1. Dòng sự kiện:
  2. Tư vấn tài chính cá nhân

Nguyên nhân của nợ xấu ngân hàng quy mô lớn?

Vấn đề nợ xấu của các ngân hàng thương mại Nhà nước - trong bối cảnh Chính phủ đang đẩy mạnh việc cổ phần hóa - đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Tiến sĩ Phan Minh Ngọc (Đại học Kyushu, Nhật Bản) có nhiều nhận định về bản chất vấn đề nợ xấu tại Việt Nam.

Bất chấp Ngân hàng Nhà nước gần đây đã bơm thêm vốn (tái cấp vốn) cho các ngân hàng thương mại quốc doanh, vấn đề nợ xấu vẫn ở mức trầm trọng. Đặc biệt đối với ngân hàng thương mại quốc doanh, theo một số ước tính tỷ lệ nợ xấu lên tới 10-20%, hoặc thậm chí cao hơn thế, trong tổng dư nợ của 4 ngân hàng thương mại quốc doanh, mặc dù con số công bố chính thức chỉ ở mức vài ba phần trăm.

* Ràng buộc tài chính “mềm” là một thuật ngữ chuyên môn chỉ tình trạng một doanh nghiệp không quan tâm nghiêm túc đến việc thua lỗ tài chính và luôn luôn kỳ vọng rằng chính phủ hay một bên thứ ba sẽ đứng ra cứu giúp khi phải đối mặt với phá sản.

 

Chính sách bao cấp của chính phủ đối với doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp Nhà nước là cơ sở cho tình trạng này.

Theo lý thuyết và kinh nghiệm của các nước có nền kinh tế kế hoạch hóa hoặc chuyển đổi, nợ xấu thường là do vấn đề các ngân hàng thương mại quốc doanh chỉ bị ràng buộc tài chính “mềm” *, dẫn đến việc các ngân hàng không quan tâm đến việc đánh giá sát sao năng lực tài chính của người vay, gây ra và tích đọng nợ xấu.

Mặc dù hệ thống ngân hàng Việt Nam đã trải qua những bước thay đổi quan trọng về tổ chức và cơ chế hoạt động, biến các ngân hàng quốc doanh thành các ngân hàng kinh doanh thương mại thuần túy, nhưng chính quyền Trung ương vẫn có xu hướng gây áp lực hay khuyến khích một cách công khai hoặc ngầm định các ngân hàng cấp tín dụng vượt quá mức an toàn thương mại cho phép để đạt được mục tiêu tăng trưởng đề ra.

Chính quyền địa phương đôi khi cũng "ép" các ngân hàng cho vay các doanh nghiệp Nhà nước thua lỗ để tránh làm tăng mức thấp nghiệp. Ngoài ra, các quan chức chính phủ cũng thường can thiệp vào quyết định cho vay của ngân hàng, khiến tỷ lệ nợ xấu thêm gia tăng.

Sự can thiệp của chính phủ vào việc cho vay của ngân hàng có thể diễn ra trước khi quyết định cho vay được đưa ra hoặc sau khi giao dịch đã hoàn tất. Với can thiệp diễn ra trước khi ra quyết định cho vay, cho đến tận những năm gần đây, các ngân hàng quốc doanh vẫn có nghĩa vụ thực hiện các khoản cho vay chính sách, theo các chương trình phát triển của chính phủ hoặc vì lý do chính trị.

Tuy tỷ lệ các khoản cho vay theo chính sách này không bao giờ được tiết lộ, một số nhà phân tích ước đoán không dưới 1/3 tổng dư nợ cho vay của các ngân hàng quốc doanh ở một số thời điểm. Tất nhiên, các khoản cho vay chính sách thông thường bao giờ cũng có chất lượng thấp hơn các khỏan cho vay thương mại.

Chính phủ còn can thiệp vào thị trường tín dụng sau khi sự cho vay đã diễn ra hoàn tất bằng cách ra tay cứu vớt các doanh nghiệp Nhà nước hoặc ngân hàng quốc doanh có vấn đề. Sự cứu giúp của chính phủ có thể ở dưới nhiều dạng như tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước thua lỗ, nhận các khoản nợ xấu, và cố ý trì hoãn việc đóng cửa các tổ chức tài chính mất khả năng thanh toán.

Thông lệ cứu vớt như vậy đã làm giảm nhu cầu cải thiện tính hiệu quả ở các ngân hàng, khuyến khích chúng theo đuổi các dự án cho vay đầy rủi ro.

Dưới sự can thiệp hoặc khuyến khích ngầm định và công khai của chính phủ như trên, các ngân hàng quốc doanh trở nên “thích” cho vay các doanh nghiệp nhà nước hơn vì mọi rủi ro hầu như đã được chính phủ bảo lãnh.

Điều này càng quan trọng hơn khi mà ở Việt Nam, cơ chế luật định liên quan đến thi hành các nghĩa vụ hợp đồng rất yếu kém, làm tăng rủi ro mất khả năng thu hồi các khoản cho vay của ngân hàng. Trong bối cảnh không có sự bảo lãnh của chính phủ thì tất nhiên các ngân hàng sẽ phải rất thận trọng khi quyết định cho các doanh nghiệp Nhà nước vay.

Hơn nữa, quan hệ truyền thống và dài hạn giữa ngân hàng quốc doanh và các doanh nghiệp nhà nước làm cho chi phí giao dịch với các doanh nghiệp nhà nước nhỏ hơn với doanh nghiệp tư nhân, càng làm tăng thêm xu hướng ngân hàng cho vay doanh nghiệp nhà nước hơn là doanh nghiệp tư nhân.

