Nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng Việt Nam
(Dân trí) - Trong 15 năm qua, ba lần tái cơ cấu chỉ ra hạn chế đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là việc cấp phép thành lập các ngân hàng mới và chuyển đổi loại hình.
Ủy ban Thường vụ Quốc hội vừa công bố báo cáo Kết quả giám sát “Việc thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực đầu tư công, doanh nghiệp nhà nước và hệ thống ngân hàng”.
Tái cơ cấu nhưng chưa đạt trình độ hiện đại trong khu vực
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA: * 15 năm, 3 lần tái cơ cấu ngành ngân hàng * Doanh nghiệp được tăng giá xăng dầu khi giá cơ sở tăng vượt 3% * Đối thoại TPP đạt được thoả hiệp quan trọng * Giá dầu giảm, “điểm xấu” cho giá vàng * Sản xuất dầu ăn từ mỡ heo thối * “Người khổng lồ” đa cấp Liên minh tiêu dùng bị liên ngành “sờ gáy” |
Kết thúc lần 1, đã sắp xếp, chấn chỉnh 14 ngân hàng thương mại (NHTM), với việc đóng cửa, rút giấy phép 1 ngân hàng, sáp nhập 7 ngân hàng, cho ngân hàng khác mua lại 1 ngân hàng, hợp nhất 1 NHTM cổ phần nông thôn với 1 công ty tài chính cổ phần, chuyển 4 NHTM cổ phần nông thôn thành NHTM cổ phần đô thị); Xử lý nợ xấu giảm từ 13% giai đoạn 1996-1998 xuống 5% năm 2003.
Kết thúc lần 2 từ 2005-2008 đã chuyển đổi 12 NHTM cổ phần nông thôn thành NHTM cổ phần đô thị, quy mô tài sản toàn hệ thống năm 2010 tăng 10 lần so với 2001, lợi nhuận chung năm 2010 tăng hơn 20 lần so với 2001, nợ xấu năm 2010 là 2,16%.
Trong tái cơ cấu lần 3 có 9 tổ chức tín dụng yếu kém cần sắp xếp chấn chỉnh. Hầu hết các NHTM cổ phần được sắp xếp, chấn chỉnh lần này cũng là các ngân hàng đã từng tái cơ cấu hai lần trước. Từ thực tiễn hai lần tái cơ cấu trước, tái cơ cấu lần này tương tự lần thứ nhất nhưng quy mô tài sản lớn hơn và có tính phức tạp hơn.
Trong đó, Ngân hàng TMCP Đệ Nhất, Việt Nam Tín Nghĩa, Sài Gòn và Nhà Hà Nội đã tái cơ cấu lần 1; Ngân hàng Sài Gòn - Hà Nội tái cơ cấu lần 2 chuyển đổi từ NHTM cổ phần nông thôn Nhơn Ái); Nam Việt lần 2 từ NHTM cổ phần nông thôn Sông Kiên); Phương Tây lần 2 từ NHTM cổ phần nông thôn Miền Tây); Đại Tín lần 2 từ NHTM cổ phần nông thôn Rạch Kiến và Dầu khí toàn cầu lần 2 từ NHTM cổ phần nông thôn Ninh Bình.
Cũng đề cập tới việc thực hiện tái cơ cấu hệ thống ngân hàng, báo cáo cho biết, năm 2012, Ngân hàng Nhà nước đã xác định và chỉ đạo tập trung cơ cấu lại một số ngân hàng thương mại (NHTM) cổ phần yếu kém có nguy cơ đổ vỡ. Sau hơn 2 năm thực hiện, đã phê duyệt 8/9 phương án cơ cấu lại của các NHTM cổ phần yếu kém. Đến nay có 3 ngân hàng đã hợp nhất với nhau, 1 ngân hàng đã được hợp nhất với 1 tổ chức tín dụng khác, 1 ngân hàng đã được sáp nhập vào 1 ngân hàng khác, 3 ngân hàng đã được chấp thuận phương án tự cơ cấu lại.
Theo báo cáo của Ngân hàng Nhà nước, việc triển khai các giải pháp cơ cấu lại theo đúng phương án được duyệt được tiến hành tích cực tại từng ngân hàng.
