Nguyên nhân các ngân hàng Mỹ liên tiếp sụp đổ

(Dân trí) - Các khoản nợ xấu chỉ là một phần của vấn đề, những món đầu tư nguy hiểm và cho vay đầy rủi ro khiến số lượng các ngân hàng của Mỹ đóng cửa ngày một nhiều.

Cứ mỗi ngày thứ Sáu, các nhà điều tiết ngành ngân hàng thông báo đóng cửa thêm một số ngân hàng, từ đầu năm đến nay, con số ngân hàng đóng cửa đã lên tới 53 và dự kiến sẽ còn cao hơn nữa.

Nguyên nhân sau mỗi thảm họa là một loạt các biện pháp cấp vốn nguy hiểm và các khoản vay xấu cho doanh nghiệp Mỹ.

Phần lớn các ngân hàng Mỹ đóng cửa trong năm nay do phải gánh chịu quá nhiều khoản vay xấu trước đây đã dành cho công ty đầu tư vào bất động sản nhà ở và bất động sản thương mại, khoản vay trong lĩnh vực xây dựng. Nhóm công ty này chịu ảnh hưởng tiêu cực từ việc kinh tế đi xuống.

Ngân hàng Nevada's Silver State Bank đóng cửa vào tháng 9/2008 bởi 2/3 danh mục các khoản vay dành cho lĩnh vực phát triển bất động sản và xây dựng thương mại.

Một số ngân hàng khác đóng cửa bởi nhiều yếu tố kinh tế vượt quá tầm kiểm soát của họ. Khi giá sữa hạ mạnh trong khoảng thời gian đầu năm nay, nhiều công ty sản xuất sữa tại Colorado thua lỗ, không có khả năng trả nợ, các nhà điều tiết thị trường vì thế phải đóng cửa vài ngân hàng tại đây.

Và nay khi thị trường bất động sản thương mại và nhóm doanh nghiệp nhỏ vẫn còn gặp nhiều khó khăn, nhiều chuyên gia lo ngại các tổ chức cho vay nhóm doanh nghiệp này sẽ chịu ảnh hưởng mạnh trong nhiều tháng tới.

Ông Karen Dorway, Chủ tịch kiêm Giám đốc nghiên cứu tại cơ quan xếp hạng ngân hàng và nghiên cứu Bauer Financial, nhận xét áp lực trên thị trường bất động sản thương mại hiện cao hơn so với thời kỳ cuối năm ngoái.

Dù vậy, cho đến nay, các khoản vay xấu không phải là yếu tố duy nhất khiến các ngân hàng sụp đổ. Chính cách thức hoạt động của các ngân hàng cũng đẩy họ vào các rắc rối. Nhiều chuyên gia chỉ trích việc các ngân hàng sử dụng nguồn tiền từ các tổ chức gửi tiền với mục đích đầu tư kiếm lợi nhuận.

Các ngân hàng, đặc biệt là những ngân hàng đang nỗ lực đẩy mạnh tăng trưởng, thích những nguồn tiền nóng này bởi sau đó họ có thể sử dụng tiền đó để cấp các khoản vay mới.

Tuy nhiên phụ thuộc vào nguồn tiền đó tiềm ẩn nhiều rủi ro. Nguồn huy động vốn đó có chi phí và độ biến động cao bởi các bên môi giới thường chuyển tiền từ ngân hàng này sang ngân hàng khác để tìm kiếm nguồn lợi cao hơn cho khách hàng của họ.

Tháng 11/2008, các nhà điều tiết ngành ngân hàng Mỹ đóng cửa ngân hàng Franklin, một ngân hàng có trụ sở tại Houston. Báo cáo công bố tuần này bởi Tập đoàn bảo hiểm tiền gửi Mỹ (FDIC) cho thấy ngân hàng đó phụ thuộc chủ yếu vào các khoản tiền gửi môi giới và cuối cùng sụp đổ.

Nhà điều tiết thị trường ngày một lo lắng về việc các ngân hàng phụ thuộc vào nguồn tiền ứng trước từ Hệ thống ngân hàng cho vay mua nhà (FHLB) - nhóm 12 ngân hàng nhận hỗ trợ của chính phủ. Hệ thống này được thành lập trong thời kỳ Đại Suy thoái những năm 1930 để kích thích cho vay tại các cộng đồng nhỏ.

Xu thế này của các ngân hàng đã tăng cao trong những năm gần đây. Năm ngoái, số tiền ứng trước cho các ngân hàng và quỹ tiết kiệm Mỹ đứng ở mức 788 tỷ USD, cao hơn 45% so với mức của năm 2004. Chỉ ba tháng đầu năm 2009, các ngân hàng đã nhận 697 tỷ USD tiền ứng trước.

Việc phụ thuộc vào các nguồn tiền đó cũng là điều bình thường trong ngành ngân hàng. Yếu tố khiến các nhà điều tiết thị trường lo ngại chính là sự phụ thuộc quá mức của một số tổ chức cho vay vào nguồn tiền đi vay này để duy trì hoạt động thường ngày. Báo cáo gần đây về một số tổ chức cho vay mới đóng cửa cho thấy các khoản tiền trên gây ra ảnh hưởng không nhỏ tới doanh thu của các ngân hàng.

Tổ chức đại diện cho các ngân hàng cộng đồng cho biết 90% trong số 8.200 ngân hàng và quỹ tiết kiệm trên khắp Mỹ vẫn ở trong trạng thái an toàn và tiếp tục là nguồn tín dụng cho đối tượng cần vay tiền trên khắp nước Mỹ.

Thế nhưng cũng giống như ngân hàng trên phố Wall, một số ngân hàng cũng gặp rắc rối với các công cụ tài chính phức tạp và độc hại đã gây chấn động không nhỏ đến các ngân hàng lớn.

5 tổ chức cho vay tại bang Illinois đã đóng cửa trong tuần trước do các khoản đầu tư liên quan đến trái phiếu dùng giấy nợ bảo đảm (collateralized debt obligations - CDO) – các sản phẩm tài chính đầy tai tiếng đã khiến tổ chức tài chính lớn như Citigroup hay Merrill Lynch mất hàng tỷ USD.

Báo cáo gần đây cũng cho thấy một số tổ chức cho vay như Rock River Bank hay First National Bank of Danville cũng phụ thuộc vào một công cụ tài chính phức hợp khác, một loại chứng khoán thường được sử dụng như một công cụ tăng vốn trong ngành ngân hàng.

Nhiều nhà đầu tư bị hấp dẫn bởi mức cổ tức hấp dẫn mà các loại chứng khoán này mang lại. Thế nhưng khi thị trường nhà đất và nền kinh tế đi xuống, mức lợi tức trên bốc hơi, nhà đầu tư trong đó có 5 ngân hàng tại bang Illinois sụp đổ.

Ngọc Diệp (theoCNN)