Hà Nội:
Nguồn cung gạo không hề thiếu
(Dân trí) - Sáng nay 29/4, UBND TP Hà Nội và các Tổng Công ty cung ứng hàng, các siêu thị, ban quản lý chợ… đã ngồi với nhau bàn về các giải pháp bình ổn thị trường gạo. Các đơn vị cho biết, nguồn cung gạo không hề thiếu.
Nhà cung cấp liên tiếp đòi tăng giá
Mấy ngày sốt giá, người dân Hà Nội không chỉ đổ xô ra các đại lý gạo, các chợ mà còn chạy vào các siêu thị để mua gạo tích trữ khiến các kệ hàng nơi đây trống trơn, không còn gạo để bán.
Ông Nguyễn Thái Dũng, Phó Tổng Giám đốc BigC Hà Nội cho biết: Mấy ngày gần đây, nhu cầu mua gạo của người dân tại BigC nóng dần lên, cao điểm là vào ngày chủ nhật vừa qua, siêu thị đã bán ra gấp 7 lần bình thường với khối lượng khoảng 2 tấn gạo.
“Hiện trong kho dự trữ, các kệ hàng của BigC đã hết sạch gạo tẻ, mà nguyên nhân của việc đổ xô đi mua là giá bán tại siêu thị không tăng, duy trì ở mức giá từ 8.000 - 14.000 đồng/kg. Chúng tôi đã làm việc với các nhà cung cấp, một số nhà cung cấp yêu cầu tăng giá nhưng nguyên tắc của BigC là chỉ áp giá tăng sau 15 ngày nên mọi việc vẫn đang lùng nhùng” - ông Dũng nói.
Cũng theo ông Dũng, hôm nay hệ thống siêu thị BigC ở miền Nam đã có gạo để bán, BigC Hà Nội cũng sẽ nhập về 2 tấn gạo (yêu cầu nhập 5 tấn nhưng đơn vị cung cấp không đáp ứng đủ).
Giám đốc FiviMart Hoàng Quốc Việt - ông Sỹ Danh Phúc cũng bày tỏ sự khó khăn trong việc nhà cung cấp đã báo giá hàng tăng thêm từ 10 - 20% đối với các đơn đặt hàng mới của siêu thị này.
Để ổn định thị trường, các siêu thị cho biết thời điểm hiện nay họ sẵn sàng hợp tác với các đơn vị cung ứng hàng của Nhà nước. “Nếu không bán hàng cho tôi, BigC sẵn sàng dành cho Vinafood 1 một vị trí bán hàng tại siêu thị mà không tính tiền phí” - ông Dũng, Phó Tổng Giám đốc BigC Hà Nội cho biết.
Chuỗi siêu thị Hapro sau cuộc họp sáng nay cũng đã tạm dừng đàm phán với các nhà cung cấp với hy vọng ký hợp đồng cùng Vinafood 1 để có gạo bán trong siêu thị. |
“Thứ 7 vừa rồi Metro đặt hàng 3 nhà cung cấp, chúng tôi không ở trong trạng thái đàm phán nữa mà chỉ mong có gạo nhưng đến nay mới chỉ nhận được sự xác nhận của một đơn vị giao hàng” - ông Võ Văn Nam, Giám đốc chi nhánh Hà Nội than vãn.
Dân dồn dập mua hàng, toàn bộ hệ thông Hapro cũng không còn gạo để bán. Hiện siêu thị này đang đàm phán với 5 nhà cung cấp, chấp nhận tăng giá 18 - 20% nhưng mới chỉ được một nhà cung cấp chấp thuận đơn đặt hàng với số lượng 3 tấn gạo.
Người Hà Nội “xài” sang
Khảo sát tại các siêu thị, các chợ và theo thừa nhận của các đơn vị bán hàng, nhu cầu tiêu dùng của người dân Thủ đô chỉ tập trung vào mặt hàng gạo cao cấp, trong khi gạo 10 - 15% tấm dùng cho xuất khẩu luôn thừa trên thị trường.
Đây cũng là nguyên nhân khiến các loại gạo tám Hải Hậu, Bắc Hương, tám Thái luôn trong tình trạng khan hiếm hàng trong 3 ngày qua và giá cả bị đội lên tới gần 10.000 đồng/kg.
Đại diện Chi cục Quản lý thị trường Hà Nội cho rằng, sự khan hàng này chỉ là tạm thời, là “ảo” bởi chỉ tính trong quận Hoàn Kiếm cũng đã có tới 20 cửa hàng bán gạo, mỗi cửa hàng tiêu thụ từ 30 - 50kg/ngày.
Thành phố Hà Nội có khoảng 2 triệu dân, 1 người ăn 3 lạng gạo/ngày, tính ra có khoảng 500 - 600 tấn gạo/ngày được tiêu thụ. Đó là chưa kể phương thức bán hàng “di động” như xe thồ, xe ôm… mà chúng ta chưa kiểm soát hết được.
Theo dự báo của Tổng Công ty lương thực Hà Nội, từ nay đến thời gian giáp hạt còn khoảng 2 tháng nên vẫn có xu hướng găm hàng.
“Các kho gạo tư nhân có hiện tượng đầu cơ, găm hàng. Chúng tôi đi mua cũng không được, mỗi ngày họ hét một giá. Tổng công ty phía Nam đang tồn kho 120.000 tấn gạo chờ xuất khẩu nay chúng tôi điều ra Hà Nội khoảng 4.000 tấn” - vị đại diện nói.
Tuy nhiên, đại diện Tổng Công ty lương thực Hà Nội cũng không ngừng lo lắng vì “người dân Hà Nội chỉ ăn loại gạo cao cấp, không ăn loại thường, mặc dù loại gạo 10 - 15% tấm dùng cho xuất khẩu chỉ bán rộng rãi ra thị trường với giá 11.000 đồng/kg.
Trước những vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội - ông Phí Thái Bình cho rằng: Chính sự khẳng định đẳng cấp tại các siêu thị (cả 4 siêu thị có mặt tại cuộc họp đều có chung các nhà cung cấp tư nhân để lấy gạo ngon chứ chưa lấy nguồn từ các doanh nghiệp Nhà nước) cũng là một nguyên nhân dẫn tới thiếu nguồn cung gạo, trong khi các siêu thị lại giữ giá không tăng.
Ông Bình cũng bày tỏ thái độ không đồng tình với cách ứng xử của người dân lúc này. “Trong những mặt hàng gạo cao cấp, có gạo nhập khẩu từ Thái Lan, điều này sẽ nâng tỷ lệ nhập siêu của nước ta lên cao” - ông Bình nhấn mạnh.
Theo Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, trong thời gian này thành phố sẽ tạo mọi điều kiện để các phương tiện vận chuyển cung cấp gạo cho thành phố được đi lại dễ dàng.
Nguyễn Hiền