Nguy cơ mai một thương hiệu nước mắm Nha Trang
Hiện nay, do gặp nhiều khó khăn, nên hầu hết các cơ sở sản xuất nước mắm Nha Trang thay vì sản xuất nước mắm chai có thương hiệu hoàn chỉnh lại chuyển sang sản xuất nước mắm nguyên liệu cho các doanh nghiệp ở địa phương khác.
Từ sản xuất chuyển qua gia công
Ông Trần Văn Trực, chủ cơ sở sản xuất nước mắm Ngọc Hà ở đường Võ Thị Sáu, phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang trước đây nổi tiếng bởi nhãn hiệu nước mắm Ngọc Hà. Nước mắm của ông Trực đã có mặt ở Hà Nội, Tây Nguyên, TP.HCM... Tuy nhiên, sau đó vì khó cạnh tranh với nước mắm của các doanh nghiệp lớn ở Bình Dương, TP.HCM, nên ông tập trung sản xuất nước mắm nguyên liệu (thường gọi nước mắm thô) để cung cấp cho các doanh nghiệp.
Theo ông Trực, giá bán nước mắm thô không cao bằng nước mắm chai, nhưng đầu ra được ổn định, nhà sản xuất không phải mất thời gian tìm kiếm thị trường như nước mắm chai.
“Ngày trước, mình đã đóng chai mang thương hiệu nước mắm Nha Trang hoàn chỉnh, nhưng bây giờ muốn làm ăn lớn cần phải có vốn hàng chục tỉ đồng, sức mình không đủ, nên bán nước mắm thô là xong, mình không có trách nhiệm nữa”, ông Trực nói.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thanh, chủ một nhà thùng cho biết: “Làm gia công nước mắm mình thu tiền nhanh, số lượng lớn, lại không phải đáp ứng yêu cầu nghiêm ngặt như nước mắm chai”.
Hiện nay, số hộ gia đình, số cơ sở sản xuất nước mắm đang thu hẹp dần, còn những cơ sở gia công thì quy mô ngày càng mở rộng.
Theo hiệp hội Nước mắm Nha Trang, hiện có khoảng 100 cơ sở sản xuất nước mắm. Và nước mắm thô của Nha Trang được các doanh nghiệp nhập về pha chế, cộng thêm những chiến dịch quảng bá rầm rộ, mạng lưới phân phối phủ rộng đến với người tiêu dùng bằng những thương hiệu khác. Ngay tại các cửa hàng tạp hoá ở làng nước mắm Vĩnh Trường, loại nước mắm này dần dần thay thế nước mắm chai cổ truyền của Nha Trang.
Vào nửa đầu năm 2011, người làm nước mắm còn gặp khó khăn khi Khánh Hoà mất mùa cá cơm, nhà sản xuất muốn có cá phải vào Ninh Thuận, Bình Thuận, nên giá đầu vào cao. Nhiều hộ ngư dân trước đây có ghe đánh cá kết hợp với nhà thùng, nay cũng bán ghe, bán thùng, kiếm việc khác.
Chị Nguyễn Thị Sinh, một trong những hộ còn lại sản xuất nước mắm chai cổ truyền ở đường Tân Hải, phường Vĩnh Trường lo lắng: “Nước mắm công nghiệp quảng cáo mạnh quá, còn nước mắm mình chỉ có cá, muối, lại mặn và yếu về khâu quảng cáo nên dân chê”.
Mai một vì mạnh ai nấy làm
Chính quyền địa phương hiện cũng chưa có phương án nào để liên kết sản xuất hay bảo vệ thương hiệu nước mắm Nha Trang. |
Cách đây năm năm, nhãn hiệu nước mắm Nha Trang được cục Sở hữu trí tuệ trao giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu hàng hoá. Hiệp hội Nước mắm Nha Trang cũng được thành lập với hơn 30 thành viên sản xuất nước mắm nhằm phát triển và bảo vệ thương hiệu nước mắm Nha Trang. Đến nay, chỉ còn chưa đến mười hội viên, rất nhiều người đã chuyển sang gia công thay vì tập trung phát triển thương hiệu nước mắm Nha Trang.
Ông Nguyễn Hoài Sơn, thư ký hiệp hội Nước mắm Nha Trang nói: “Người làm nước mắm Nha Trang mạnh ai nấy làm, làm ảnh hưởng đến giá trị, chất lượng, thương hiệu của nước mắm Nha Trang. Nếu thương hiệu nước mắm Nha Trang bị mạo danh hay đánh cắp, không biết có bao nhiêu người tha thiết kiện đòi lại”.
Trong khi đó, ông Nguyễn Thái Học, phó chủ tịch UBND phường Vĩnh Trường, thành phố Nha Trang, tỉnh Khánh Hoà cho biết, chính quyền địa phương hiện cũng chưa có phương án nào để liên kết sản xuất hay bảo vệ thương hiệu nước mắm Nha Trang.
Ông Đỗ Hữu Việt, giám đốc công ty cổ phần thuỷ sản 584 Nha Trang – đơn vị hiếm hoi thành công với thương hiệu nước mắm cổ truyền Nha Trang – lo lắng: “Nếu các cơ sở nước mắm tập trung gia công sẽ làm mai một thương hiệu nước mắm Nha Trang, nhưng để làm nước mắm Nha Trang hoàn chỉnh, các đơn vị nếu không có đối sách riêng, thì cũng gặp rất nhiều khó khăn”.
Theo Lê Anh
SGTT