Cần Thơ:

Nguy cơ "chết" chợ truyền thống

(Dân trí) - Nhiều khu chợ truyền thống ở TP.Cần Thơ ngày càng xuống cấp nghiêm trọng, gây bức xúc trong dân. Trong khi đó, thời đại “siêu thị hóa" ngày càng phát triển nên nếu không sớm khôi phục thì nguy cơ các khu chợ này sẽ "chết lặng" bất cứ lúc nào.

Nhiều khu chợ xuống cấp nghiêm trọng
 
Hầu hết các chợ trên địa bàn 2 quận Ninh Kiều và Bình Thủy đều có chung đặc điểm là xuống cấp, xập xệ và ô nhiễm. Mấy ngày nay, Cần Thơ mưa liên tục nên các chợ luôn trong tình trạng bị ngập nước và ô nhiễm nghiêm trọng hơn từ mùi hôi thối bốc lên ở những chỗ đổ rác, đổ phế thải của các hộ kinh doanh, nhà dân.
 
Tại chợ An Nghiệp (phường An Nghiệp, quận Ninh Kiều), các hộ kinh doanh lấy những cây dù lớn che làm nơi bán hàng nên làm cho khuôn viên chợ hẹp càng thêm hẹp. Do đây cũng là một tuyến đường (nối đường Hoàng Văn Thụ và đường Huỳnh Thúc Kháng) vì thế mạnh ai nấy chạy ra chạy vào gây cảnh hết sức lộn xộn, chật chội. Một tiểu thương tại chợ cho biết, chợ đã hẹp lại không có chỗ gửi xe nên người đi chợ cứ chạy xe vào trong, đi đến chỗ nào mua thì dừng lại chiếm hết cả đường đi. Cứ thế, hết người này đến người kia nên việc kẹt xe cũng thường xuyên xảy ra.
 
Nguy cơ "chết" chợ truyền thống - 1

Đường vào một khu chợ xuống cấp nghiêm trọng với những ổ voi, ổ gà to tướng
 
Còn tại chợ Tân An (phường Tân An, quận Ninh Kiều) cũng luôn nằm trong tình trạng lộn xộn và khá ô nhiễm. Theo quan sát của PV, đây là một trong những chợ đầu mối ở Cần Thơ về cung cấp rau, củ nên có rất nhiều xe tải lớn chở hàng thường xuyên ra vào. Vào giờ cao điểm khoảng 8-9h sáng, số người đi chợ đông, lại thêm xe lớn, xe nhỏ ở 2 đầu vào ra nên không có một trật tự nào. Bên cạnh đó, các tuyến đường bên trong chợ lại xập xệ nước đen ngòm trong rất ô nhiễm.

Quận Bình Thủy có chợ Hồi Lực (phường Bình Thủy) với chiều dài khoảng 200 mét (trên đường Lê Hồng Phong) đã có dấu hiệu xuống cấp nghiêm trọng. Người dân ở đây cho dựng nhiều chiếc liều tạm bợ để bày bán hàng hóa nhưng đến nay đã bị hư hỏng, gặp khó khăn trong việc mua bán khi trời mưa. Con đường đi dọc theo khu chợ đã xuống cấp, những hố nước bẩn lớn bị ứ động nhiều ngày do mưa, bốc mùi hôi thối. Ngoài ra, người bán hàng tự ý mua bán, vô tư xả rát, nước thải ra đường, hệ thống nước thải cũng không đảm bảo gây ứ động nhiều ngày. Được biết, tình trạng trên đã kéo dài trong nhiều năm nay nhưng chưa được cơ quan chức năng khắc phục.

Theo ghi nhận chung của PV, ngoài các khu chợ ở trên thì còn nhiều khu chợ khác như chợ Rạch Côn (quận Ninh Kiều), chợ Sang Trắng, chợ Thới An Đông (quận Bình Thủy), chợ Ngã Ba (quận Ô Môn), chợ Thạnh An, chợ Lánh Sen (huyện Vĩnh Thạnh),…cũng cùng hoàn cảnh và đều gây bức xúc trong dân trong thời gian qua nhưng đến nay vẫn chưa được đầu tư xây mới hay nâng cấp, sửa chữa…

Khó khăn “làm mới” các khu chợ

Một báo cáo mới đây của ngành chức năng TP.Cần Thơ, cho biết toàn TP có 102 chợ truyền thống; trong đó, có 5 chợ hạng I, 11 chợ hạng II, 53 chợ hạng III. Có đến 33 chợ còn lại chưa đầu tư cơ sở hạ tầng nên không đủ điều kiện để phân hạng nằm rải rác trên địa bàn của 9 quận, huyện TP.