Bốn trong tổng số 5 NHTM nhà nước được cổ phần hóa, trong đó 3 ngân hàng đã niêm yết cổ phiếu trên thị trường chứng khoán (Ngoại thương Việt Nam, Công thương Việt Nam, Đầu tư và Phát triển Việt Nam) và 2 ngân hàng có sự tham gia của nhà đầu tư chiến lược nước ngoài (NHTM cổ phần Ngoại thương Việt Nam hợp tác chiến lược với Ngân hàng TNHH Mizuho - một thành viên của Tập đoàn tài chính Mizuho (Nhật Bản). NHTM cổ phần Công thương phát hành thêm cổ phần cho Ngân hàng Bank of Tokyo Mitsubishi (BTMU).
Đối với các NHTM cổ phần, Ngân hàng Nhà nước đã tích cực triển khai các giải pháp cơ cấu lại, xử lý nợ xấu các NHTM cổ phần. Đến nay, Ngân hàng Nhà nước đã phê duyệt 18 phương án (Ngân hàng Nhà nước đã nhận được 24/25 phương án cơ cấu lại). Đối với khối TCTD phi ngân hàng, Ngân hàng Nhà nước đang rà soát, đánh giá xác định một số trường hợp mà chi phí cơ cấu lại quá lớn so với lợi ích của việc duy trì hoạt động để trình Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý thông qua giải thể, phá sản . Hiện có 9/11 phương án của TCTD phi ngân hàng được phê duyệt.
Mặc dù đã trải qua 3 lần tái cơ cấu, nhưng theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, hệ thống ngân hàng hiện nay đang phát triển theo mô hình đa năng, tuy nhiên còn chưa đạt được đến trình độ hiện đại của nhiều nước trong khu vực; chiến lược kinh doanh (sản phẩm dịch vụ, phân khúc thị trường, phương thức cạnh tranh, khách hàng mục tiêu,…) của nhiều ngân hàng khá tương đồng dẫn đến mức độ cạnh tranh khá gay gắt; tính đa dạng và chất lượng dịch vụ ngân hàng còn chưa cao; nhiều rủi ro chưa kiểm soát một cách có hiệu quả, nhất là trong hoạt động đầu tư tài chính.
Còn nguy cơ thao túng hoạt động ngân hàng
Theo Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đến nay, vấn đề sở hữu chéo, đầu tư chéo trong hệ thống tổ chức tín dụng Việt Nam thiếu minh bạch, vốn điều lệ ở một số NHTM cổ phần không phản ánh đúng thực chất, dẫn đến nguy cơ chi phối, thao túng hoạt động ngân hàng.
“Điều này tiềm ẩn nhiều rủi ro và ảnh hưởng đến an toàn hoạt động của từng tổ chức tín dụng nói riêng cũng như toàn hệ thống tổ chức tín dụng nói chung, gây cản trở đến quá trình cơ cấu lại hệ thống các tổ chức tín dụng. Thực tế trên tồn tại kéo dài nhiều năm, cần được xử lý từng bước, nhưng quyết liệt, triệt để và bằng nhiều giải pháp đồng bộ”, báo cáo nhấn mạnh.
Cùng với đó, các giải pháp vừa qua về sắp xếp, chấn chỉnh trong hệ thống ngân hàng, theo đánh giá của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, chưa có sự thay đổi lớn về chất, chưa có sự tham gia của các NHTM lớn, có tiềm lực tài chính mạnh trong quá trình tái cơ cấu các ngân hàng nhỏ, yếu kém.
Thực tế trong 15 năm qua, nước ta đã thực hiện ba lần tái cơ cấu chỉ ra hạn chế đối với lĩnh vực ngân hàng, đặc biệt là việc cấp phép thành lập các ngân hàng mới và chuyển đổi loại hình. Sự phát triển nhanh về số lượng các NHTM, chuyển đổi các NHTM cổ phần nông thôn lên NHTM cổ phần đô thị chưa thực sự gắn kết với việc đánh giá chất lượng quản trị ngân hàng (vốn chủ sở hữu, trình độ, chuẩn mực và công nghệ quản trị), tạo sự bất ổn, mất an toàn cho hoạt động ngân hàng.