉ nhằm để bơm giá cổ phiếu của họ trên thị trường. Đôi khi doanh nghiệp không biết họ có thể tiết lộ gì và tiết lộ bao nhiêu thông tin, nhưng rất nhiều khi họ cố tình giấu giếm sự thật hoặc tệ hại hơn, tung tin đồn thổi.

Tôi nhớ có lần một lãnh đạo công ty nọ nói với tôi và một số phóng viên khác về việc lợi nhuận của công ty ông ta có thể tăng trong các quý tới như thế nào. Khi chúng tôi nhắc ông ta rằng cơ quan quản lý thị trường chứng khoán không cho phép những loại nhận xét như thế, ông ta bảo chúng tôi quên cái thông tin mà ông vừa công bố đi, và đổi đề tài.

Một lát sau, ông ta lại nhắc lại những thông tin tương tự về triển vọng lợi nhuận, và vào phiên thị trường tiếp theo, sau khi một số báo đưa những nhận xét của ông ta, thị trường chứng khoán Thái Lan đã tạm ngưng giao dịch cổ phiếu của công ty trong khi chờ giải thích từ phía công ty. Khi công ty đưa ra lời giải thích, họ đổ lỗi cho báo chí đưa tin sai.

Thậm chí cả khi những chuyện như vậy trở nên hiếm đi khi thị trường phát triển và báo chí áp dụng luật và nguyên tắc đạo đức rõ ràng, phóng viên luôn luôn phải cảnh giác với những kiểu thao túng thị trường như thế.

Theo một luận văn tốt nghiệp do một nhà báo người Thái viết năm 2005 cho bằng cử nhân báo chí của cô ở trường đại học Chulalongkorn tại Bangkok, trong số hơn 7.000 thông tin báo chí về thị trường chứng khoán mà cô phân tích, có 7% vi phạm luật chống việc thao túng thị trường chứng khoán.

Cô Soiboon Bunyaruttapun, tác giả của luận văn, nói rằng tỷ lệ này lẽ ra có thể thấp hơn nếu các phóng viên thực hiện một cách triệt để những nguyên tắc ứng xử của toà soạn đặt ra và nếu có thêm nhiều các chương trình huấn luyện đạo đức báo chí hơn.

Những nguyên tắc làm việc (codes of conduct) như thế đã được giới truyền thông xây dựng khắp nơi trên thế giới và là một phần không thể thiếu được cho một lực lượng báo chí chuyên nghiệp và có đạo đức.

Một trong những nguyên tắc đạo đức chính đặt ra với các phóng viên tài chính là việc họ không được phép sở hữu cổ phiếu ở những công ty mà họ viết, vì điều này có thể dễ dàng ảnh hưởng tới việc đưa tin bài về những cổ phiếu và những công ty đó.

Tại tất cả những cơ quan thông tin kinh tế mà tôi đã làm việc, tôi phải ký cam kết trong hợp đồng lao động là sẽ không đầu tư vào những cổ phiếu mà tôi đưa tin.

Cá nhân tôi còn đặt ra một nguyên tắc riêng cho mình là không mua bất kỳ một cổ phiếu nào, khi tôi còn là một phóng viên. Trong nhiều năm, tôi thậm chí còn không đầu tư trong các quỹ mutual fund (gần đây tôi mới bắt đầu đầu tư) để đảm bảo rằng tôi không có sự thiên vị khi đưa tin về thị trường nói chung.

Việc không tham dự vào thị trường chứng khoán, theo tôi không chỉ là vấn đề đạo đức, mà còn là vấn đề sức khoẻ tinh thần. Ngồi cạnh một cái máy tính với những thông tin trực tiếp cả ngày về giá cả cổ phiếu, tôi nghĩ tôi có thể phát điên nếu tôi bỏ tiền của mình vào đó, bất cứ khi nào thị trường sụp đổ. Và trong suốt 12 năm trong cương vị phóng viên tài chính, tôi đã chứng kiến thị trường trồi sụt kinh khủng.

Trong khi nhiều phóng viên nghĩ rằng việc tôi hoàn toàn không đầu tư vào thị trường chứng khoán là cực đoan, và rất nhiều phóng viên trung thực mà tôi biết không theo đuổi sự cực đoan đó vì đó là quyền của họ (các phóng viên tài chính vẫn được phép đầu tư vào các quỹ mutual fund), tôi tin rằng quyết định đó tốt cho tôi.

Những phóng viên tài chính làm việc rất cực nhọc, và tôi đã phải làm việc 14 giờ mỗi ngày và cả trong những ngày nghỉ, trong những giai đoạn thị trường khủng hoảng. Bằng việc không mua cổ phiếu, tôi không chỉ giữ mình trong sạch về đạo đức, mà còn giúp bản thân mình cắt giảm những căng thẳng không cần thiết, và bằng việc làm như vậy, tôi tồn tại được trong những ngày làm việc như một phóng viên tài chính!

Laurent Malespine
Báo SGTT