Nguồn kiều hối chảy về đang tăng mạnh
Cuối năm lượng kiều hối chảy về VN tăng mạnh, gần gấp đôi so với các tháng khác trong năm và có tốc độ tăng trưởng bình quân cao, hơn 11% /năm. Theo các ngân hàng và công ty dịch vụ kiều hối, khả năng năm 2006 lượng kiều hối sẽ đạt trên 4 tỷ USD.
Riêng tại TPHCM Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước cũng cho hay, lượng kiều hối các ngân hàng trên địa bàn thu hút được năm nay đạt khoảng 2,8 - 3 tỷ USD.
Trong bối cảnh VN cần thu hút đầu tư đây quả là nguồn tài nguyên lớn đáng quan tâm, dịch vụ chuyển tiền trong nước cũng đang ra sức đón dòng kiều hối sôi động mùa cuối năm này.
Nguồn đầu tư lớn và dễ thu hút
Theo thống kê của Western Union, năm 2005 lượng kiều hối chuyển qua mạng lưới liên kết của dịch vụ này đã đạt 3,8 tỉ USD, năm 2006 khả năng tăng hơn 10%. Công ty kiều hối Sài Gòn Thương Tín (SACOMREX) cũng cho hay, doanh số kiều hối năm 2005 thông qua hệ thống Sacombank là 540 triệu USD, dự kiến năm 2006 đạt 660 triệu USD, tốc độ tăng trưởng đạt 22% so với năm 2005.
Nhận định về mức tăng của nguồn kiều hối năm nay, các ngân hàng cho biết, đây là năm đất nước có nhiều chuyển biến thuận lợi về mặt vĩ mô, như việc VN chính thức gia nhập WTO, cộng đồng quốc tế đánh giá cao môi trường đầu tư VN và đặc biệt là kiều bào có xu hướng đầu tư gián tiếp vào VN.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Mỹ, Chủ nhiệm CLB Doanh nhân Việt kiều OV-Club thì việc kêu gọi đầu tư từ bà con kiều bào rất hiệu quả và khá dễ dàng. “Người VN sống ở nước ngoài vẫn luôn đau đáu nỗi lòng về VN, nếu chúng ta tạo điều kiện tốt cho họ đầu tư về VN thì việc kêu gọi đầu tư rất thuận lợi. Việt kiều cũng mong muốn góp phần xây dựng quê hương và được rạng danh trên đất nước mình” - ông Mỹ nhận định.
Tuy vậy, lâu nay phần lớn lượng kiều hối chảy trong nền kinh tế là nguồn vốn không chính thức và không danh xưng rõ ràng. Song từ đầu tháng 6/06 Pháp lệnh Ngoại hối của VN đã bắt đầu có hiệu lực. Đây cũng là bước đổi mới quan trọng trong chính sách quản lý ngoại hối, góp phần thu hút dòng kiều hối chảy mạnh về VN trong thời gian gần đây.
Ông Trương Văn Phước, Vụ trưởng Vụ Quản lý Ngoại hối (Ngân hàng Nhà nước) cho hay, Pháp lệnh Ngoại hối đã tác động trực tiếp đến nguồn kiều hối như mở rộng đối tượng được vay vốn nước ngoài, bao gồm cả cá nhân (Việt kiều có thể chuyển tiền về nước cho người thân để đầu tư, kinh doanh dưới hình thức cho vay, cho mượn vốn kinh doanh).
Sôi động dịch vụ chuyển tiền
Nắm bắt nhu cầu trên hiện các ngân hàng trong nước đua nhau ra các dịch vụ chuyển tiền nhanh. Như Ngân hàng Á Châu (ACB) đã kết hợp với Western Union cho phép khách hàng không cần cung cấp mã số chuyển tiền mà chỉ cần ghi địa chỉ người nhận và thực hiện giao miễn phí tại nhà.
Ngân hàng Công thương (Incombank) thì nhận cung cấp dịch vụ kiều hối qua máy rút tiền tự động (ATM) và bằng thẻ E-Partner (kiều hối được chuyển trực tiếp vào tài khoản người nhận và tỉ giá được quy đổi sang VND tại thời điểm ngân hàng nhận tiền).
Sacomrex cũng cho hay, công ty nhận chi trả tiền kiều hối tại nhà và tại quầy kể cả ngày lễ, thứ bảy và chủ nhật hàng tuần. Hiện 90% doanh số kiều hối được công ty chi trả tận nhà người nhận tiền.
Không chỉ cạnh tranh về dịch vụ, cả mức phí chuyển tiền cũng được các công ty cạnh tranh gay gắt vì đây là điểm mà khách hàng rất quan tâm. Incombank hợp tác với Wells-Fargo (Ngân hàng Mỹ) thực hiện dịch vụ chuyển tiền cá nhân từ Mỹ về VN.
Theo đó, khách hàng tại Mỹ có thể gửi 3.000 USD/ngày về VN với mức phí chuyển là 8 USD. Ngân hàng Đông Á (EAB) cho biết đã thực hiện chương trình chuyển tiền kiều hối MoneyGram (chuyển tiền từ người gửi đến tay người nhận trong vòng 10 phút) và người nhận có thể nhận tiền mặt mà không cần xuất trình thủ tục pháp lý phức tạp. Hay như ABC đến nay vẫn giữ độc quyền dịch vụ chuyển tiền tận nhà miễn phí của Western Union.
Theo Nguyễn Sa
VietNamnet