Nhà băng cũng bị... lừa!

Trong một số vụ việc, khi nhà băng buộc phải tiến hành thu hồi tài sản thế chấp mới biết mình bị lừa!

Nghiệp vụ cơ bản nhất của ngân hàng là kinh doanh tiền. Họ huy động tiền từ xã hội, từ nền kinh tế với lãi suất thấp, sau đó, mang số tiền đó cho những đối tượng khách hàng có nhu cầu sử dụng vốn trong xã hội và tất nhiên mức lãi suất cho khoản vay này sẽ phải cao hơn mức lãi suất mà các ngân hàng đã trả cho người gửi. Để số tiền mà ngân hàng cho vay được đảm bảo an toàn, bên đi vay phải có tài sản thế chấp. Tài sản thế chấp được coi là “phao cứu sinh” của ngân hàng. Khi khách hàng không trả được nợ, ngân hàng có thể “siết” nhà đất để thu hồi vốn. Tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, tài sản đảm bảo không được bảo đảm hoặc chỉ là giả, là mớ giấy lộn... khiến nhiều ngân hàng phải “khóc dở mếu dở”.

Không ít sổ đỏ giả được thế chấp tại các ngân hàng

Nhìn lại một loạt những vụ án liên quan đến lĩnh vực tài chính - ngân hàng thời gian gần đây, chúng ta không khó để bắt gặp những vụ việc như vậy, ngân hàng đã giải ngân cho những tài sản thế chấp nhưng lại không được đảm bảo.

Một trong những thủ đoạn thường thấy nhất mà các đối tượng khách hàng thường sử dụng là lập hồ sơ vay vốn với hồ sơ tài sản thế chấp giả, hợp đồng kinh tế, hợp đồng thuê kho ba bên quản lý hàng hóa, hóa đơn VAT giả; bộ chứng từ chiết khấu giả; dự án giả; cổ phiếu, trái phiếu giả... và đi cùng với đó là phương án kinh doanh giả, phương án trả nợ giả, khai giá trị tài sản thế chấp tăng lên nhiều lần để thế chấp vay tiền rồi chiếm đoạt.

Điển hình có thể kể tới vụ Công ty Công nghiệp Nam Trung Bộ (Ninh Thuận) do Nguyễn Hải Trung làm Chủ tịch Hội đồng Quản trị. Công ty này đã lập phương án kinh doanh giả, lập 8 hợp đồng kinh tế khống để mua 20.400 tấn sắn lát và 5.200 tấn cà phê với số tiền 241 tỉ đồng để xuất khẩu. Số hàng hóa này sau đó được mang thế chấp tại Ngân hàng Phát triển Việt Nam, Chi nhánh Ninh Thuận, lấy 149 tỉ đồng với lãi suất hỗ trợ xuất khẩu. Và tất nhiên vì là hợp đồng kinh tế khống nên nó không có giá trị pháp lý, đến thời hạn thanh toán, công ty này đã không thể trả khoản tiền trên cho ngân hàng.

Hay như vụ Công ty TNHH xuất nhập khẩu Công Chính và Công ty TNHH xuất nhập khẩu và dịch vụ Thái Nguyên (Lâm Đồng) cũng vậy. Hai công ty này đã sử dụng tài sản thế chấp là 12.570 tấn cà phê và chè hình thành từ vốn vay để vay vốn ngân hàng. Tuy nhiên, do các ngân hàng đã không giám sát chặt chẽ số hàng, hai công ty đã mang bán gần hết số hàng hóa này lấy tiền mà không trả tiền cho ngân hàng.

Ngoài ra, cũng có không ít trường hợp, ngân hàng đã nhận tài sản thế chấp là những dự án “ma” và bị chiếm đoạt tiền. Có thể kể tới vụ Trần Thị Hà và Hà Văn Hòa, Giám đốc và Phó giám đốc Công ty TNHH Thành Phát (TP Hồ Chí Minh). 2 đối tượng này đã móc nối với Chủ tịch UBND xã Đông Thạnh (Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) và Dương Minh Trung (Trưởng phòng Tài chính huyện Hóc Môn, TP Hồ Chí Minh) để lập khống hồ sơ dự án “Xây dựng cụm công nghiệp sạch với diện tích 18ha tại xã Đông Thạnh; lập khống hồ sơ đền bù giải phóng mặt bằng... Sau đó 2 đối tượng dùng bộ hồ sơ dự án này mang thế chấp tại Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Chợ Lớn vay được 42 tỉ đồng.

