Người Sài Gòn “sốc” với giá nhà đất Hà Nội
Mặc dù có mức GDP/đầu người cao hơn, và như vậy có nhiều tiền hơn để chi tiêu so với dân Hà Nội, nhưng người dân TP.HCM lại luôn mua được nhà, đất với giá rẻ hơn.
Tại sao lại có nghịch lý thú vị đến vậy?
Giá đất ngất ngưởng ở Hà Nội
Có thể dễ dàng nhận thấy BĐS tại TP.HCM, từ đất nền, nhà phố tới chung cư đều có mức giá rẻ hơn khá nhiều so với Hà Nội. Theo ông Nguyễn Đình Toản, Phó phòng kinh doanh công ty BDS AZ, cùng ở một vị trí tương đương nhau, giá một m2 căn hộ tại Hà Nội là 25 triệu đồng thì ở TP.HCM chỉ khoảng 17 triệu đồng. Đặc biệt, chỉ cần bỏ ra 17 triệu đồng/m2, khách hàng đã có thể tới ở ngay.
Ở phân khúc chung cư, một số dự án không nằm ở vị trí đắc địa của Hà Nội có giá không chênh lệch nhiều so với dự án nằm tại nơi có địa điểm tốt hơn ở TP.HCM.
Có thể kể ra giá của một số dự án tại Hà Nội như sau: Dự án 165 Thái Hà với mức giá tham khảo: căn 59m2 có giá 41,2 triệu đồng/m2, căn 101m2 có giá 39,6 triệu đồng/m2.
Tại dự án Trung Hòa – Nhân Chính, căn hộ 51m2 có giá 39,4 triệu đồng/m2, căn hộ 158m2 có giá 40,1 triệu đồng/m2.
Xa trung tâm hơn, giá nhà giảm khá mạnh nhưng vẫn ở mức cao, từ trên 20 triệu đến gần 40 triệu đồng/ m2.
Trong khi đó, tại TP.HCM, có rất nhiều dự án giá dưới 20 triệu đồng/m2, thậm chí chỉ hơn 10 triệu đồng/m2 một chút. Những dự án giá cao chót vót không hề nhiều. Trong khi tại Hà Nội, những dự án chung cư có giá trên 30 triệu đồng/m2 là khá phổ biến.
Ở phân khúc đất nền, TP.HCM cũng yếu thế so với Hà Nội. Tại Hà Nội, giá đất nền dù giảm mạnh và được đánh giá sắp “chạm đáy” nhưng vẫn rất cao.
Dự án Kim Chung – Di Trạch sau khi giảm 5-7 triệu đồng/m2, giá vẫn xấp xỉ 50 triệu đồng/m2. Dự án Tân Tây Đô giao dịch ở mức khoảng 48-50 triệu đồng/m2. Dự án khu đô thị mới Tân Việt giá dao động quanh 40 triệu đồng/m2.
Bất động sản nằm trên trục Lê Văn Lương kéo dài có mức giá cao hơn. Căn hộ liền kề An Hưng hiện vẫn xoay quanh mức 79-80 triệu đồng/m2, biệt thự 62-63 triệu đồng/m2, khu đô thị mới Văn Phú giao dịch ở mức 60-62 triệu đồng/m2 đường nhỏ, liền kề mặt đường Lê Trọng Tấn 120-130 triệu đồng/m2.
Trong khi đó, ở TP.HCM, mức giá thấp hơn nhiều. Dự án Him Lam – Tân Hưng nổi lên với mức 84,3 triệu đồng/m2. Các dự án khác chỉ dao động từ 30 đến 40 triệu đồng/m2. Dự án An Phú – An Khánh có giá 44,6 triệu đồng/m2. Dự án Thạnh Mỹ Lợi, Phú Nhuận: 38,5 triệu đồng/m2. Thủ Thiêm Villa: 230m – 33,3 triệu đồng; Khang An: 144 – 11,5; Trí Kiệt 112m – 15; TDC – Phú Mỹ 90 – 22,2 ,....
