Người Việt đi làm thu nhập bình quân 7 triệu đồng/tháng

Mai Chi

(Dân trí) - Đời sống của người lao động được cải thiện chậm hơn. Mặc dù, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, nhưng tốc độ tăng thu nhập giảm gần một nửa so với tốc độ tăng của quý II/2022.

Theo Tổng cục Thống kê, thu nhập bình quân tháng của người lao động quý II là 7 triệu đồng, giảm 79.000 đồng so với quý I và tăng 355.000 đồng so với cùng kỳ năm 2022.

Trong đó, thu nhập bình quân tháng của lao động nam cao gấp 1,37 lần thu nhập bình quân tháng của lao động nữ (8 triệu đồng so với 5,8 triệu đồng). Thu nhập bình quân của lao động ở khu vực thành thị cao gấp 1,4 lần khu vực nông thôn (8,5 triệu đồng so với 6,1 triệu đồng).

Theo đánh giá của cơ quan thống kê, thu nhập bình quân của người lao động trong quý II giảm so với quý trước là xu hướng quan sát thường thấy trong các năm gần đây (từ năm 2019-2021). Nguyên nhân của sự sụt giảm này đến từ việc các khoản thu nhập phụ trội bổ sung từ tiền làm thêm cuối năm và tiền thưởng dịp Tết Nguyên đán thường được chi trả chủ yếu trong quý I.

So với cùng kỳ năm 2022, đời sống của người lao động quý II được cải thiện chậm hơn. Mặc dù, thu nhập bình quân của người lao động tăng lên, nhưng tốc độ tăng thu nhập giảm gần một nửa so với tốc độ tăng của quý II/2022 (tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động quý II so với cùng kỳ năm 2022 là 5,4%, trong khi tốc độ tăng thu nhập bình quân của quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021 là 8,9%).

Lao động tại các khu công nghiệp gặp khó

So với cùng kỳ năm 2022, quý II năm nay thu nhập bình quân của người lao động tại các vùng kinh tế - xã hội tăng, vậy nhưng, tốc độ tăng thu nhập bình quân vẫn thấp hơn so với tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021.

Đặc biệt, đời sống của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ được cải thiện chậm nhất trong 6 vùng kinh tế - xã hội. Quý II/2023, thu nhập bình quân của người lao động tại vùng Đông Nam Bộ là 8,6 triệu đồng, chỉ tăng 1,3% so với cùng kỳ năm 2022, tăng thấp nhất so với các vùng còn lại.

Đông Nam Bộ cũng là vùng ghi nhận tốc độ tăng thu nhập bình quân giảm mạnh nhất (giảm gần 5 lần) so với tốc độ tăng thu nhập của lao động quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 6%).

Thu nhập bình quân của lao động tại Đồng bằng sông Hồng trong quý II là 8,1 triệu đồng, tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước, nhưng thấp hơn 2 lần tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động quý II/2022 so với cùng kỳ năm 2021 (tăng 11,4%).

Trong quý này chứng kiến lao động làm việc tại một số địa phương có tốc độ tăng thu nhập bình quân khá như Thái Bình, Ninh Bình, so với cùng kỳ năm 2022, tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động tại hai tỉnh này lần lượt là 10,5% và 6,2%.

Trong khi đó, một số địa phương như Bắc Ninh, Hải Dương tập trung nhiều khu công nghiệp lại cho thấy sự sụt giảm thu nhập bình quân của lao động. Mức thu nhập bình quân của lao động tại hai tỉnh này lần lượt là 8,1 triệu đồng/người/tháng, 7,2 triệu đồng/người/tháng, giảm lần lượt tương ứng là 3,3% và 3% so với cùng kỳ năm 2022.

Lao động ngành tài chính, ngân hàng vẫn "sống tốt"

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của lao động quý này tại ba khu vực kinh tế đều tăng lên, trong đó, thu nhập bình quân của lao động tại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản ghi nhận tốc độ tăng cao nhất. Tuy nhiên, tốc độ tăng thu nhập bình quân của lao động tại hai khu vực công nghiệp, xây dựng dịch vụ chậm lại, thấp hơn đáng kể so với tốc độ tăng thu nhập của cùng kỳ năm 2022.

Quý II, thu nhập bình quân của lao động tại khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản là 4,1 triệu đồng, tăng 6,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,6%). Lao động làm việc tại khu vực dịch vụ có mức thu nhập bình quân là 8,2 triệu đồng, tăng 5,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp hơn 1,7 lần tốc độ tăng của cùng kỳ năm 2022 (tăng 8,7%).

Trong khi đó, thu nhập bình quân của lao động làm việc tại khu vực công nghiệp và xây dựng là 7,8 triệu đồng, tăng 4,2% so với cùng kỳ năm trước, thấp gần 3 lần tốc độ tăng thu nhập của lao động cùng kỳ năm 2022.

So với cùng kỳ năm trước, thu nhập bình quân của lao động làm việc trong một số ngành kinh tế của quý II năm nay tiếp tục tăng, nhưng tốc độ tăng thu nhập của lao động chậm lại so với tốc độ tăng thu nhập của cùng kỳ năm 2022.

Chẳng hạn, lao động làm việc trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo có thu nhập bình quân là 7,7 triệu đồng, tăng 4,3%, tương ứng tăng 316.000 đồng (cùng kỳ năm 2022 tăng 12,4%, tương ứng tăng 818.000 đồng so với quý II/2021).

Thu nhập bình quân của lao động ngành dịch vụ, lưu trú và ăn uống là 6,6 triệu đồng, tăng 6,4%, tương ứng tăng 395.000 đồng (cùng kỳ năm 2022 tăng 6,8%, tương ứng tăng 572000 đồng). Lao động làm việc trong ngành vận tải kho bãi có thu nhập bình quân là 9,6 triệu đồng, tăng 7,6%, tương ứng tăng 679.000 đồng (cùng kỳ năm 2022 tăng 9,9%, tương ứng tăng 798.000 đồng so với quý II/2021).

Bên cạnh đó, hoạt động ngành tài chính, ngân hàng trở lên sôi động hơn trong quý II nên thu nhập của người lao động ngành này có tốc độ tăng lên khá. Thu nhập bình quân của lao động ngành hoạt động tài chính, ngân hàng và bảo hiểm là 11,2 triệu đồng, tăng 7,2% so với cùng kỳ năm trước, tương ứng tăng 751.000 đồng (cùng kỳ năm 2022 chỉ tăng 1,2%, tương ứng tăng 122 nghìn đồng).

Ngược lại, thu nhập của lao động trong ngành hoạt động kinh doanh bất động sản tiếp tục chứng kiến sự sụt giảm, với mức thu nhập bình quân là 10,5 triệu đồng, giảm 2,1%, tương ứng giảm 228.000 đồng so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 3,1%, tăng tương ứng 327 nghìn đồng so với quý II/2021).