Cũng có trường hợp, đối tượng đã làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, sở hữu nhà ở, giấy tờ có giá giả, thế chấp ngân hàng rồi chiếm đoạt. Vụ Trần Thái Vũ, Giám đốc Công ty TNHH Trần Vũ (Đã Nẵng) là một điển hình. Lợi dụng việc thuê địa điểm để kinh doanh, Vũ đã lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở của các chủ hộ, sau đó thuê 3 đối tượng làm giả con dấu của phòng công chứng, giả mạo chữ ký của lãnh đạo UBND, Sở Tài nguyên và Môi trường... để làm giả các hợp đồng chuyển dịch nhà ở sang tên cho người nhà của Vũ hoặc trực tiếp sang tên cho Vũ. Với các hợp đồng giả này, Văn phòng đăng ký quyền sử dụng đất đã làm thủ tục sang tên đổi chủ và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà cho Vũ và người nhà. Sau đó, Vũ và người nhà đã mang số giấy chứng nhận này mang thế chấp tại 7 chi nhánh ngân hàng tại Đà Nẵng, Quảng Nam lấy 20 tỉ đồng, chiếm đoạt rồi bỏ trốn.

Nguy hại hơn, một số đối tượng chuyên cho vay nặng lãi đã dùng giấy tờ nhà đất của người dân, nhất là dân nghèo có nhu cầu vay vốn để làm ăn, họ đã yêu cầu người dân ký vào giấy ủy quyền vay vốn để chúng thế chấp ngân hàng. Người dân sẽ chỉ được vay lại một phần nhỏ trong số tiền mà các ngân hàng cho vay, phần còn lại, những đối tượng này sẽ sử dụng vào việc khác hoặc chiếm đoạt. Vụ Huỳnh Vũ Thuận, chủ doanh nghiệp tư nhân Tây Hồ (Đồng Tháp) là một ví dụ. Bằng nhiều thủ đoạn, Thuận đã gom được 22 sổ đỏ của người dân, lập phương án kinh doanh giả để thế chấp vay vốn hỗ trợ với lãi suất 4%/năm tại Chi nhánh Vietcombank Đồng Tháp lấy 5,6 tỉ đồng...

Qua những ví dụ nêu trên có thể thấy, tình hình tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng diễn biến hết sức phức tạp, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế đất nước đang ở giai đoạn hết sức khó khăn. Bên cạnh những yếu tố như chính sách pháp luật và một số quy định trong lĩnh vực tài chính, tín dụng, ngân hàng còn bất cập, chưa đầy đủ, không đồng bộ, thống nhất thì phải thấy rằng, việc phát triển quá “nóng” số lượng các ngân hàng cũng được xem là dư địa cho loại tội phạm này.

Theo giới chuyên gia, sự gia tăng số lượng các ngân hàng, tổ chức tín dụng những năm qua đã làm tăng tính cạnh tranh của thị trường này nhưng đồng thời cũng kéo theo đó là những hiện tượng như đua vượt trần lãi suất, huy động vốn bằng mọi cách, nợ xấu gia tăng, thậm chí đã có một số nhân viên ngân hàng làm ăn bất hợp pháp, sa bẫy “tín dụng đen”... và tất nhiên là cả các hành phạm tội, chiếm đoạt tài sản cũng gia tăng. Bên cạnh đó, giới chuyên gia còn chỉ ra rằng, sự tha hóa, xuống cấp đạo đức của bộ phận cán bộ ngân hàng chính là nguyên nhân dẫn tới tình trạng phức tạp của tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng hiện nay.

Cuộc chiến phòng, chống tội phạm trong lĩnh vực tài chính - ngân hàng vì thế càng trở nên khó khăn gấp bội phần. Ngân hàng giữ vai trò là “xương sống”, là huyết mạch của nền kinh tế, nếu bị tổn thương sẽ gây hậu quả vô cùng nghiêm trọng. Vậy nên, việc nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ ngân hàng với phẩm chất đạo đức tốt, năng lực chuyên môn cao là hết sức cần thiết. Ngân hàng là nơi tập trung vốn, tài sản lớn nhất của mọi quốc gia nhưng cũng chính từ đây, ngân hàng cũng trở thành mục tiêu tấn công của bọn tội phạm.

Theo Thanh Ngọc
Petrotimes
 

VTV được giao vốn như doanh nghiệp Nhà nước