Người Việt tiêu thụ hơn 80 tỷ điếu thuốc lá mỗi năm!

(Dân trí) - Theo thông tin được ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cung cấp thì mỗi năm, sản lượng thuốc lá điếu của Việt Nam đạt khoảng 100-110 tỷ điếu, trong đó xuất khẩu 20-22 tỷ điếu. Qua đó, nộp ngân sách đạt từ 900 triệu đến 1 tỷ USD/năm.

(Ảnh minh họa)
(Ảnh minh họa)
 
Đọc những thông tin kinh tế - tài chính mới nhất trên FICA:
 
Ngày 23/4, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam phối hợp với Hiệp hội Nông dân Thuốc lá Thế giới tổ chức “Diễn đàn Hiệp hội Nông dân Thuốc lá Thế giới (ITGA) - Khu vực Châu Á”. Đại diện của 8 quốc gia trong khu vực châu Á đã có mặt và tham dự diễn đàn.
 
Phát biểu tại diễn đàn, ông Vũ Văn Cường, Chủ tịch Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam cho biết, sản lượng thuốc lá điếu của Việt Nam hiện nay khoảng 100 - 110 tỷ điếu/năm, xuất khẩu 20 - 22 tỷ điếu/năm, nộp ngân sách nhà nước từ 900 triệu đến 1 tỷ USD/năm. Như vậy, tính ra mỗi năm, người tiêu dùng trong nước tiêu thụ trên 80 tỷ điếu thuốc lá, đây là một con số khổng lồ.

Nhu cầu tiêu thụ thuốc lá "khủng khiếp" như trên đang biến Việt Nam dần trở thành "thiên đường" thuốc lá lậu. Theo số liệu khảo sát năm 2012 của Trung tâm Thuế và Đầu tư Quốc tế và tổ chức Oxford Economics, Việt Nam là thị trường tiêu thụ thuốc lá lậu lớn thứ 2 trong số 11 quốc gia châu Á được khảo sát.

Trong những năm gần đây, mặc dù hoạt động chống thuốc lá đã được tăng cường, song diễn biến buôn bán, vận chuyển thuốc lá lậu vẫn diễn ra phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi. Tình hình nhập lậu thuốc lá điếu ngoại đặc biệt nghiêm trọng ở tuyến biên giới các tỉnh giáp biên Việt Nam - Campuchia như Tây Ninh, An Giang, Long An, Đồng Tháp, Kiên Giang.

Tiêu thụ thuốc lá tại Việt Nam tăng nhanh bất chấp những khuyến cáo loại sản phẩm này độc hại cho sức khỏe. Một báo cáo do Mỹ vừa công bố cũng cho thấy, khói thuốc lá chứa 7.000 chất độc hóa học, trong đó có hàng trăm chất cực độc và ít nhất 70 chất có thể gây ung thư, đó là axton (chất tẩy trong thuốc sơn móng tay), amoniac (chất tẩy rửa sàn nhà và bồn vệ sinh), DDT/Dieldrin (thuốc trừ sâu), phoóc-môn và CO (khí thải ô tô), toluene (dung môi công nghiệp), methanol formaldehyde (chất để ướp xác chết)… Những chất này khi đi vào cơ thể sẽ ảnh hưởng đến toàn bộ hệ thần kinh, mạch máu và nội tiết gây ra những bệnh tim mạch, giảm trí nhớ và các bệnh ung thư.

Tại Việt Nam, theo một nghiên cứu được tiến hành tại Bệnh viện K cho thấy, những người hút thuốc trong vòng 6 tháng có khả năng bị ung thư phổi cao gấp 6,5 lần so với người không hút. Họ cũng chết sớm hơn người không hút đến 20 năm.

Báo cáo của Bộ Tài chính tại kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII, mỗi năm Việt Nam có khoảng 40.000 trường hợp tử vong do các bệnh liên quan đến thuốc lá, dự báo con số này sẽ tăng lên khoảng 70.000 ca vào năm 2033. Thuốc lá còn gây những tổn thất lớn về kinh tế cho từng gia đình và xã hội, với tổng thiệt hại ước tính 8.213 tỷ đồng/năm.
 
Cũng theo báo cáo tại diễn đàn vừa rồi, hiện có tới 20.000 - 21.000 lao động công nghiệp và khoảng 350.000 lao động nông nghiệp tại các vùng trồng cùng hàng trăm nghìn lao động dịch vụ khác có liên quan đang phục vụ trong ngành công nghiệp này. Công nghiệp thuốc lá cũng tạo kế sinh nhai cho khoảng 6 triệu lao động.
 
Theo báo cáo của Tổng công ty Thuốc lá Việt Nam (Vinataba), tổng diện tích đầu tư hàng năm của doanh nghiệp này từ 11.000 - 13.000 ha, với trên 5,5 triệu công lao động được sử dụng, ước sản lượng đồng ruộng từ 22.000 - 26.000 tấn, tương đương 70% tổng diện tích và sản lượng toàn ngành.
 
Tuy nhiên, việc phát triển vùng trồng trong những năm qua cũng gặp một số khó khăn nhất định. Cụ thể, sự thu hẹp vùng trồng một phần do tình hình thời tiết không thuận lợi, dịch bệnh virus trên cây thuốc lá đã ảnh hưởng đến diện tích trồng và sản lượng thu hoạch thuốc lá nguyên liệu. 

Cùng với đó là do sự cạnh tranh giữa các loại cây trồng nên lao động tham gia sản xuất nguyên liệu thuốc lá ngày càng ít, giá nhân công ngày càng cao; giá các vật tư nông nghiệp tăng làm giảm hiệu quả kinh tế của cây thuốc lá.
 
Đại diện Vinataba cũng phân tích rằng nguyên nhân chính của sự sụt giảm diện tích trồng thuốc lá trong nước do thời tiết khí hậu diễn biến bất thường; sự cạnh tranh đất trồng và công lao động giữa thuốc lá và các loại cây trồng khác ngày càng gay gắt. Bên cạnh đó, sự sụt giảm này còn do tập quán canh tác và tiếp thu tiến bộ khoa học kỹ thuật ở một số vùng còn hạn chế nên việc thực hiện quy trình kỹ thuật chưa triệt để.
 
Bích Diệp

Hà Nội: Tận mục bến xe khách ngầm trên “đất vàng”