Ở phân khúc nhà ở sẵn có, TP.HCM cũng có mức giá rẻ hơn. Chị Hoa, một nhân viên ngân hàng mới chuyển vào TP.HCM sinh sống nhận xét với 1 tỷ đồng, chị có thể dễ dàng mua một căn nhà tại TP.HCM. Nhưng với bằng đó tiền, chị sẽ khó kiếm được một căn nhà ưng ý tại Hà Nội.
Tại TP.HCM, chỉ có 2 phân khúc rất nhỏ mà ở đó, giá cả cao hơn tại Hà Nội. Đó là phân khúc căn hộ hạng sang. Mức giá trung bình chào bán trên thị trường thứ cấp ở TP.HCM là 4.368 USD/m, ở Hà Nội là 3.174 USD/m.
Bên cạnh đó, các khu “đất vàng” ở TP.HCM cũng đắt hơn ở Hà Nội. Tuy nhiên, ông Toản cho rằng điều đó không có ý nghĩa nhiều vì các mảnh, khu đất đó hầu như không có giao dịch nên giá không thay đổi nhiều.
Vì sao nghịch lý?
Ông Nguyễn Đình Toản, phó phòng kinh doanh công ty BDS AZ đã có lý giải tại sao bất động sản TP.HCM lại yếu thế hơn so với Hà Nội. Thứ nhất, ông Toản cho rằng chi phí cho thủ tục đầu tư xây dựng tại TP.HCM thấp hơn Hà Nội giúp giá thành sản phẩm xây dựng không tăng vọt.
Một nguyên nhân khác quan trọng hơn chính là việc nhà đầu tư TP.HCM quen dùng đòn bẩy tài chính hơn ở Hà Nội. Khi các khoản vay ngân hàng đến ngày đáo hạn, nhà đầu tư buộc phải bán tháo để trả nợ khiến giá BĐS sụt giảm mạnh. Còn ở Hà Nội, phần lớn nhà đầu tư dùng vốn tự có nên không xảy ra tình trạng tháo chạy trả nợ ngân hàng không nhiều.
Cụ thể, theo Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Trần Nam, tổng dư nợ cho vay bất động sản năm 2010 đạt khoảng 224 nghìn tỷ đồng, tăng khoảng 22% so với cuối năm 2009.
Tại thị trường TP.HCM, dư nợ cho vay trong bất động sản chiếm đến 47% tổng dư nợ, Hà Nội là 16%.
Như vậy, lượng vốn ngân hàng cho khách hàng vay để đầu tư BĐS tại TP.HCM cao gấp 3 lần Hà Nội.
Bên cạnh đó, nguồn cung dồi dào cũng là yếu tố khiến giá cả tại TP.HCM thấp hơn. Theo ông Toản, các đô thị mới đã mọc ở TP.HCM từ khá lâu. Trong khi đó, tại Hà Nội, các đô thị mới chỉ xuất hiện vài năm trở lại đây.
Nguồn cung ít hơn, trong khi cầu lại nhiều hơn là yếu tố khiến giá nhà đất Hà Nội cao chót vót. Nguyên thứ trưởng Bộ Thương mại, ông Nguyễn Đình Tuyển nhận xét rằng Hà Nội là thủ đô, thu hút rất nhiều lao động tới làm việc nên nhu cầu nhà ở là rất cao và không ngừng gia tăng.
Anh Giang, một nhà môi giới BĐS lại có lý giải khác. Anh cho rằng quỹ đất của TP.HCM, đặc biệt là quỹ đất “sạch” rất lớn trong khi Hà Nội khá khiêm tốn. Thị trường BĐS TP.HCM cũng minh bạch hơn giúp giá cả phản ánh đúng giá trị hơn.
Một nguyên nhân khác khiến giá cả tăng vọt khi đến tay người tiêu dùng có nhu cầu thực sự chính là việc chỉ một số người đặc biệt mới mua được nhà giá gốc. Khi đến tay người tiêu dùng, nhà đất đã qua tay nhiều chủ và bị đẩy giá lên nhiều lần.
Theo thống kê của CBRE, giá nhà đất ở Hà Nội tại thị trường không chênh lệch nhiều so với TP.HCM nhưng lại đắt hơn khá nhiều (tính theo giá trị tuyệt đối) ở thị trường thứ cấp, nơi khách hàng có nhu cầu mua nhà thực sự.
Theo Khánh Vân
VTCNews