Hầu hết các khu chợ hạng III đều có cơ sở hạ tầng thấp kém, mặt bằng chật hẹp, thường xuyên ngập nước vào mùa mưa, gây ô nhiễm ngày càng nghiêm trọng, các kho chứa hàng không đảm bảo an toàn nên tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ, nhất là vào mùa khô…
 
Ngành chức năng TP.Cần Thơ cho biết, qua khảo sát thực tế và báo cáo của các địa phương thì có đến 27 chợ cần xây mới, 12 chợ cần nâng cấp và 2 chợ cần di dời trong giai đoạn 2011-2015. Đây là các khu chợ nằm tại trung tâm các quận, huyện, khu dân cư tập trung, có nhu cầu bức thiết cần được đầu tư, cải tạo để giải quyết tình trạng quá tải, không đáp ứng được tiêu chí chợ văn minh đô thị.       
Nguy cơ "chết" chợ truyền thống - 2

Nhiều khu chợ truyền thống có nguy cơ "chết lặng" nếu không sớm có biện pháp khôi phục
 
Theo Sở Công thương TP.Cần Thơ, trước tình trạng trên, UBND TP đã có kế hoạch về đầu tư phát triển chợ đến năm 2015 nhằm “làm mới” lại các khu chợ truyền thống để phục vụ nhu cầu mua sắm của người dân.

Tuy nhiên, việc thực hiện các kế hoạch này cũng gặp nhiều khó khăn. Các nguyên nhân được đưa ra là do thời gian chuẩn bị thủ tục đầu tư kéo dài; không có quỹ đất tái định cư để phục vụ công tác di dời các hộ bị ảnh hưởng; nhiều hộ dân không chấp nhận mức giá bồi hoàn gây khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng; phần lớn các chợ trên đều có quy mô nhỏ, dân cư sinh sống và kinh doanh đan xen nên khó mời doanh nghiệp vào đầu tư, khai thác, quản lý; chính sách ưu đãi đầu tư về lĩnh vực chợ chưa rõ ràng, cơ chế còn chồng chéo vướng mắc nên chưa thu hút nhà đầu tư,…

Ông Lê Văn Hừng- Phó Giám đốc Sở Công thương TP.Cần Thơ- nhận định, việc ngày càng nhiều siêu thị hiện đại mọc lên cùng với các loại hình dịch vụ đáp ứng được nhu cầu mua sắm, vui chơi của người dân thì các khu chợ truyền thống với những hình ảnh bát nháo, ô nhiễm không còn hút người dân đi chợ là điều khó tránh khỏi. "Việc làm mới lại các khu chợ cũng là một nan giải do TP chưa có chính sách hỗ trợ cho các doanh nghiệp trong khâu giải phóng mặt bằng. Các khu chợ truyền thống ở Cần Thơ lại có quy mô nhỏ, nằm ở những vị trí “hẹp” thì các doanh nghiệp cũng ít quan tâm đầu tư".

Chợ truyền thống đáp ứng nhu cầu mua sắm của đông đảo người dân từ bao đời nay, trong đó có những hộ gia đình nghèo. Việc vào các siêu thị để mua sắm đôi khi là một điều khó khăn cho các hộ có hoàn cảnh kinh tế khó khăn. Chính vì thế, việc "làm mới" lại các chợ truyền thống cũng là tâm tư nguyện vọng chính đáng của đông đảo người dân. Từ những nguyện vọng này, đòi hỏi các ngành chức năng cần phải cấp bách hơn nữa tìm những biện pháp khôi phục sớm để chợ truyền thống lấy lại “một thời vang bóng” của mình, tránh phải nguy cơ xuống cấp rồi “chết lặng” lúc nào không biết.
 
Huỳnh Hải