Vì thế, dễ hiểu tại sao con nợ mất khả năng thanh toán chính của ngân hàng quốc doanh là các doanh nghiệp Nhà nước chứ không phải các doanh nghiệp tư nhân.

Nghiêm trọng hơn, sự can thiệp và khuyến khích của chính phủ dẫn đến xu hướng là các doanh nghiệp nhà nước càng có tính rủi ro cao thì càng được các ngân hàng cho vay nhiều hơn vì 2 lý do.

Thứ nhất, những doanh nghiệp này càng là mối bận tâm của chính phủ, buộc chính phủ phải tăng cường chỉ đạo các ngân hàng cho vay để cứu vớt, cải tổ lại chúng. Thứ hai, bản thân các ngân hàng cũng muốn cho các doanh nghiệp này tiếp tục vay vì nếu rút lui thì các doanh nghiệp này sẽ phá sản, do đó các ngân hàng mất khả năng thu hồi các món cho vay trước đó.

Tất nhiên trong việc này, các ngân hàng kỳ vọng, như đã và đang xảy ra, rằng chính phủ sẽ đứng ra cứu vớt nếu sự cho vay mạo hiểm kiểu này sẽ đưa các ngân hàng đến bên vực phá sản.

Một trong những ví dụ điển hình của việc cứu vớt các ngân hàng quốc doanh là việc tái cấp vốn để che giấu quy mô nợ khó đòi của các ngân hàng này nhờ làm giảm tỷ lệ nợ xấu của chúng đi (tuy con số tuyệt đối vẫn không thay đổi). Một ví dụ khác là việc thành lập gần đây và cấp vốn cho công ty quản lý tài sản (AMC) nhà nước để xử lý nợ khó đòi của các ngân hàng thương mại quốc doanh.

Tuy nhiên, hai biện pháp này được nhiều nhà kinh tế nhìn nhận với con mắt quan ngại vì chúng sẽ làm tăng rủi ro đạo đức (moral hazard) trong các quyết định cho vay của các ngân hàng nghiêng hơn nữa về các dự án có tính rủi ro cao - đặc biệt là của các doanh nghiệp Nhà nước, do kỳ vọng sẽ được chính phủ cứu vớt trong tương lai nếu có xảy ra nguy cơ mất khả năng thanh toán.

Và như vậy thì vấn đề nợ khó đòi sẽ càng trở nên trầm trọng hơn với việc thi hành 2 biện pháp xử lý nợ khó đòi này.

Chất lượng cho vay thấp ở các ngân hàng quốc doanh còn do người quản lý của các ngân hàng được trao quyền tự chủ trong việc ra quyết định cho vay, nhưng không hoàn toàn chịu trách nhiệm vào chất lượng các khoản cho vay theo quyết định của họ.

Vì thế, chừng nào các nhà quản lý còn không bị ràng buộc chặt chẽ về trách nhiệm trong các quyết định của mình thì các khoản cho vay khó đòi sẽ tiếp tục phát sinh và ứ đọng dần lên trong bảng tổng kết tài sản của ngân hàng.

Tóm lại, có thể nói rằng những biện pháp cải cách trong hệ thống ngân hàng gần đây đã mang lại những hiệu quả nhất định như làm giảm tỷ lệ cho vay chính sách, tăng chất lượng cho vay thương mại của các ngân hàng quốc doanh (nhờ giảm sự can thiệp và khuyến khích của chính phủ vào các quyết định cho vay của ngân hàng có lợi cho các doanh nghiệp nhà nước, tăng cường tính minh bạch và kiểm soát chặt quy trình cho vay), đi đôi với các biện pháp cải cách trong khu vực doanh nghiệp nhà nước, làm tăng tính hiệu quả trong hoạt động (tức là giảm khả năng phá sản) của chúng.

Thế nhưng, vấn đề nợ khó đòi vẫn sẽ không được giải quyết triệt để vì rủi ro đạo đức vẫn còn đó đối với các ngân hàng quốc doanh khi chính phủ tỏ ý sẵn sàng rót thêm vốn cho các ngân hàng quốc doanh, thúc đẩy quá trình xử lý nợ khó đòi chủ yếu thông qua các AMC, mà một trong những hậu quả chính là tiếp tục khuyến khích các ngân hàng quốc doanh theo đuổi các dự án vay vốn đầy rủi ro của các doanh nghiệp nhà nước.

Nói cách khác, việc đẩy các món nợ khó đòi ra khỏi bảng tổng kết tài sản sang tay các AMC không thôi thì chưa đủ để giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu trong hệ thống ngân hàng Việt Nam hiện nay.

Việc này phải được thực hiện với một thủ tục pháp lý quy định chặt chẽ và nhất thiết không được làm nảy sinh kỳ vọng giữa người cho vay (ngân hàng) và người đi vay (các doanh nghiệp Nhà nước) về sự cứu vớt của chính phủ trong tương lai.

Sự cam kết mạnh mẽ của chính phủ nhằm thắt chặt kỷ luật tài chính đối với cả ngân hàng quốc doanh và doanh nghiệp Nhà nước sẽ là điều thiết yếu để ngăn chặn sự lặp lại vòng luẩn quẩn phát sinh và tích tụ nợ khó đòi.

TS. Phan Minh Ngọc
VnEconomy