Người Việt tại xưởng may “đen” ở Nga: Giải mã hành trình
Lao động Việt khi nhập cảnh vào Nga là hợp pháp nhưng khi về đến nơi lao động thì đã trở thành không hợp pháp
Đây là điều được ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, Cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước (Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội) nhấn mạnh trao khi trao đổi với VnEconomy, sau khi bài viết “Chuyện khó tin về lao động Việt tại Nga” dẫn nguồn tin từ Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga cho biết hàng chục nghìn lao động Việt đã và đang bị bóc lột thậm tệ tại các xưởng may “đen” tại nước này.
Tình hình này đã được báo cáo với các cơ quan chức năng Việt Nam từ năm 2008, nhưng theo ghi nhận từ chuyến công tác của Ủy ban Kinh tế Quốc hội hồi tháng Tư năm nay thì thực trạng “khổ sai” của hàng chục nghìn lao động Việt Nam dường như vẫn chưa được cải thiện.
Mặc dù Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã có những động thái, không ngoại trừ cả những cuộc gặp với những chủ xí nghiệp may “đen”, để tìm cách hạn chế đến mức thấp nhất những rủi ro cho lao động Việt.
Còn theo ông Nguyễn Ngọc Quỳnh, từ năm 2009 đến nay, sau hàng loạt “sự cố” xảy ra với người lao động tại thị trường Nga như phải sống vạ vật, làm việc không được trả lương tại các xưởng may… các doanh nghiệp khai thác thị trường này không còn đưa lao động may sang nữa. Một số hợp đồng mà Cục thẩm định gần đây chủ yếu trong lĩnh vực xây dựng, ông Quỳnh cho biết.
Trong khi đó, báo cáo của Ban công tác cộng đồng - Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga vẫn nhận định, trong năm 2010, số lượng các xí nghiệp may “đen” ngày càng tăng, câu kết với những phần tử biến chất trong bộ máy chính quyền địa phương lừa gạt người lao động từ Việt Nam sang ngày càng nhiều.
Theo như khẳng định của ông Quỳnh thì lao động Việt Nam tại các xưởng may “đen” ở Nga chủ yếu là đi bằng visa du lịch rồi trốn ở lại. Với những trường hợp này, Cục Quản lý lao động ngoài nước không thể kiểm soát được.
Còn theo Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga thì công nhân Việt Nam được đưa sang Nga lao động khi những đơn vị có nhu cầu sử dụng lao động đặt hàng những công ty có thể xin được hạn ngạch nhận lao động của cơ quan Di trú và cơ quan Việc làm Liên bang Nga.
Những công ty dịch vụ này sau khi xin được chỉ tiêu sẽ đặt hàng các công ty tuyển dụng lao động trong nước để những công ty này tuyển người.
Khi những công ty trong nước tuyển người xong, làm các thủ tục nhận vida, xuất cảnh, mua vé máy bay và liên hệ với một công ty làm dịch vụ đưa đón tại sân bay Moskva.
Những công ty làm dịch vụ đón người tại sân bay sẽ đưa những công nhân này về những công ty xí nghiệp có nhu cầu sử dụng lao động trong đó có cả các công ty, xí nghiệp hợp pháp và không hợp pháp (mà số người này đa số là về các xí nghiệp may không hợp pháp) vì phần lớn các công ty may hợp pháp đều có chỉ tiêu nhận lao động hàng năm và vì vậy họ tự làm trực tiếp với công ty trong nước mà không cần qua công ty trung gian.
“Tình trạng nêu trên đã dẫn đến những hậu quả xấu trong sử dụng lao động, đó là người lao động khi nhập cảnh vào Nga là hợp pháp nhưng khi đi về nơi lao động thì đã trở thành không hợp pháp”, báo cáo của Đại sứ quán nêu rõ.
Từ tình hình thực tế này, từ năm 2008, Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga đã kiến nghị với các cơ quan trong nước tạm thời đình chỉ việc đưa lao động Việt Nam sang Liên bang Nga đối với những công ty tư nhân không có chức năng xuất khẩu lao động ra nước ngoài, kể cả việc sang lao động tự do như hiện nay.
Đồng thời, kiểm tra, rà soát tất cả những công ty, kể cả công ty nhà nước đưa người lao động sang Liên bang Nga không đúng quy định, để có hình thức xử lý thích đáng với những công ty hoạt động trái phép, có các hình thức đền bù bắt buộc cho những người đã bị lừa đưa đi lao động tại Nga (mà số lượng hiện nay lên đến hàng chục nghìn người).
Đối với những công ty nhà nước có chức năng xuất khẩu lao động thì phải có hợp đồng với các đối tác Nga, thông qua Cục quản lý lao động ngoài nước của Bộ Lao đông và thương binh xã hội, sau đó thông qua sự thẩm định của Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga. Khi có đủ điều kiện về chỗ làm, ăn ở, sinh hoạt cho người lao động mới cho người lao động sang làm việc.
“Làm được như vậy, mới có thể quản lý và bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho người lao động”, Đại sứ quán nhấn mạnh.
Ngày 9/5/2011, trả lời câu hỏi của VnEconomy về việc cả nước hiện có bao nhiêu doanh nghiệp được phép đưa lao động sang Nga, và Cục Quản lý lao động ngoài nước có nắm được cụ thể số lượng lao động đang làm việc tại Nga cũng như các đơn hàng và những hợp đồng mà những doanh nghiệp dịch vụ trong nước đã ký với đổi tác hay không, ông Quỳnh nói: “Cái này thì chúng tôi cần thời gian để tổng hợp”.
Còn theo một nguồn tin của VnEconomy thì “các đơn hàng được thực hiện tại thị trường Nga phần lớn được thực hiện thông qua người nhà sinh sống tại nước này. Doanh nghiệp và cơ quan quản lý cũng không có “điều kiện” để “mục sở thị”.
Tại một số bản báo cáo được phát hành từ 2008 đến nay, dù không né tránh tình trạng “nô lệ lao động”, song Đại sứ quán Việt Nam tại Liên bang Nga vẫn đánh giá, nước này vẫn là thị trường xuất khẩu lao động tiềm năng của Việt Nam, nếu việc đưa công nhân Việt Nam sang Nga đi theo con đường có tổ chức.
“Hiệp định về lao động giữa Việt Nam và Liên bang Nga đã được ký kết hồi tháng 10/2008, là nền tảng vững chắc cho việc phát triển thị trường lao động giữa Việt Nam và Liên bang Nga. Việc này sẽ góp phần giải quyết công ăn việc làm cho lao động nhàn rỗi của những thành phố lớn và các vùng nông thôn đang khan hiếm việc làm của Việt Nam trong giai đoạn hiện nay”, văn bản của Đại sứ quán nêu rõ.
Tuy nhiên, theo ông Đào Công Hải, Phó cục trưởng Cục Quản lý lao động ngoài nước, với những nước nào mà GDP đầu người dưới 10.000 USD, số lượng lao động bản địa thất nghiệp còn cao, thì rủi ro cho lao động sẽ lớn hơn.
“Quan điểm của tôi là, tốt nhất là không nên đưa lao động của mình sang Nga làm việc”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo Vũ Quỳnh
VnEconomy